Aa

Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên có thể hoàn thành sau năm 2021

Thứ Sáu, 19/03/2021 - 12:00

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đang tăng cường điều phối các nhà thầu để kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công và kiểm soát tiến độ dự án, linh hoạt để đẩy nhanh tối đa tiến độ thực hiện.

Tiến độ thực tế của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhiều khả năng sẽ hoàn thành sau năm 2021. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đang tăng cường điều phối các nhà thầu để kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công và kiểm soát tiến độ dự án, linh hoạt để đẩy nhanh tối đa tiến độ thực hiện.

Nội dung trên được nêu trong báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị về đánh giá tác động COVID-19 ảnh hưởng các dự án tuyến đường sắt đô thị.

Thi công hạng mục cấp điện cho toàn tuyến metro số 1.
Thi công hạng mục cấp điện cho toàn tuyến metro số 1. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, Tư vấn chung NJPT của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã nhiều lần thông báo với chủ đầu tư về những ảnh hưởng tác động đến tiến độ tổng thể và dự án có thể hoàn thành sau năm 2021.

Dự kiến thời gian chậm trễ của các gói thầu xây lắp từ 4 - 6 tháng và gói thầu thiết bị từ 6 - 8 tháng.

Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, dự án metro số 1 đạt khối lượng tổng thể là 82% (không đạt so với mục tiêu 85%); trong đó, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) vượt kế hoạch 1,5% kế hoạch; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) vượt 0,8% kế hoạch; gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) bị chậm 15% tiến độ đề ra.

Hiện nay, công việc của các nhà thầu xây lắp có khối lượng sản phẩm, hạng mục công việc được thực hiện ở nước ngoài tương đối thấp; trong đó, công việc liên quan đến gói thầu CP3 chủ yếu tập trung ở nước ngoài như mua sắm, sản xuất kiểm tra; vận chuyển, điều động chuyên gia nước ngoài để thử nghiệm và vận hành thử.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, việc không thể nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các gói thầu, bởi việc thiết kế, thi công các hạng mục phức tạp, đặc thù cần phải được các chuyên gia nước ngoài của các tổng thầu thực hiện.

Đơn cử, 2 chuyên gia Nhật Bản phụ trách việc nâng hạ và bốc dỡ đoàn tàu đầu tiên không thể nhập cảnh từ tháng 6 - 10/2020, khiến việc vận chuyển đoàn tàu đầu tiên nhập về Việt Nam (tháng 10 tới) chậm khoảng 6 tháng so với kế hoạch.

Nhằm khắc phục phần nào ảnh hưởng của gói thầu CP3, cuối tháng 11/2020, Ban Quản lý đường sắt đô thị và Hitachi (gói thầu CP3) đã ký Biên bản ghi nhớ về cách tiến hành thử nghiệm, nghiệm thu tại nhà máy trong tình hình dịch bệnh cho các thử nghiệm yêu cầu có sự chứng kiến của Ban Quản lý, Tư vấn chung và Hitachi thuộc hệ thống thiết bị depot và nhà xưởng.

Thời gian tới, Ban Quản lý đường sắt đô thị kiến nghị Ủy ban Nhân dân TP.HCM tiếp tục duy trì cơ chế họp giao ban kiểm tra tiến độ và kiểm tra công trình định kỳ (ít nhất 2 tuần/lần). Ban Quản lý với vai trò chủ đầu tư sẽ làm việc và phối hợp với các nhà thầu, tư vấn thuê bên thứ ba độc lập tham gia các cuộc thử nghiệm, kiểm tra nhà máy, sử dụng nhân sự của bên thứ ba này tại các nước sở tại để hạn chế tối đa việc di chuyển trong mùa dịch.

Yêu cầu nhà thầu xem xét các phương án sử dụng nguồn vật tư, thiết bị, nhân sự tại chỗ trong nước hoặc sử dụng các nhà thầu phụ trong nước đạt các tiêu chí kỹ thuật của dự án và của các hợp đồng để có thể tạm thay thế phần nào việc phụ thuộc vật tư, thiết bị từ nước ngoài (nhất là các nước châu Âu); yêu cầu nhà thầu xem xét phương án thử nhiệm, sử dụng, nhập khẩu thiết bị cung cấp từ các chi nhánh ở các nước mà tình hình dịch bệnh được phần nào kiểm soát và các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng, để cung cấp cho dự án./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top