Vẽ mười...
Theo nhiều cư dân, dự án trên được chủ đầu tư rao bán từ đầu năm 2014. Trước những lời giới thiệu có cánh về tiện ích được hưởng, hàng trăm người đã đến trực tiếp Công ty Hương Sen để mua đất. Đường giao thông thuận lợi là một trong những tiện ích được người dân quan tâm nhất.
Vì là lô đất có vị trí đẹp nằm trên mặt tiền đường số 1 nối thẳng đường Lê Trọng Tấn và nằm đối diện chợ, rất có tiềm năng để phát triển kinh tế, thuận tiện cho việc buôn bán, kinh doanh, nhiều khách hàng đã không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn hơn những vị trí khác để sở hữu lô đất này.
“Khi đưa tôi đi xem đất, bà Hoàn (Giám đốc Công ty Hương Sen) có đưa cho tôi một bản đồ quy hoạch dự án tỉ lệ 1/500 có đóng dấu mộc đỏ của Công ty Hương Sen. Bản đồ bao gồm chợ thực phẩm nằm giữa và hai bên là hai con đường số 1 và số 2 nối thẳng ra đường Lê Trọng Tấn.
Nhận thấy khu này rất có tiềm năng, thuận tiện cho việc buôn bán sau này nên tôi đã dốc hết số tiền vốn liếng và vay mượn thêm anh em họ hàng để đầu tư xây nhà với sơ đồ bản vẽ quy định là 1 trệt 3 lầu”, chị N, cư dân tại đây, nhớ lại.
Nhưng đến khi nhận nhà thì những tiện ích dần dần biến mất. Đầu tiên là chợ thực phẩm, sau khi đưa vào hoạt động được vài tháng thì đột nhiên đóng cửa. Giải thích về việc này, chủ đầu tư thông báo, chợ An Bình đóng cửa là vì tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trước chung cư An Bình và Khu công nghiệp Bình Đường 2 diễn ra phức tạp khiến các tiểu thương ở chợ thực phẩm An Bình kinh doanh không hiệu quả. Công ty Hương Sen sẽ cho thi công xây dựng công trình thương mại theo quy hoạch 1/500 vào thời điểm thích hợp.
Tiếp ngay sau việc đóng cửa chợ, con đường giao thông chính của dự án cũng... “bốc hơi”. Theo người dân, con đường số 1 là trục đường chính đi vào khu dân cư. Ngày 5/7, con đường này bỗng nhiên được một nhóm người đến rào lại, tiến hành đo đạc, và cuối cùng là dùng xe cơ giới đào múc, rồi dùng hàng rào bít lại. Điều đáng nói là con đường đã được người dân sử dụng từ năm 2014.
...không được một
Trước khi sự việc xảy ra, cư dân không nhận được bất cứ thông báo nào từ phía Công ty Hương Sen.
“Những việc nhỏ như phí rác... thì thông báo rất nhanh và sớm, còn việc ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chúng tôi thì không thông báo gì, tự ý làm. Việc này cho thấy, công ty không hề có sự tôn trọng đối với cư dân nơi đây”, anh Q, bức xúc.
Anh T, một cư dân khác cho biết: “Lúc tôi mua dự án thì chủ đầu tư đã cam kết là có chợ, có đường…Nhưng rồi chợ cũng mất mà giờ đường cũng bị rào chặn lại. Thay vì được đi lại trên đường số 1 thì hiện nay, cư dân chúng tôi phải đi lại bằng một lối đi phụ trên đường số 2.
Căn nhà của tôi mặt tiền, nay bỗng dưng biến thành căn nhà cuối hẻm cụt. Nếu như biết dự án không được đi đường số 1 mà đi vào bằng con đường ngoằn nghèo khác thì chúng tôi đã không trả 18 triệu đồng/m2 để mua đất xây nhà tại đây”.
Không còn đường đi, hàng trăm cư dân đã đồng loạt gửi đơn khiếu nại lên Công ty Hương Sen để đòi lại công bằng. Để giải thích chuyện mất con đường, phía Công ty Hương Sen cho rằng, phần đất làm đường bị mất là do đây là phần đất tranh chấp lâu nay giữa Hương Sen và Công ty Việt Mỹ.
“Sau một tuần, tôi mới nhận được thư mời lên trao đổi ý kiến và đến ngày 28/7 mới nhận được thư phúc đáp nhưng nội dung cũng không thỏa đáng, không rõ ràng mà cứ loanh quanh chối tội và còn đổ lỗi cho Công ty Việt Mỹ, trong khi tôi không hề biết Công ty Việt Mỹ ở đâu.
Vì mua bán với Công ty Hương Sen nên tôi chỉ biết công ty này. Khi tôi hỏi về việc bồi thường thiệt hại về căn nhà bị đường cụt thì bà Hoàn trả lời bằng văn bản là không có cơ sở đền bù”, chị N, bức xúc./.