Aa

TP.HCM: Các cấp bắt đầu vào cuộc xóa dự án treo

Thứ Bảy, 05/01/2019 - 02:01

Những tháng cuối năm 2018, TP.HCM đã đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất 180 dự án giai đoạn 2015-2018 với tổng diện tích hơn 1.000ha. Trước đó, TP.HCM cũng đã “xử” 547 dự án với tổng diện tích hơn 5.000ha.

Động thái này cho thấy sự kiên quyết của chính quyền TP.HCM đối với các dự án treo gây bức xúc cho xã hội, lãng phí tài nguyên đất…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết công tác quy hoạch trên địa bàn TP.HCM lâu nay chất lượng chưa cao. TP đang lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn để trình Thủ tướng điều chỉnh lại quy hoạch chung của thành phố. Việc làm này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của TP.HCM với các địa phương lân cận. Cũng trên cơ sở đó xóa bỏ những đồ án quy hoạch không khả thi.

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã quá 3 năm phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ thực hiện.

TP.HCM cũng giao Sở này đề xuất xử lý các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng chưa triển khai thực hiện, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 1/7/2014; bãi bỏ, điều chỉnh các nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đầu tư, đất đai; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…

UBND các quận, huyện được giao đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm mà đã quá 3 năm chưa thực hiện cũng như dự án thu hồi đất, dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng;

Qua đó, tăng cường quản lý về đất đai tại địa phương, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sai mục đích hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng, phân loại các trường hợp chưa đăng ký đất đai, chưa cấp giấy chứng nhận, các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết cũng như các giấy chứng nhận đã ký còn chưa trao cho người được cấp; khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người;

Đặc biệt, TP.HCM yêu cầu quận, huyện phải lập danh sách quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai; nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, giảm thiểu tình trạng khiếu nại vượt cấp…

Thanh tra TP.HCM có trách nhiệm tăng cường thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; đề xuất xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền; đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành; giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng sẽ ban hành các văn bản cụ thể hóa những quy định thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM; trường hợp không thuộc thẩm quyền của thành phố thì kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM, cho biết TP.HCM đã giao Sở làm đầu mối phối hợp với UBND các quận huyện rà soát 2.822 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2018.

Trong số hơn 2.800 dự án rà soát nêu trên, có 598 dự án đã thực hiện xong và 1.541 dự án đang thực hiện, đủ điều kiện giữ lại trong kế hoạch sử dụng đất của các quận - huyện. Trong giai đoạn 2010 - 2015, sở cũng đã rà soát trên 1.200 dự án và cũng đã thu hồi 537 dự án không khả thi.

Các dự án chậm triển khai do nhiều nguyên nhân, như: chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển sang mục đích, hình thức sử dụng khác. Một số dự án thay đổi quy hoạch, lộ giới hẻm trên địa bàn quận trung tâm, không có khả năng thực hiện do thiếu vốn, khó giải phóng mặt bằng. Một số dự án sử dụng vốn ngân sách chưa được ghi vốn thực hiện. Những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai do chủ đầu tư thiếu năng lực, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm triển khai.

Đối với những dự án nằm trong danh sách xóa "treo" mà bồi thường dang dở, quyền lợi của người dân khu vực chưa được bồi thường sẽ được khôi phục như được xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, xét cấp giấy chủ quyền nhà, đất nếu đủ điều kiện, được quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế thế chấp… Riêng khu vực đã được bồi thường thì chủ đầu tư được thực hiện các quyền về sử dụng đất theo quy định.

Theo lãnh đạo Sở này, về việc một số ý kiến nhận định các cuộc thanh tra, kiểm tra đang khiến việc xử lý hồ sơ bị chậm. Thực chất của vấn đề này là do những bất cập của quy định pháp luật, cần phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền, sau đó mới giải quyết.

Chẳng hạn, khi cổ phần hóa doanh nghiệp (DN), tài sản trên đất là tài sản của DN, đất của Nhà nước. Theo quy định đóng tiền sử dụng đất, DN có thể lựa chọn đóng tiền hàng năm hoặc đóng tiền 1 lần. Nhưng bất cập ở chỗ nếu DN đóng tiền 1 lần sẽ có quyền mua bán, chuyển nhượng góp vốn đối với khu đất đó, còn đóng tiền hàng năm không có các quyền đó.

Hoặc việc DN sử dụng đất mà chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định phải thu hồi đấu giá, nhưng tài sản trên đất là của DN, làm sao thu hồi được. Bởi Luật Đất đai quy định, nếu tài sản trên của Nhà nước mới đấu giá. Trong khi đó, tài sản trên đất là của DN cổ phần hoá, đất là của Nhà nước lại chưa có quy định rõ nên chưa thực hiện được, phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền để có hướng dẫn rõ ràng. Do đó chúng ta không thể làm nhanh trong khi quy định pháp luật chưa rõ ràng.

"Đối với hơn 90 dự án đang thanh, kiểm tra hiện chưa có kết luận. Do đó, về nguyên tắc trong quá trình thanh tra, cơ quan muốn giải quyết hồ sơ phải xin ý kiến của cơ quan thanh tra, đây là quy định pháp luật chúng ta phải chấp hành", ông Thắng cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top