Aa

Dự kiến áp dụng bảng giá đất mới theo thị trường từ năm 2026

Thứ Năm, 27/04/2023 - 10:45

Chính phủ tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường và dự kiến áp dụng từ năm 2026 để đảm bảo tính khả thi, theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) mới nhất.

Sáng nay 27/4, Dự thảo được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong phiên họp toàn thể thứ 11.

Đây là Dự thảo đã được tiếp thu ý kiến Nhân dân, gồm 16 chương, bổ sung 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

bảng giá đất
Ảnh minh họa

Tại dự thảo này, Chính phủ tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Lý do là qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Để bảo đảm quy định này có tính khả thi, Dự thảo đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật.

Đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.

Lần này, Dự thảo tiếp tục giữ quy định Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với nơi có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Mặc dù, quy định trên, theo ý kiến một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội thì sẽ tạo áp lực rất lớn lên đội ngũ xây dựng bảng giá đất, rất khó khả thi.

Về nguyên tắc, căn cứ phương pháp định giá đất, tiếp thu ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, Dự thảo quy định, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: Phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

Căn cứ xác định giá đất bao gồm: Thời hạn sử dụng đất, đối với đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất; thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; quy định của các pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá.

Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát; thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.

Đồng thời Dự thảo đã bổ sung quy định về các phương pháp định giá đất gồm: Phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào đầu tháng 5/2023, Dự thảo sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top