Dự báo diễn biến các phân khúc bất động sản trong năm 2023
Dự báo năm 2023, với phân khúc nhà ở, giá đi ngang, nguồn cung chưa có cải thiện nhiều. Bất động sản công nghiệp được đánh giá lạc quan, giá thuê không giảm. Năm 2023 sẽ là một năm khởi sắc của phân khúc bất động sản bán lẻ. Còn bất động sản văn phòng sẽ bị ảnh hưởng nhẹ.
Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản 2022: Kỳ vọng và những biến động của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam có khá nhiều sự kiện nổi bật.
Sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 (cuối năm 2021 - đầu năm 2022), thị trường dần sôi động khi lượng giao dịch và giá một số khu vực không ngừng tăng, dẫn đến tình trạng sốt đất trên diện rộng.
Việc UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm là cơ sở để chính quyền đánh giá lại toàn bộ bức tranh thị trường, đồng thời phát triển bất động sản Thủ Thiêm một cách bền vững hơn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Diễn biến mới nhất thị trường căn hộ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng
Dù trầm lắng, giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM vẫn tăng. Đáng chú ý việc đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc người mua tiếp cận các sản phẩm vùng lân cận.
Tại báo cáo mới nhất của Colliers Việt Nam đã chỉ ra diễn biến của phân khúc căn hộ tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Trong đó, tính đến quý 4/2022, một số dự án dự kiến mở bán trong quý nhưng đã bị hoãn lại, cho thấy tâm lý chờ đợi của chủ đầu tư.
Tại TP.HCM: Thị trường căn hộ cuối năm khá trầm lắng, mức tiêu thụ được cho là thấp nhất trong ba năm và thanh khoản thị trường kém do tác động từ việc siết tín dụng, lãi suất tăng. Dù vậy, giá sơ cấp phân khúc căn hộ hạng sang vẫn ổn định, trong quý này, những dự án căn hộ hạng sang mở bán tại khu vực Thủ Thiêm có mức giá bán khá cao từ 7.000 - 18.000 USD/m2.
Tuy nhiên, ở những phân khúc thấp hơn, giá bán sơ cấp bình quân giảm nhẹ do một số các dự án áp dụng chính sách chiết khấu. Giá bán thứ cấp có phần giảm mạnh do nhiều nhà đầu tư thứ cấp gặp khó khăn về tài chính như khoản vay đến hạn bị nâng lãi suất và lo lắng về những biến động khó lường của thị trường trong năm tới, dẫn đến bán tháo sản phẩm để cắt lỗ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản ghi nhận diễn biến mới ở nhiều phân khúc
Ngày 5/1/2023, Colliers Việt Nam chính thức công bố báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý IV/2022. Báo cáo phân tích các diễn biến chính, xu hướng nổi bật và dự báo triển vọng phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, bao gồm các phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ, căn hộ dịch vụ, chung cư, biệt thự và nhà phố, khu công nghiệp.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định: “Lạm phát và lãi suất cao bắt đầu có tác động đến hầu hết các phân khúc bất động sản tại Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022. Giao dịch trầm lắng do dòng tiền chưa khơi thông, thị trường nhà ở và bất động sản thương mại như văn phòng và căn hộ dịch vụ dự kiến chững lại trong những quý đầu trong năm 2023. Mặc dù thận trọng, nhà đầu tư vẫn nhìn thấy cơ hội ở các nhóm tài sản thuộc phân khúc công nghiệp, bán lẻ và bất động sản nghỉ dưỡng. Quan trọng nhất, doanh nghiệp bất động sản đang quan sát chặt chẽ các động thái điều chỉnh thị trường của Chính phủ cũng như những sửa đổi luật và quy định trong thời gian tới”.
Bất chấp những biến động trong năm 2022, tính đến ngày 20/12/2022, lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút hơn 4,45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy niềm tin lạc quan của nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tin vào triển vọng giá đất, gần 70% người dự định mua bất động sản trong năm 2023
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản (Consumer Sentiment Study - CSS) dựa trên 6 yếu tố: Mức độ hài lòng về thị trường, khả năng mua nhà, tình hình thị trường, lãi suất, chính sách của Chính phủ và giá bất động sản trong tương lai.
Theo đó, chỉ số tâm lý thị trường bất động sản Việt Nam đầu năm 2023 là 36 điểm, giảm khá nhiều so với mức 47 và 40 điểm của nửa đầu và nửa cuối năm 2022. Trong đó, mức độ lạc quan của người mua/bán bất động sản sụt giảm mạnh nhất đối với lãi suất vay mua bất động sản (giảm 15 điểm). Nếu như nửa năm trước, 41% người tham gia khảo sát cho rằng lãi suất ngân hàng đang ở mức hợp lý thì hiện tại chỉ còn 26% đồng tình với chính sách lãi suất, hầu hết đều đánh giá lãi suất đang ở mức cao hoặc quá cao.
Đầu năm 2023, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người tiêu dùng bất động sản về thị trường, về triển vọng tăng giá bất động sản trong tương lai và khả năng mua nhà cũng giảm từ 12 - 14 điểm so với nửa cuối năm 2022.
Tuy vậy, 80% người tham gia khảo sát vẫn nhận định giá địa ốc sẽ tăng trong 1 - 5 năm tới, với 40% dự báo mức tăng là 5 - 10% và 23% cho rằng giá nhà, đất sẽ tăng trên 10%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Lạm phát có là "thiên nga đen" với thị trường bất động sản
Với mức cung bất động sản hạn chế, mức cầu thực tương đối cao và cung - cầu này sẽ được hỗ trợ trong năm 2023 thì lạm phát cao hơn rất khó gây ra sự đổ vỡ của ngành bất động sản mà thị trường sẽ điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn.
Nhân tố lạm phát rất cao ở Mỹ và EU vốn là nguyên nhân khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất song mức lo ngại đang giảm dần. Việc Mỹ dự kiến tăng lãi suất lên cao kỷ lục (trên 5%) có khả năng diễn ra sớm nhất trong 3 quý đầu của năm 2023 buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có phản ứng thích hợp để không tăng lãi suất điều hành quá mức làm bóp nghẹt nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Bất động sản và thị trường bất động sản có tầm quan trọng trong cuộc sống của con người và nền kinh tế. Phát triển bất động sản được coi là có tác động rất mạnh, lan tỏa nhanh trong nội ngành và liên sang rất nhiều ngành khác, qua đó, thúc đẩy nhanh tăng trưởng việc làm, thu nhập và GDP.
Tuy nhiên, việc đầu tư và quản lý đầu tư bất động sản nhà ở không hiệu quả có thể gây ra nhiều rủi ro khác nhau cho chính doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và cả hệ thống tài chính, nền kinh tế.