Aa

Dự án Usilk “đình đám” một thời: Đổi chủ có đổi vận?

Thứ Năm, 11/05/2017 - 13:22

Từng là niềm kiêu hãnh của Sông Đà Thăng Long nhưng do vốn ít, lại bị đầu tư dàn trải cho nên Usilk City từ một “đứa con” danh tiếng đã rơi vào cảnh “đắp chiếu” và khiếu kiện kéo dài, buộc phải chuyển nhược cho nhà phát triển BĐS khác thế chân.

Được thành lập từ cuối năm 2006, từ một chi nhánh của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (mã cổ phiếu STL) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các dịch vụ về nhà ở, khu đô thị...

Lược qua lịch sử phát triển của công ty này, Sông Đà Thăng Long được biết đến chủ yếu với dự án Usilk City thuộc khu đô thị mới Văn Khê mở rộng tại Hà Đông, Hà Nội. Dự án có quy mô lên đến 13 tòa nhà cao tầng với 2.700 căn hộ được xây dựng trên khu đất 9,2 ha, trải dài khoảng 1 km đường Lê Văn Lương kéo dài, có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Được khởi công từ quý II/2008, theo hợp đồng ký với khách hàng, các tòa nhà CT1-101, CT1-102, CT1-103 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào tháng 3/2012; các tòa nhà còn lại là CT1-104, CT2-105, CT3-106, CT3-107, CT4-108 bắt đầu bàn giao từ cuối năm 2012 và hoàn thiện vào quý III/2013.

Tuy nhiên, đến nay Usilk City, “niềm kiêu hãnh” của Sông Đà Thăng Long một thời, dù đã qua hạn trả nhà cho khách hàng hơn 5 năm nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành để bàn giao nhà cho khách dù chủ đầu tư đã huy động hơn 4.000 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, những năm qua, hàng trăm khách hàng đã tổ chức những cuộc biểu tình đòi quyền lợi với chủ đầu tư, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người mua nhà ở các khu vực khác.

Tòa nhà CT1 của USilk sau khi chuyển nhượng cho Hải Phát Thủ đô.

Tòa nhà CT2 -105 của USilk sau khi chuyển nhượng cho Hải Phát Thủ đô.

"Thất thủ" vì vốn nhỏ tham vọng lớn

Chỉ hơn vài tháng sau khi thành lập, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sông Đà Thăng Long khi đó ở tuổi 30 được coi là một trong những doanh nhân trẻ, có "máu mặt" trên thị trường BĐS đã điều hành công ty bắt tay vào khởi công Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) - dự án đầu tay của đơn vị này, rộng gần 24ha, gồm 6 tòa chung cư và gần 1.000 căn biệt thự, liền kề cùng các hạng mục hạ tầng khác như trung tâm thương mại, trường học....

Hai năm sau, tháng 9/2008, cổ phiếu của doanh nghiệp được niêm yết trên sàn Hà Nội với mã STL và nhanh chóng trở thành mã được giới đầu tư săn đón. Cùng lúc, doanh nghiệp khởi công tổ hợp Usilk City, gồm 13 khối chung cư cao cấp 25-50 tầng với trên 3.000 căn hộ, diện tích 9,2ha. Tổng mức đầu tư của dự án được công bố cũng lên tới 10.000 tỷ đồng.

Khi đó, Sông Đà Thăng Long là một tên tuổi khá đình đám trong ngành BĐS bởi tuy mới thành lập nhưng đã được giao làm chủ đầu tư những dự án lớn ở nhiều tỉnh, thành.

Đó cũng là nguyên nhân khiến dự án Usilk City trở thành một trong những dự án gây sốt trên thị trường Hà Nội những năm 2008-2010. Thậm chí, có thời điểm thị trường “nóng”, chỉ trong vòng một tháng, giá nhà tại dự án đã được chủ đầu tư tăng tới 3 lần. Chủ đầu tư cam kết bàn giao các căn hộ trong năm 2012-2013.

Tuy nhiên, từ năm 2011, khi thị trường BĐS xuống dốc, hoạt động của STL bắt đầu bộc lộ những điểm yếu. Các dự án của doanh nghiệp tuy đã huy động tiền của khách hàng nhưng không thể triển khai đúng tiến độ.

Sau đó, từ cuối năm 2012, hàng trăm khách hàng mua dự án Usilk City nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan quản lý kêu cứu về tình trạng "đắp chiếu" và không bàn giao đúng tiến độ.

Trở lại nguyên nhân Usilk “thất thủ” là do dự án có tổng mức đầu tư lớn tới 10.000 tỷ đồng nhưng số vốn của Sông Đà Thăng Long tại thời điểm triển khai lại khá nhỏ, chỉ có vỏn vẹn 146,6 tỷ đồng, bằng chưa đến 1,5% tổng mức đầu tư của Usilk City.

Đó là chưa kể đến việc công ty cùng lúc đầu tư vào khá nhiều dự án khác trên khắp cả nước. Dù vậy, công ty vẫn huy động được hàng nghìn tỷ đồng vốn vay ngân hàng và trái phiếu để tài trợ cho các dự án của mình.

Có thời gian, trước khó khăn của doanh nghiệp, để “cứu” Usilk, một thoả thuận “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường BĐS đã diễn ra khi khách hàng tại cụm CT1 dự án Usilk City đã thay chủ đầu tư trở thành người kiểm soát dòng tiền đổ vào dự án này.

Tuy nhiên, mấu chốt để tháo gỡ khó khăn và tái khởi động lại Usilk City là vốn. Nhưng phía ngân hàng với quy định của mình lại không thể ứng vốn ngay cho các nhà thầu, trong khi khách hàng lại không chịu nộp tiền thêm vì mất niềm tin, còn chủ dự án thì “kiệt quệ” tài chính.

Tại thời điểm 31/12/2015, tổng nợ phải trả của công ty lên đến hơn 7.200 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn gần 5.900 tỷ đồng. Chiếm phần lớn tổng nợ phải phải trả của Sông Đà Thăng Long là 3.000 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính cùng 2.000 tỷ đồng lãi vay phải trả phát sinh.

Đến lúc này, dường khi không còn đủ sức để gắng gượng, Sông Đà Thăng Long đã phải chuyển nhượng tòa CT2-105 Usilk City cho Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô. Theo một số nguồn tin, giá trị chuyển nhượng vào khoảng 50 tỷ đồng.

Đổi chủ có đổi vận?

Mới đây nhất, sau hơn một năm thỏa thuận giữa STL và Hải Phát Thủ đô, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra thông báo cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô vừa hoàn thành thủ tục nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (Tòa CT2-105, thuộc lô đất CT2) tại phường La Khê, quận Hà Đông từ Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 29/3/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng - Usilk City (Tòa CT2-105, thuộc lô đất CT2) tại phường La Khê, quận Hà Đông cho chủ đầu tư nhận chuyển nhượng là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô.

Theo đó, diện tích lô đất chuyển nhượng là 10.675,1m2 (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 495725 do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp ngày 8/4/2010 cho lô đất CT2 và Biên bản bàn giao mốc giới, mặt bằng khu đất Tòa nhà CT2-105 ký ngày 29/9/2015 giữa Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô); diện tích xây dựng công trình là 4.305,69m2, gồm 1 khối nhà 50 tầng và phần diện tích tầng hầm nằm trong phạm vi lô đất chuyển nhượng.

Tổng mức đầu tư của phần dự án là hơn 1.510 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 20%; vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác chiếm 80% tổng mức đầu tư.

Sau khi chuyển nhượng, tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh. Cụ thể, Quý I/2018 sẽ hoàn thành công tác thi công công trình và sân vườn, cảnh quan. Quý II/2018, hoàn thành nghiệm thu công trình, đưa vào khai thác sử dụng và bàn giao nhà cho khách hàng.

Hiện sau khi được chuyển nhượng, để giải quyết quyền lợi của khách hàng đã góp vốn trước đây vào Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, tại thông báo vừa gửi cho các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long có trách nhiệm phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô. Theo đó, phải giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên có liên quan đối với phần dự án chuyển nhượng (Tòa CT2-105) theo đúng nội dung đã cam kết tại biên bản họp với đại diện của các khách hàng mua nhà ngày 24/10/2015, Văn bản số 103SĐTL/CV-CT-2016 ngày 16/5/2016, Văn bản số 108/SĐTL-CV-2016 ngày 17/5/2016, Bản giải trình và cam kết ngày 22/2/2017.

“Trường hợp khách hàng hoặc các bên có liên quan có ý kiến về quyền lợi của mình liên quan đến dự án thì Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án”, Sở Xây dựng yêu cầu.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về vụ chuyển nhượng dự án này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top