Aa

Dự án "treo" giữa lòng Hà Nội: Hơn 2 thập kỉ chờ chính quyền

Thứ Tư, 10/10/2018 - 03:27

Hơn 20 năm nay, 300 hộ dân sống giữa khu đất được coi là “kim cương” của Thủ đô: Kim Liên-La Thành (nối tiếp với con đường đắt nhất hành tinh - Xã Đàn) đang phải sống tạm trên chính mảnh đất của mình.

 

Ông Nguyễn Thiện Hải và đại gia đình sống trong căn nhà chật chội lợp mái tôn

Ông Nguyễn Thiện Hải và đại gia đình sống trong căn nhà chật chội lợp mái tôn

Con trai không dám lấy vợ

Theo bà Đoàn Thị Ngọc, địa chỉ số 66 Xã Đàn, từ lúc Thành phố có quyết định quy hoạch dự án các con cô mới được mấy tuổi, giờ đã gần 30 tuổi nhưng vẫn phải ngủ chung phòng với bố mẹ vì nhà không có chỗ kê nổi cái giường. Cùng với đó, cô con gái út chuẩn bị kết hôn nhưng do gia đình chồng quê xa nên vợ chồng con gái cũng đành phải thuê nhà để ở mặc dù đất rộng.

“Chúng tôi từng nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng để mong được giải quyết dứt điểm hoặc các hộ dân được phép xây nhà… nhưng câu trả lời vẫn là không được phép vì trong diện quy hoạch. Chúng tôi chờ đợi quy hoạch như vậy đã hơn 20 năm rồi”, bà Ngọc nói.

Được biết, nhà bà Ngọc có diện tích đất rộng 85m với gần 10m mặt đường, nhưng không chỉ chỗ ở chật, xuống cấp mà công việc buôn bán cũng chẳng “ăn thua” nên đời sống vô cùng khó khăn.

"Gọi là nhà nhưng không thể kê vừa chiếc giường tử tế" - bà Đoàn Thị Ngọc nói

Gần kề nhà bà Ngọc là bà Hà Thị Kim Lan, 60 tuổi. Bà Lan cho biết, nhà bà có diện tích 60m2 nhưng từ năm 1997 đến nay gia đình bà cùng các hộ lân cận đều không được cấp phép xây dựng hoặc mua, bán, sang tên đổi chủ.

“Gia đình nhà tôi ở đây là tứ đại đồng đường luôn rồi, mẹ tôi là bà Vũ Thị Xuân, năm nay gần 90 tuổi, tôi năm nay 60 tuổi, cùng các con, cháu nữa. Như vậy là 4 đời cùng đang sinh sống trong ngôi nhà cũ, xuống cấp mấy chục năm nay. Giờ bản thân tôi đã có tuổi mà nhà cửa cũ nát, đồ dùng tiện nghi đều thiếu thốn do không thể lắp đặt thêm. Giữa Thủ đô nhưng chất lượng cuộc sống thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã hội hiện nay” - bà Lan nói.

Mặc dù những hộ dân đang sinh sống ở trung tâm thành phố với những m2 đất được sánh ngang với kim cương, nhưng lại đang có cuộc sống hết sức khó khăn.

“Các gia đình đều mong muốn phường, quận, thành phố cho phép chúng tôi được xây dựng để có thể giải quyết những vướng mắc trên và đảm bảo cuộc sống mưu sinh như những gia đình khác”, bà Ngọc tha thiết đề nghị.

Đường đã xong - dân vẫn “sống treo”

Theo chia sẻ của các hộ dân tại Làng cổ Kim Liên, được biết cảnh “sống treo” cùng dự án đã kéo dài từ năm 1997, đến thời điểm này đã là gần 22 năm.

Ông Nguyễn Thiện Hải, 64 tuổi (số nhà 140 Xã Đàn, phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết, gia đình ông sinh sống ở đây gần 30 năm. Nay nhân khẩu đã là 7 người, các con đều lập gia đình và cùng ở chung dưới ngôi nhà lợp mái tôn. Vì vướng dự án treo nên gia đình ông không được cấp sổ đỏ, gia đình có nhu cầu vay ngân hàng cũng không có gì để thế chấp.

Rất nhiều đơn

Rất nhiều đơn "cầu cứu" đã được người dân gửi đi

"Từ ngày 26/12/1997, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng Kim Liên – La Thành (quận Đống Đa) phục vụ cho dự án giải tỏa đường Xã Đàn với diện tích thu hồi 7.581m2. Nay đường Xã Đàn đã làm xong, cư dân cũng đã nhiều lần nhận thông báo với nội dung giải phóng mặt bằng chung chung từ thành phố, song tất cả đều chưa được xử lý dứt điểm. Dự án “treo” này đã thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân ở đây” - ông Hải nói.

Ngay bên cạnh nhà ông Hải là nhà của bà Trần Thị Dung, căn nhà đã bị bỏ hoang nhiều năm, xuống cấp nghiêm trọng có thể đổ sập bất cứ khi nào. Mái nhà được lợp tôn tạm bợ, tường rêu phủ đầy, vết nứt chằng chịt. Mặc dù nhà xuống cấp như vậy nhưng không được sửa chữa nên để đảm bảo an toàn, gia đình bà Dung phải chuyển đi thuê nhà ở nơi khác để sinh sống.

Ông Nguyễn Thiện Hải chia sẻ: "Nhiều hộ thuộc diện di dời đã có chỗ ở ổn định hàng chục năm nay tại khu Trung Hòa – Nhân Chính, trong khi chúng tôi với hàng trăm lá đơn, thư cầu cứu được gửi đi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng".

Ngôi nhà của bà Trần Thị Dung đã bị bỏ hoang nhiều năm do xuống cấp nghiêm trọng

Ngôi nhà của bà Trần Thị Dung đã bị bỏ hoang nhiều năm do xuống cấp nghiêm trọng

Bà Lê Thị Thu, sống tại địa chỉ 88 Xã Đàn cũng bức xúc không kém: “Chính quyền yêu cầu đóng thuế mặt đường, chúng tôi cũng chấp hành đầy đủ nhưng từ nhiều năm nay vẫn không được cấp sổ đỏ không có quyền lợi như các hộ mặt đường khác”.

“Mảnh đất này là do ông cha chúng tôi để lại, đã có từ rất lâu đời, hoàn toàn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chúng tôi. Giờ đây, mong muốn duy nhất của người dân chúng tôi là phường, quận, thành phố sớm giải quyết dứt điểm sự việc trên, cấp sổ đỏ cho các hộ dân để cuộc sống sinh hoạt, công việc kinh doanh của chúng tôi bớt cực khổ" - ông Hải nói thêm.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân – Giải phóng mặt bằng Kim Liên – La Thành thuộc về làng cổ Kim Liên. Từ năm 2015 – 2017, nhiều lần UBND phường Phương Liên, UBND quận Đống Đa (có Văn bản số 981), Sở Xây dựng Hà Nội có Văn bản số 7068 ngày 17/8/2016 gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị dừng triển khai dự án.

Tuy nhiên, ngày 18/10/2017, thành phố Hà Nội có thông báo tiến hành gia hạn việc triển khai dự án, tức là hơn 300 hộ dân ở đây tiếp tục sống trong cảnh chờ đợi dự án như suốt hơn 20 năm qua.

*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top