Theo VRN dự án đường thủy xuyên Á trên sông Hồng đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái và môi trường trong khu vực đồng bằng sông Hồng
Đó là ý kiến của các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN). Có lẽ, những nhà khoa học thuộc VRN vẫn còn tỏ ra lo ngại rằng một ngày nào đó dự án này sẽ lại được đề xuất trở lại.
Ảnh hưởng đến hàng triệu người dân
Theo đề xuất của Công ty Xuân Thiện Ninh Bình, thuộc Tập đoàn Xuân Thành, dự án sẽ bao gồm tuyến đường thủy Lào Cai – Hải Phòng cho tàu có công suất 400-600 tấn, 6 đập dâng nước và âu tầu kết hợp 6 công trình thủy điện có công suất lắp máy khoảng 228 MW…
Đây là một dự án theo hình thức xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO) với tổng chi phí ước tính khoảng 24.500 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay. Trong khi vốn điều lệ của nhà đầu tư là 1.200 tỷ đồng. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư sẽ phải huy động khoảng 7.353 tỷ đồng, tương đối lớn so với vốn điều lệ. Vì vậy, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn để thực hiện dự án.
Hơn nữa, theo VRN dự án đường thủy xuyên Á trên sông Hồng đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái và môi trường trong khu vực đồng bằng sông Hồng. VRN cho rằng hiệu quả từ dự án này mang lại quá nhỏ, nhưng điều đáng lo ngại hơn, là dự án này sẽ ảnh hưởng tới sinh kế của người dân.
Phân tích của VRN cho rằng việc làm các đập thủy điện và nạo vét dòng chảy trên sông Hồng phục vụ giao thông thủy sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy, gây ra sạt lở bờ sông và chặn lượng phù sa tại các hồ chứa. Đặc biệt, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước phục vụ nông nghiệp trực tiếp cho tám tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT khẳng định: Kinh nghiệm nhiều nước đã cho thấy, thủy điện gây tác động thảm họa đến địa chất, ví dụ kích thích động đất, phân bổ lại vật chất trên bề mặt đất. Hơn nữa, việc xây đến 6 công trình thủy điện trên sông Hồng sẽ tác động ghê gớm đến tài nguyên nước, gây hạn hán thậm chí ngập lụt. Ngoài ra, theo ông Võ, công trình đường giao thông thủy kết hợp thủy điện này cũng sẽ tác động cực kỳ lớn về mặt xã hội như câu chuyện tái định cư; làm đảo lộn cuộc sống…
Tận thu thủy điện, khoáng sản và còn gì nữa?
Dù dự án mới chỉ dừng ở bước đề xuất, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng mục đích chính của là nhà đầu tư là thủy điện và khoáng sản.
Ông Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, đã cho rằng mục đích chính của Xuân Thiện Ninh Bình khi đề xuất dự án này là khai thác khoáng sản, cát sỏi trên sông Hồng. Đây không phải là một lời nhận định vô căn cứ. Bởi để thực hiện dự án này sẽ phải nạo vét một đoạn sông dài 288 km từ Việt Trì lên Lào Cai. Như vậy, nghiễm nhiên Xuân Thiện Ninh Bình được quyền khai thác cát và các khoáng sản khác dưới lòng sông, với lý do thoạt rất hợp lý: nạo vét luồng sông.
Hơn thế, theo hồ sơ, để đảm bảo tính khả thi của dự án, chủ đầu tư đề xuất được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí. Theo đó, trong 5 năm đầu, điện được bán với giá 1.900 đồng/kwh; 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng/kwh; các năm tiếp theo tối thiểu từ 2.970 – 3.560 đồng/kwh. Đây là đòi hỏi vô lí vì mức bán điện này là cao so với mức hiện tại của ngành điện, đồng thời đi ngược với xu hướng giá điện ngày càng giảm.
Nếu tính cả các khoản từ thu phí luồng tuyến giao thông, bến cảng, tận thu khoáng sản thì DN thu về con số lợi nhuận khổng lồ. Ngoài ra chủ đầu tư còn đề xuất miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn…
Những “đòi hỏi” này của DN trong khi chưa chứng minh được hiệu quả cũng là điều khiến dự án này cần được “khai tử” vĩnh viễn.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp