Aa

Dự án nhà trên giấy thế chấp ngân hàng: Khó kiểm soát

Thứ Sáu, 15/06/2018 - 03:02

Thời gian qua, Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội liên tục có thông báo về dự án nhà ở hình thành trong tương lai (nhà trên giấy) đã được thế chấp tại ngân hàng trên web của Sở nhằm thông tin đến người dân quan tâm.

Tuy nhiên, đây chưa phải con số đủ, vì những dự án đã thế chấp ngân hàng nhưng không gửi hồ sơ về Văn phòng, thì Sở không thể kiểm soát.

Liên tiếp chỉ nhận thông báo

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai, thời gian qua, văn phòng thường xuyên nhận được thông báo thế chấp, đề nghị cập nhật cơ sở dữ liệu (nhưng không có hồ sơ kèm theo) của các trường hợp mà ngân hàng và tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội.

Trong thông báo chỉ ghi nhận việc thế chấp tài sản là nhà trên giấy của các ngân hàng và đề nghị không tiếp nhận yêu cầu đăng ký thế chấp của các đơn vị, ngân hàng, tổ chức cá nhân khác hoặc không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các căn hộ mà chưa có sự chấp thuận từ phía ngân hàng.

Khách hàng tham khảo thông tin một dự án nhà ở trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng

Khách hàng tham khảo thông tin một dự án nhà ở trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng

“Nhiều dự án nhà ở trên giấy, chúng tôi chỉ nhận được văn bản thông báo và đề nghị từ phía ngân hàng, nhưng lại không nhận được hồ sơ thế chấp kèm theo, khiến chúng tôi không rõ dự án đó được thế chấp cụ thể thế nào. Nghĩa là chúng tôi không nắm được dữ liệu dự án được thế chấp. Do không nắm rõ nên chúng tôi không kiểm soát được những dự án đã thế chấp này” - vị này cho biết.

Cũng do bất cập đó, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã có công văn số 3197/STNMT-VPĐKĐĐ gửi Ngân hàng Nhà nước ý kiến xung quanh vấn đề này. Công văn nêu rõ, đối với các trường hợp các bên thực hiện giao dịch không nộp hồ sơ đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Văn phòng không có cơ sở để cập nhật dữ liệu. Vì vậy, nội dung thông báo thế chấp, yêu cầu ngăn chặn không cấp Giấy chứng nhận và thực hiện các giao dịch khác của Ngân hàng là không thực hiện được.

Khó ngăn chặn rủi ro

Trong công văn trên, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đề nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư dự án hoặc của tổ chức, cá nhân mua nhà ở thuộc dự án nộp hồ sơ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT- BTP- BTNMT và Nghị định số 102/2017/NĐ-CP. Khi đó, hồ sơ đủ điều kiện, Văn phòng mới đăng ký thế chấp và cập nhận dữ liệu.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Trung Kiên (Công ty Luật Kiên và cộng sự) cho biết, việc các dự án nhà ở mang thế chấp ngân hàng là hết sức bình thường. Tuy nhiên, trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu bán, theo Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định, phải giải chấp dự án nhà ở này (hoặc là giải chấp căn hộ cần giao dịch) trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro, theo luật sư Kiên, bản thân các chủ thể khi thực hiện giao dịch này gồm chủ đầu tư - ngân hàng - khách mua đều phải tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục thực hiện.

Giao dịch bán tài sản đang thế chấp phải có sự tham gia của phía ngân hàng và ngân hàng sẽ trực tiếp nhận tiền từ người mua. Điểm tích cực của quy định này là giúp chủ đầu tư kêu gọi thêm nguồn vốn để phục vụ việc xây dựng công trình. Song, mặt trái của nó lại chính là việc chủ đầu tư không công bố tình trạng thế chấp của dự án cho khách mua khi kêu gọi vốn, dẫn đến tình trạng dự án đã thế chấp nhưng vẫn bán.

Người mua dù ở đến gần chục năm vẫn không làm được Giấy chứng nhận, thậm chí còn bị ngân hàng mời ra khỏi tòa nhà để kê biên phát mại. “Vì thế, nếu ngân hàng không nộp hồ sơ dự án đã được thế chấp cho Văn phòng Đăng ký đất đai, mà chỉ thông báo tình trạng dự án nhà ở trên giấy đó đã được thế chấp thì rõ ràng, việc ngăn chặn dự án mang ra giao dịch hoặc thế chấp tiếp ở đơn vị tín dụng khác là khó thực hiện, không chỉ với Văn phòng Đăng ký đất đai mà ngay cả đối với cơ quan chức năng liên quan khác” – Luật sự Kiên nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top