Aa

Dự báo lạc quan về tiền số: Sẽ có nhiều điểm tương đồng với USD hơn là vàng, bạc

Thứ Hai, 05/07/2021 - 17:00

Theo các chuyên gia, ngày càng khó hình dung về một tương lai không có tiền điện tử.

Chia sẻ trên CNBC - kênh thông tin tài chính của Mỹ, một số chuyên gia đã bày tỏ quan điểm của mình về tương lai của những đồng tiền kỹ thuật số, hay còn gọi là tiền số, tiền điện tử, tiền mã hóa, tiền ảo…

Khó hình dung một tương lai không tiền số

Kênh CNBC nhận định, chúng ta có thể không biết những cổ phiếu trong S&P 500 sẽ hoạt động như thế nào trong tháng tới hoặc trong vòng hai năm tới, nhưng qua nhiều thập kỷ, chúng ta có thể đưa ra được những dự đoán về đường đi của chúng. Thực tế là, hầu hết chúng ta đều biết cổ phiếu là gì và định nghĩa đó không thay đổi trong nhiều thế kỷ.

Thế nhưng, với tiền điện tử, có rất nhiều quan điểm trái chiều khi một số dự đoán tiền số thay đổi cách chúng ta hiểu và tương tác với tiền trong khi một số khác lại cảnh báo về một bong bóng nguy hiểm. Dù với quan điểm nào thì các chuyên gia trên CNBC đều có chung quan điểm rằng, ngày càng khó hình dung một tương lai không có tiền số.

tiền số
Bitcoin là đồng tiền số giá trị nhất thế giới hiện nay, có giá hơn 34.000 USD, với tổng giá trị vốn hóa thị trường ước tính đạt trên 643 tỷ USD, theo Coinmarketcap. (Ảnh: CNBC)

Nhà hoạch định tài chính Ivory Johnson - người sáng lập Delancey Wealth Management đánh giá, tiền điện tử sẽ phá vỡ nền tài chính truyền thống bởi vì một trong những tiện ích hấp dẫn nhất của chúng là khả năng thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng, chi phí thấp. Đối với Bitcoin, 50 năm là một khoảng thời gian dài và nó có thể trở thành đồng tiền dự trữ thế giới và giúp rất nhiều người trở nên giàu có cho đến khi nó bị công nghệ tốt hơn vô hiệu hóa.

Frederick Kaufman, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “The Money Plot: A History of Currency’s Power to Enchant, Control, and Manipulate” (tạm dịch là: “Mưu đồ tiền tệ: Lịch sử sức mạnh của tiền tệ để mê hoặc, kiểm soát và thao túng”) dự báo, trước năm 2071, đồng USD sẽ có nhiều điểm tương đồng với tiền mã hóa hơn vàng hay bạc...

“Không cần phải nghi ngờ về tuổi thọ của các thuật toán được mã hóa với tư cách là kho lưu trữ giá trị và phương tiện trao đổi. Tất cả loại tiền là một dạng mã hóa. Nó đã như vậy ngay từ đầu, khi cuộc sống ngày càng thắt chặt với thế giới số sẽ thúc đẩy động lực đầu tư vào các loại token", ông Frederick Kaufman nêu rõ.

Chuyên gia Dan Egan, Phó Chủ tịch hãng tư vấn tài chính và đầu tư Betterment cho biết, các loại tiền mã hóa như Bitcoin đã cho thấy sự hữu ích trong giao dịch và đầu cơ, vì thế chúng sẽ khó biến mất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để tạo ra năng lượng đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiền số là vấn đề đáng lưu tâm, và liệu các cơ quan nhà nước có xem nó là đối thủ cạnh tranh với các loại tiền pháp định (fiat) hay không.

Dragan Boscovic, Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Blockchain tại Đại học bang Arizona nhận định, Bitcoin và tiền mã hóa sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong 10 năm tới.

Việt Nam đang nghiên cứu tiền số

Tại Việt Nam, hiện nay, Nhà nước vẫn chưa công nhận bất cứ loại tiền số (hoặc tiền ảo) nào là đơn vị thanh toán hợp pháp. Đồng thời, việc kinh doanh, trao đổi tiền số cũng chưa có quy định trong hệ thống pháp luật và mới đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo hay tiền mã hoá nào.

Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu thí điểm sử dụng tiền ảo.
Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu thí điểm sử dụng tiền ảo. (Ảnh minh họa: KT)

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, Bitcoin và một số loại tiền số khác không phải đồng tiền pháp lệnh, nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Nó không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. “Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật”, ông Đào Minh Tú nêu rõ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Thời gian để Ngân hàng Nhà nước thực hiện là từ 2021 - 2023.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cơ quan chức năng như NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

Theo các chuyên gia, việc chậm ban hành khung pháp lý để quản lý tiền ảo có thể làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng, cảnh báo, nếu người dân tham gia vào mua bán tiền ảo trên mạng sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, nếu không may gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp, người chơi sẽ không được pháp luật bảo vệ. Đặc biệt, việc giao dịch tiền ảo có thể dẫn tới tình trạng thất thu ngân sách, chảy máu ngoại tệ, hoặc rửa tiền xuyên biên giới.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các cơ quan quản lý sớm tiếp cận nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý cho các loại tiền chính thống, mô hình kinh doanh trong môi trường tài chính điện tử mới như các ví điện tử, fintech (tài chính công nghệ).... Đồng thời, phối hợp hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc để tạo hệ sinh thái; chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các tổ chức tài chính...

Đối với nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo cần tỉnh táo, tránh tâm lý đám đông, phong trào, đua nhau bỏ tiền vào lĩnh vực mình không có kiến thức và đặc biệt không nên đầu tư quá nhiều vào kênh tiền ảo bởi mức độ biến động rất lớn kéo theo rủi ro cao./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top