Sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc, khiến nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí "trùm mền". Còn công tác giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua đều chưa đạt mục tiêu, kế hoạch Chính phủ đề ra. Nay với nhiều điểm mới, cởi bỏ được những nút thắt cơ bản, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo đó mang lại nhiều hứa hẹn cho các dự án đầu tư công còn đang dang dở, cũng như thúc đẩy nhiều hơn các dự án trong tương lai.
Phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"
Trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, ở lần sửa đổi này, Luật Đầu tư công đã thể hiện tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.
Phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm triệt để cho địa phương theo tinh thần trên, đó là điểm đột phá rất quan trọng.
Cụ thể, Dự thảo luật quy định phân cấp, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Thường vụ Quốc hội; phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.
Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 - 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. (Dự thảo đề xuất nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, quy mô dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C lên gấp 2 lần).
UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách chuyển từ Thủ tướng cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho chủ tịch UBND các cấp. Thủ tướng sẽ quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương.
Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) thống nhất với các đề xuất của Chính phủ. Nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn và đề nghị có biện pháp kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền trong việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Cho ý kiến đối với dự án Luật tại phiên thảo luận Tổ 12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, song song với việc tạo ra hiệu quả đầu tư công, cần lưu ý không để lại hệ lụy, đặc biệt là hệ lụy về công tác cán bộ. Do vậy, khi phân cấp, phân quyền, tính cam kết trách nhiệm của các chủ thể phải gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.
Trong đó, lại phải đặt vấn đề, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng là tiền kiểm hay hậu kiểm? "Chúng ta cần nghiên cứu đối với những dự án nào, quy mô nào, mức độ nào có cơ chế là tiền kiểm; còn những loại dự án nào thực hiện cơ chế hậu kiểm", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đặt vấn đề.
Cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công
Có tới 5 nhóm chính sách sửa đổi chính, quan trọng trong Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội. Trong đó, quy định tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập được xem là điểm đột phá quan trọng.
Cụ thể, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).
Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên triển khai dự án áp dụng Nghị quyết số 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công.
Lợi ích của việc áp dụng thí điểm chính sách này tại Khánh Hòa đã rõ, khi tiến độ dự án được rút ngắn 6-8 tháng. Khi giải phóng mặt bằng được đi trước một bước, chủ đầu tư đã giảm bớt áp lực đội chi phí, giảm lo ngại dự án phải điều chỉnh, rồi lại tiếp tục chậm giải phóng mặt bằng như thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) kỳ vọng, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ giải quyết thúc đẩy giải ngân đầu tư công, vốn đang chậm hiện nay, chủ yếu do chậm trễ giải phóng mặt bằng.
Theo đại biểu, ở các nước, việc giải phóng mặt bằng, bản vẽ thi công… đều được đưa vào khâu chuẩn bị đầu tư. Khi dự án xong khâu chuẩn bị, thì bố trí vốn là có thể triển khai ngay. Còn ở nước ta, theo quy định của Luật Đầu tư công và các luật liên quan, khâu chuẩn bị đầu tư mới chỉ dừng ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Sau khi có quyết định đầu tư, được bố trí vốn mới bắt đầu đi khảo sát, thiết kế…, mà thực chất vẫn ở bước chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, việc tách giải phóng mặt bằng sẽ giải quyết được điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công hiện nay.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chặt chẽ tại các điều khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí. Đặc biệt, tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án tổng thể.
Bên cạnh đó, những quy định đơn giản hóa thủ tục đầu tư, chuẩn bị dự án cũng là điểm đột phá quan trọng, để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình thủ tục triển khai dự án. Đơn cử, Dự thảo quy định dự án đi qua nhiều tỉnh thì giao một tỉnh làm đầu mối thực hiện, dự án đi qua nhiều huyện thì giao một huyện làm đầu mối triển khai; Đồng thời, đề xuất quy định hạn mức 20% đối với các dự án vắt qua hai kỳ trung hạn không áp dụng đối với dự án trọng điểm quốc gia.
Những đột phá nêu trên, cùng với những thay đổi quan trọng khác, là tín hiệu đáng mừng khi đặt trong bối cảnh áp lực giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng cuối năm 2024, và năm 2025.
9 tháng năm 2024, giải ngân đầu tư công chưa đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nghĩa là, trong tổng nguồn lực đầu tư 670.000 tỷ đồng năm 2024, vẫn còn khoảng 350.000 tỷ đồng cần đổ vào các dự án. Mục tiêu 95% cả năm mà Chính phủ đặt ra xem ra cần có sự nỗ lực rất lớn của các bộ ngành, địa phương.
Còn năm 2025 - năm cuối của Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2021-2025 - mặc dù Quốc hội chưa phê duyệt Kế hoạch Đầu tư công do Chính phủ trình. Nhưng dự kiến, năm 2025, tổng nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước dự kiến cao hơn tới 120.000 tỷ đồng so với năm 2024. Áp lực giải ngân do đó còn nặng nề hơn. Nhưng với những điểm đột phá, cởi mở ở Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này, tình trạng "vốn chờ dự án" được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể, nguồn vốn đầu tư công hứa hẹn được khơi thông.