Aa

Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh bị thu hồi, chủ đầu tư bất ngờ “thoát xác“?

Thứ Tư, 10/03/2021 - 10:15

Sau nửa năm dự án hơn 25.000 tỷ đồng bị Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi, chủ đầu tư dự án - CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh - đã kịp đổi người đại diện theo pháp luật?

DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ DỰ ÁN "PHÁ RỪNG" ĐÃ ĐỔI CHỦ? 

Như Reatimes đã thông tin trong bài viết "Lâm Đồng đã thu hồi dự án Khu đô thị Đại Ninh 25.000 tỷ đồng?" , Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh được triển khai xây dựng từ năm 2010 - 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ hạn hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng. 

Trong gần 10 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định cho phép Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng 323ha đất để thực hiện dự án với số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 158 tỷ đồng. Mặc dù được đôn đốc nhiều lần nhưng đến năm 2018 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính này. Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra quyết định điều chỉnh quyết định nói trên, trong đó có nội dung: Chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích hơn 166ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012. 

Hơn nữa, quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án đã vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560m2, 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng…Nghiêm trọng hơn, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông. 

Dự án để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đổ hóa chất đầu độc cây thông 3 lá, hay nhiều lần các đối tượng đưa xe cơ giới vào đào xới đất, múc hố để trồng cây nông nghiệp, khai thác mủ cây thông,… gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, làm giảm độ tán che hàng năm của địa phương. 

Đến nay, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án do để mất rừng và đất rừng, không trả tiền thuế đất, chây ì không triển khai dự án suốt một thập kỷ... đã được nửa năm. Hiện không rõ Lâm Đồng đã thực hiện công tác trên đến đâu, tuy nhiên, chủ đầu tư CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh đã thay nhân sự chủ chốt. 

Sài gòn Đại Ninh đổi người đại diện theo pháp luật

Kết luận của Thanh tra Chính phủ được ban hành tháng 7/2020, thì tới cuối tháng 1/2021, theo bản công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh, ngày 28/01/2021 ông Nguyễn Cao Trí đã chính thức thay thế bà Phan Thị Hoa, trở thành người đại diện pháp luật, đồng thời là Tổng Giám đốc Sài Gòn - Đại Ninh Corp.

Trao đổi với Reatimes, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: "Khi chủ đầu tư cùng lúc chậm dự án nhiều năm, và để xảy ra tình trạng phá rừng thì cơ quan quản lý đứng ở đâu? Doanh nghiệp để xảy ra tình trạng phá rừng sao chưa bị xử lý? Cần làm rõ trách nhiệm của địa phương cũng như doanh nghiệp nhận dự án, bởi việc phá rừng gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến môi trường và con người. Điều này không cần nói đến nữa vì không ai hiểu rõ tác hại sự tàn phá này bằng chính người dân, lãnh đạo và doanh nghiệp tại địa phương đó. 

PGS.TS Bùi Thị An nói về trách nhiệm của chủ đầu tư để xảy ra tình trạng phá rừng

Dù có được gia hạn hay chấm dứt làm dự án, doanh nghiệp cần phải khắc phục hậu quả đã gây ra, đặc biệt với tài nguyên rừng. Riêng đối với dự án để xảy ra tình trạng phá rừng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ là phải thu hồi thì buộc phải thực thi theo đề xuất của cơ quan này. Hiện nay, có một số doanh nghiệp dùng chiêu trò lách luật bằng hình thức bán lại dự án, bán vốn cổ phần hoặc thay người đại diện theo pháp luật,… để trốn tránh trách nhiệm. Do đó, địa phương quản lý, cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt tránh tình trạng chủ đầu tư qua mặt bằng chiêu “thoát xác” hay “bình mới rượu cũ”,…"

Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh với tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh (trụ sở tại TP. Đà Lạt) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010. Dự án nằm trên địa bàn các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia (huyện Đức Trọng) với tổng quy mô diện tích lên đến hơn 3.595ha, trong đó có trên 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp.

Khác với quy mô khổng lồ 25.000 tỷ đồng của dự án Sài Gòn - Đại Ninh ở Lâm Đồng, chủ đầu tư dự án lại là một doanh nghiệp tài chính khiêm tốn. CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (tên viết tắt: Sài Gòn Đại Ninh Corp) được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở hiện đặt tại phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Công ty thuộc nhóm doanh nghiệp Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group).

Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group - 85%), và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại. Đến tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp. Về bản chất gần như không thay đổi khi bà Hoa cũng là chủ tịch Phương Nam. Tới ngày 10/10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. 

Về Phương Nam, tại ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của Phương Nam đạt mức 540 tỷ đồng, trong đó bà Phan Thị Hoa nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ 92% vốn điều lệ, 3 cổ đông cá nhân khác nắm giữ 8% vốn còn lại. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, Phương Nam Group gần như không có hoạt động nào đáng kể nên doanh thu gần như không có. Tổng tài sản và vốn điều lệ của công ty mẹ giữ nguyên ở mức 945 tỷ đồng và 540 tỷ đồng. Diễn biến này khá mâu thuẫn với những thành tựu uy tín của nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Phan Thị Hoa. Bà Hoa từng được vinh danh và tôn vinh danh hiệu cao quý “Người phụ nữ thành đạt”, “Nữ doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” và “Bông Hồng Vàng”. 

CHÂN DUNG ÔNG CHỦ MỚI QUYỀN LỰC 

Đại gia Cao Trí

Kết luận của Thanh tra Chính phủ được ban hành tháng 7/2020, thì tới cuối tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật, mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí, với vai trò Tổng giám đốc.

Nói về doanh nhân Cao Trí, cũng là người “trưởng thành” từ doanh nghiệp Nhà nước - Tổng Công ty Bến Thành. Nền tảng phát triển sự nghiệp của vị doanh nhân sinh năm 1970 phải kể tới quãng thời gian đảm nhiệm chức vụ cấp cao tại một số công ty thành viên đơn vị này. Ông Nguyễn Cao Trí từng là Giám đốc Đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (từ năm 1999 - 2005) và Tổng Giám đốc tại Công ty Bến Thành Land (từ năm 2006 - 2014). 

Trên danh nghĩa, doanh nhân Cao Trí đã nắm toàn bộ doanh nghiệp nổi bật nhất của Tổng Công ty Bến Thành là Bến Thành Land cũng như không còn liên hệ gì với Tổng Bến Thành. Tuy vậy, nhiều công ty trong hệ sinh thái này vẫn giữ tên Bến Thành – một cái tên gợi ra đế chế hùng mạnh về bất động sản tại TP.HCM.

Sau khi Tổng Bến Thành và những đại diện liên quan rút vốn hoàn toàn khỏi Bến Thành Land, một cuộc chơi mới được ông Cao Trí bắt đầu với thương hiệu, định hướng và dàn lãnh đạo mới. Tháng 1/2015, sau khi Benthanh Group thoái toàn bộ vốn, Bến Thành Land đổi tên thành CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality) dưới sự “lèo lái” của ông Nguyễn Cao Trí trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Sau đó, các thành viên HĐQT Capella Holdings liên quan đến Benthanh Group đã từ nhiệm.

Quay trở về quá khứ, Bến Thành Land thành lập vào năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu 136,2 tỷ đồng, gồm các cổ đông lớn là Tổng Công ty Bến Thành (20,77%), Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch Bến Thành (14,83%), Ngân hàng TMCP Phương Đông (9,17%) và CTCP Chứng khoán Phương Đông (8,63%). Sau biến động trong cơ cấu cổ đông, Capella Holdings liên tục tăng vốn điều lệ. Cụ thể, tại thời điểm đăng kí thay đổi hồi tháng 7/2016, doanh nghiệp thực hiện tăng vốn từ 238,4 tỷ đồng lên 333,8 tỷ đồng. Trước đây, Benthanh Land niêm yết tại OTC với mã BTL nhưng sau đó đã không cập nhật thông tin khi đổi tên thành Capella Holdings. 

Từ mảng cốt lõi là bất động sản, Capella Holdings dần chuyển dịch sang mảng kinh doanh mới F&B - lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng khả quan và xoay vòng đồng vốn nhanh hơn so với mảng nhà ở. Capella Holdings cũng tăng cường sử dụng công cụ M&A để gia tăng nhanh chóng quy mô, hướng tới tạo lập 3 mảnh ghép khép kín và bổ trợ cho nhau là: Hội nghị/tiệc cưới, Nhà hàng và Hoạt động giải trí. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng tốc khả quan. 

Về nhân sự, hiện nay, HĐQT Capella Holdings được điều hành bởi ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Một số nhân sự hỗ trợ có xuất thân từ Công ty Chứng khoán Bản Việt, và bộ đôi Capella Holdings – Bản Việt thường “đi chung” với nhau trong các thương vụ M&A lớn.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group - một doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái thuộc hệ sinh thái Capella Holdings của doanh nhân Cao Trí,  được Quảng Ninh xem xét ý tưởng mở rộng phía bắc khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và xây dựng khu đô thị du lịch quốc tế đa năng đảo tại đảo Vĩnh Thực và khu hợp tác kinh tế biên giới, khu đô thị du lịch sinh thái tại TP. Móng Cái. Hai dự án có tổng vốn khoảng 65.000 tỷ đồng. 

Việc ông Cao Trí tiếp quản vị trí mới tại Sài Gòn - Đại Ninh Corp liệu có "kết mối lương duyên" giữa công ty này với Capella Holdings?  Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.

Dự án để xảy ra phá rừng, chính quyền địa phương không biết?  

CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh chưa thay đổi thông tin liên quan đến dự án Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh và cũng chưa công bố diễn biến thực hiện quá trình trao trả dự án cho tỉnh, khắc phục thiệt hại do phá rừng gây ra.

Luật sư Lương Thành ĐạtTrong khi đó, doanh nghiệp lại có động thái thay đổi người đại diện theo pháp luật. Không rõ, việc này tỉnh Lâm Đồng có hay khi trách nhiệm của tỉnh liên quan đến sai phạm của Sài Gòn – Đại Ninh trong một thập kỷ qua chưa được xử lý dứt điểm (?). 

Theo Luật sư Lương Thành Đạt - Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis: "Trong quá trình chủ đầu tư triển khai dự án, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương thường tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời xử lý theo quy định. Đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan Nhà nước sẽ thu hồi hoặc gia hạn với một số điều kiện kèm theo. 

Còn với những sai phạm nghiêm trọng như chậm dự án kéo dài cả thập kỷ, hay dự án gây phá rừng, không nộp tiền thuê đất thì không thể nào chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hay biết.

Thực tế là, nguyên nhân dẫn tới một loạt các sai phạm của các dự án là sự buông lỏng quản lý từ cơ quan Nhà nước, không tránh khỏi khả năng có dấu hiệu bao che, tiếp tay của các cán bộ và lãnh đạo địa phương. Chính quyền địa phương không tiến hành xử phạt vi phạm và không kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ đã đủ điều kiện chấm dứt hoạt động,…
Ngược lại, sau khi thực hiện thanh kiểm tra phát hiện sai phạm, nếu doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì cần phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Từ đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm,…"

Nhức nhối nạn phá rừng - 2020 là năm đau xót với tỉnh Lâm Đồng

Mới đây, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trả lời VOV rằng, điểm nóng xảy ra phá rừng trong tỉnh tập trung tại địa bàn các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đam Rông và Lạc Dương, trong đó phần lớn diện tích rừng bị phá đã được giao cho các doanh nghiệp triển khai dự án.

Để chấn chỉnh tình trạng phá rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng, ngoài tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi các dự án để xảy ra mất rừng.

“Năm 2020 là năm đầy đau xót, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhiều vụ rất phức tạp, số vụ nổi cộm rất nhiều, thậm chí lấy gỗ về làm ngay tại nhà mình, cùng với đó là số vụ không phát hiện được đối tượng vi phạm tăng lên. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tất cả các dự án liên quan đến rừng, những doanh nghiệp nào để mất rừng thì tỉnh Lâm Đồng kiên quyết thu hồi”, ông Phạm S nói.

“Giải pháp trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong công tác tuần tra, quản lý, đặc biệt là phân công trách nhiệm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng”, ông Phạm S cho biết thêm.   

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top