Làm nghĩa trang hay khai thác khoáng sản?
Có một sự trùng hợp khó hiểu rằng, vị trí đất rừng phòng hộ được nhắm đến cho “siêu nghĩa trang” là khu vực núi Ngang thuộc xã Bồ Lý, đây cũng là khu vực có trữ lượng khoáng sản hết sức dồi dào.
Cụ thể, theo đánh giá trữ lượng khoáng sản, trên địa bàn tỉnh hiện có mỏ felspat thôn Nghĩa Lý, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo: Số hiệu: F09; Diện tích 115 ha, chiều dày trung bình 5m; trữ lượng tài nguyên dự báo: 8.356.141 tấn.
Mỏ Felspat núi Ngang, huyện Tam Đảo; số hiệu: F10; Vị trí, đặc điểm phân bố: thuộc thôn Sơn Thanh, xã Đại Đình và thôn ngọc Thụ, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo; Diện tích 120ha, chiều dày trung bình 4m.
Trữ lượng (Tài nguyên dự báo): 6.915.427 tấn; Chất lượng và giá trị sử dụng: Kết quả mẫu hoá K2O: 4,01%, Na2O: 3,28%,T.Fe: 3,15%; Felspat đảm bảo yêu cầu sản xuất đồ gốm sứ, nguyên liệu xương và men cho sản xuất gạch ceramit, granit nhân tạo.
Với tài nguyên khoáng sản dồi dào cũng đặt ra thách thức đối với các cấp chính quyền sở tại trong việc quản lý tài nguyên trên địa bàn tỉnh tại các mỏ đã được đánh giá trữ lượng.
Thực tế, theo phản ánh của nhiều hộ dân thôn Tây Sơn, xã Bồ Lý (Tam Đảo), từ 6 - 7 năm trở lại đây, tại khu vực đồi rừng Đoài nằm trên địa bàn thôn, do phát hiện có tiềm năng đất cao lanh nên một số đối tượng đã tiến hành hoạt động đào bới, khai thác và vận chuyển nhằm thu lợi.
Trong những ngày gần đây, với sự tăng giá vật liệu xây dựng, các tổ chức trên càng đẩy mạnh tần suất khai thác.
Theo ông N.V.N, người dân thôn Tây Sơn, hoạt động khai thác đất ở đây đã diễn ra từ lâu.
Khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương thì các đối tượng ngừng khai thác, nhưng sau đó, chúng lại ngang nhiên tiếp diễn hành động này.
Từ một khu đồi xanh tốt, hiện nay, đồi rừng Đoài đang bị khoét sâu và ngày càng thu hẹp diện tích.
Được biết, cứ khoảng 22h30’ đêm, các đối tượng khai thác liên tục vận chuyển đất ra khỏi địa phương, gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Đồng thời, xe chở đất cũng làm sụt lún đường, tạo ra hàm lượng bụi cao trong không khí.
Nguồn nước của bà con trong thôn đều bị vẩn đục do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác này.
Vào mùa mưa bão, quá trình khoét đồi đã tạo ra nhiều ao hồ sâu, gây nguy hiểm và làm tăng nguy cơ sạt lở đất.
Cần phải nói thêm rằng, trước đó, ngày 4/3/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc khi đó đã chủ trì cùng lãnh đạo các sở, ngành và UBND huyện Tam Đảo… chọn một địa điểm khác làm nghĩa trang.
Trong đó dãy núi Ngang được xác định như một “lá chắn cảnh quan” ngăn cách giữa địa điểm xây nghĩa trang với Khu du lịch danh thắng Tây Thiên.
Thế nhưng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ này lại ủng hộ xây dựng nghĩa trang và lò hỏa táng tại chính “lá chắn cảnh quan” núi Ngang, nơi có hơn 150ha rừng phòng hộ.
Từ thực tế trên, dư luận đặt ra nghi vấn, có hay không việc tỉnh Vĩnh Phúc thông qua việc quy hoạch khu công viên nghĩa trang nhằm mục đích chính là khai thác khoáng sản hay phục vụ cho mục đích tâm linh?
Tại sao không chọn địa điểm khác để thực hiện dự án mà cứ nhất thiết phải vị trí đã được đơn vị chủ đầu tư xác lập trước đó?
Trước băn khoăn trên, chiều 23/1, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Minh Hồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Tỉnh đang làm đúng quy trình thủ tục đầu tư", đồng thời từ chối lịch làm việc với phóng viên với lý do "lãnh đạo bận đi tặng quà, chúc tết các đối tượng chính sách...".
Ông Hồng đề nghị báo chí và người dân ủng hộ chủ trương của tỉnh về dự án "siêu nghĩa trang".
"Bây giờ Trung ương quyết cho Vĩnh Phúc quy hoạch nghĩa trang thì phải làm. Hiện tại tỉnh chưa có báo cáo dự án này tới Trung ương vì chưa đến cái bước đó. Đề nghị các anh và nhân dân ủng hộ chủ trương của tỉnh.
Đây là việc lớn, nên trước khi làm thì phải báo cáo xin chủ trương của cấp trên, đồng ý cho đơn vị chủ đầu tư vào nghiên cứu. Nếu đề xuất phù hợp chấp thuận, còn không phù hợp thì không được chấp thuận", ông Hồng cho biết, nhưng không giải đáp những băn khoăn nên trên của phóng viên.
"Có lẽ chỉ có những trận đánh ở chiến trường, có tính chất sống còn, người ta mới đưa ra quyết định nhanh đến thế!"
Bình luận về dự án "siêu nghĩa trang", PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, việc lo chỗ chôn cất cho người chết là việc làm nhân văn.
Tuy nhiên, cần xác định vị trí xây dựng nghĩa trang cho phù hợp nhằm tránh những hệ lụy có thể xảy, ảnh hưởng tới môi trường, và các yếu tố kinh tế, xã hội khác.
“Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, đất nước chúng ta đã chịu rất nhiều thiên tai do biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm gây hậu quả nặng nề kinh tế, xã hội.
Một trong những nguyên nhân gây ra những hệ lụy nêu trên là nạn phá rừng, khai thác rừng bừa bãi.
Thậm chí Thủ tướng đã lệnh đóng cửa rừng tự nhiên ở một số địa phương, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng để đảm đảm bảo môi trường, môi sinh tránh tái diễn những bài học đau đớn do thiên tai gây ra.
Do đó, việc bố trí vị trí xây dựng nghĩa trang (đặc biệt là với một dự án lớn, ảnh hưởng tới cả trăm hecta diện tích rừng phòng hộ như ở Vĩnh Phúc) cho phù hợp để không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng tới đời sống của người dân, là những vấn đề rất hệ trọng cần được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng”, PGS.TS Bùi Thị An phân tích.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ sau 02 ngày nhận được tờ trình dự án, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thống nhất, đồng ý với dự án là một việc làm vội vàng và chóng vánh.
Thời gian trên liệu đã đủ để cơ quan có thẩm quyền bàn bạc, nghiên cứu tính khả thi, tính khoa học của dự án?
Đề cập tới vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An tỏ vẻ ngạc nhiên: “Nếu đúng như thông tin báo chí phản ánh thì tôi thật sự hết sức ngạc nhiên.
Tại sao một dự án lớn và có mức độ ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh như vậy lại được thông qua nhanh đến vậy, đặc biệt là những dự án có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, đời sống dân sinh?
Trong khi nhiều diện tích rừng bị phá chưa được khôi phục lại, thì tại sao chúng ta phải chọn rừng mà đặc biệt là rừng phòng hộ để thực hiện dự án mà không phải chỗ khác?.
Có lẽ chỉ có những trận đánh ở chiến trường, có tính chất sống còn, người ta mới đưa ra quyết định nhanh đến thế!", PGS.TS Bùi Thị An ví von.
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An: "Một dự án được thực hiện trên đất có rừng nếu muốn thực hiện cần phải có đề án đánh giá lại các tác động về môi trường, xã hội, kinh tế.
Từ đó phân tích mặt lợi, hại, và những tác động xấu có thể xảy ra từ dự án. Nếu dự án có lợi cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp, mà không ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh mới nên thực hiện.
Còn nếu không, đến lúc chúng ta có muốn hoàn trả lại hiện trạng như ban đầu thì rất khó vì khi đó, hệ lụy đã xảy ra rồi.
Do đó, nếu phải đổi rừng, đất rừng thì công bố công khai. Việc công khai này để hậu thế chúng ta không phải ân hận. Các đồng chí ký quyết định dự án cũng không phải áy náy gì cả".
Từ những phân tích trên, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị: “Cơ quan có thẩm quyền phải làm rõ, công khai minh bạch về thẩm quyền trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng?
Khi nào thì được chuyển đổi, trong trường hợp nào được chuyển đổi...? nhằm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu xảy ra những hệ lụy có thể phát sinh sau dự án.
"Có lẽ, với “siêu dự án” này, các đồng chí cũng nên tranh thủ ý kiến cộng đồng, đặc biệt là các nhà khoa học, các chuyên gia về rừng, các chuyên gia về môi trường, quy hoạch để có cái nhìn tổng thể, khái quát hơn…
Vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện quy hoạch, triển khai dự án là công khai minh bạch cho người dân, các cơ quan thông tấn báo chí được biết, để giám sát".
"Do đó, trước khi thông qua về mặt chủ trương của dự án, đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thẩm tra lại một cách kỹ càng dự án và các yếu tố có thể phát sinh đi kèm", PGS.TS Bùi Thị An cho biết.