Aa

Kỳ 2: Thiên Đường Cổ Cò đang làm hay đã bỏ?

Thứ Ba, 24/05/2022 - 06:09

Dự án Khu vui chơi văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Thiên Đường Cổ Cò tại Thị xã Điện Bàn do Công ty CP Thiên Đường Cổ Cò làm chủ đầu tư nhiều lần điều chỉnh quy mô, diện tích, thi công cầm chừng.

LTS: Quảng Nam là tỉnh phát triển khá trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,04%, xếp vị thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/5 tỉnh, thành phố trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay, địa phương này đang là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Nhiều năm trở lại, thị trường bất động sản Quảng Nam phát triển nhanh, là cầu nối góp phần thúc đẩy phát triển cho nhiều thị trường khác. Bất động sản công nghiệp, du lịch, đô thị, khu dân cư,… trực tiếp tạo ra những bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương này.

Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên thì công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép, giao đất và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc… là điểm cộng để ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến với Quảng Nam.

Song song với thu hút đầu tư thì công tác quản lý việc thực hiện các dự án trên địa bàn luôn được chính quyền tỉnh Quảng Nam chú trọng. Nhiều chính sách, cơ chế được ban hành nhằm đưa thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững, tiến tới loại bỏ các chủ đầu tư chuyên “xí phần” dự án, chủ đầu tư yếu năng lực…  

Reatimes xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về các dự án bị thanh tra và các “dự án treo” nhiều năm qua tại Quảng Nam.

Dự án Khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò (trước đây là dự án Khu vui chơi văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Thiên Đường Cổ Cò) tại Thị xã Điện Bàn do Công ty Cổ phần Thiên Đường Cổ Cò làm chủ đầu tư là một trong 26 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ mà UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thanh tra (theo Công văn số 5706/UBND-KTN ngày 27/8/2021).

Được triển khai từ năm 2014, đến nay dự án đã trải qua 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô giảm dần. 

Dự án đầu tư Khu vui chơi văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Thiên Đường Cổ Cò tại Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Thiên Đường Cổ Cò ngày càng thu nhỏ

Năm 2015, dự án này được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư và có Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 10/3/2016 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Theo đó, tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 32,9ha, trong đó diện tích đất dự án khoảng 24,8ha, diện tích đất cây xanh chuyên dụng khoảng 7,3ha (gồm cây xanh dọc ĐT603A và cây xanh ven biển) và diện tích trục giao thông ĐT603A qua dự án khoảng 0,8ha.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Thiên đường Cổ Cò chấp hành đúng tiến độ dự án

Đến năm 2019, Công ty Cổ phần Thiên Đường Cổ Cò đề nghị được điều chỉnh quy hoạch dự án. Tại Quyết định số 3544/QĐ-UBND ngày 7/11/2019, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu vui chơi văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Thiên Đường Cổ Cò tại khối Quảng Gia, P. Điện Dương, TX. Điện Bàn.

Theo đó, dự án có tổng diện tích đất hơn 29,4ha với tổng vốn đầu tư 2.438 tỷ đồng (trong đó vốn góp là 370 tỷ đồng, vốn huy động là 2.068 tỷ đồng). Dự án bao gồm: Khu quảng trường biển được quy hoạch cuối trục đường giao thông chính hướng ra biển; Khu vui chơi giải trí được bố trí phía Tây đường ĐT603A, khu biểu diễn thực cảnh quy mô 2500 chỗ ngồi trong nhà; Khu dịch vụ du lịch gồm các công trình như khách sạn, câu lạc bộ, nhà hàng… (điểm nhấn là công trình khách sạn được quy hoạch bên quảng trường biển làm điểm nhấn kiến trúc cho toàn khu); Các công trình có chức năng hỗn hợp; Khu nhà ở tái định cư tại chỗ và nhà ở phục vụ du lịch cộng đồng; Giao thông, sân bãi; Khu công viên cây xanh, khu Lăng cá Ông và các công trình hạ tầng kỹ thuật...

Trải qua nhiều lần điều chỉnh, dự án Thiên đường Cổ Cò chỉ còn quy mô bằng khoảng 1/10 so với trước đây

Tuy nhiên, 2 năm sau đó, dự án này tiếp tục được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3368/QĐ-UBND ngày 17/11/2021. Với lần điều chỉnh này, dự án Khu vui chơi văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Thiên Đường Cổ Cò được điều chỉnh thành dự án đầu tư Khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò với mục tiêu là đầu tư xây dựng và kinh doanh khu công viên chuyên đề vui chơi, giải trí.

Như vậy, tính chất của dự án đã được thay đổi, từ một dự án khu vui chơi văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng kết hợp đô thị sinh thái trở thành một khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí.

Song song với việc thay đổi tính chất, mục tiêu thì quy mô dự án cũng có sự thay đổi lớn. Theo đó, từ quy mô khoảng 30ha, dự án được điều chỉnh với diện tích đất sử dụng còn khoảng 3,65ha, bao gồm các hạng mục công trình như cổng đón; công viên biểu diễn cá heo, hải cẩu, sư tử biển; cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, giải khát; khu trải nghiệm; nhà trưng bày phong lan; nhà hậu cần; công viên khủng long; công viên cây xanh, vườn tượng; công viên cây xanh; sông nhân tạo; cây xanh, bãi đỗ xe; giao thông nội bộ và các công trình hạ tầng, phụ trợ.

Vốn đầu tư của dự án cũng được điều chỉnh, giảm từ 2.438 tỷ đồng xuống còn 798,6 tỷ đồng (vốn góp của nhà đầu tư là 160 tỷ đồng, vốn huy động là 638,6 tỷ đồng). Về tiến độ dự án, từ tháng 12/2015 đến tháng 6/2022, chủ đầu tư phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022, triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị, hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào hoạt động.

Được biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dự án phải trải qua nhiều lần điều chỉnh, cắt giảm diện tích đất sử dụng là vì gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Khi mới bắt đầu, dự án có quy mô hơn 30ha (bao gồm 2 khu phía Tây đường ĐT603A rộng 12,8ha và phía Đông đường ĐT603A rộng 20,1ha) dẫn đến nguồn kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng rất lớn.

Yêu cầu đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ

Ngày 9/3/2022, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn 1348/UBND-KTN về việc xử lý kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với Công ty Cổ phần Thiên Đường Cổ Cò. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Thiên Đường Cổ Cò khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục về đất đai trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thuê đất để thực hiện dự án và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định.

Tập trung phối hợp với UBND Thị xã Điện Bàn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại để đầu tư xây dựng hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh tại Quyết định số 3368/QĐ-UBND ngày 17/11/2021. Gửi báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu nêu trên về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2022 để theo dõi, giám sát và tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Sông Cổ Cò được xem là “bệ phóng” quan trọng của thị trường bất động sản Quảng Nam với nhiều dự án tầm cỡ

Đáng chú ý, nếu hết thời hạn được phép điều chỉnh tiến độ đầu tư và thời hạn sử dụng đất mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động thì Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thu hồi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và thu hồi diện tích đất giao, cho thuê theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND Thị xã Điện Bàn chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND Phường Điện Dương hỗ trợ Công ty Cổ phần Thiên Đường Cổ Cò sớm thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của dự án; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và giải quyết kiến nghị của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc sử dụng đất của chủ đầu tư dự án theo đúng quy định.

Có mặt tại dự án vào những ngày giữa tháng 5/2022, PV Reatimes ghi nhận trên công trường chủ đầu tư mới xây dựng nhà biểu diễn cá heo và một vài hạng mục khác để phục vụ cho công trình này. Trong khi đó, ở phía Đông đường ĐT603A, người dân đã bắt đầu xây dựng, chỉnh trang lại nhà ở mà không hề bị xử lý như trước đây. Có lẽ chính quyền địa phương cũng “buông tay” khi dự án Thiên Đường Cổ Cò này quá cù nhầy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top