Aa

Dự kiến cả nước có 7 vùng kinh tế - xã hội

Thứ Sáu, 28/02/2020 - 06:30

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Theo đó, trong 6 phương án đã được đưa ra, Bộ đề xuất lựa chọn phương án 6, chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có vùng mới là Thủ đô.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Dự thảo báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội thay vì duy trì 6 vùng như hiện nay. Xin ông cho biết quan điểm về cách phân chia mới này?

Ông Trần Ngọc Chính: Về tổng thể, việc phân chia vùng kinh tế mà Dự thảo đưa ra là tương đối hợp lý, trong đó tôi đồng tình tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ, bởi khu vực này hiện kéo dài từ Thanh Hóa tới Bình Thuận. Các vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên gồm nhóm các tỉnh có sự tương đồng về đất đai, khí hậu, lịch sử, văn hóa… được giữ nguyên là hợp lý.

Tuy nhiên, theo tôi Dự thảo này còn chưa hợp lý trong việc chia 2 vùng miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô (hay vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng). Cụ thể, vùng miền núi phía Bắc có 10 tỉnh tiếp giáp biên giới Việt - Trung và một phần biên giới Việt - Lào nhưng lại không bao gồm tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh cũng nằm ở biên giới phía Bắc. 

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Thứ hai, Dự thảo phân vùng Thủ đô có tới 15 tỉnh là quá lớn, trong đó xếp tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Bắc bộ với những đặc điểm địa lý, kinh tế khác biệt vào vùng này là chưa hợp lý. Đồng thời sắp xếp các tỉnh này vào vùng Thủ đô là không đúng với tiêu chí quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang công bố lấy ý kiến Dự thảo báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch

PV: Khi tiến hành phân vùng, chúng ta dựa theo những tiêu chí căn bản nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Chính: Để có một quy hoạch phân vùng bài bản đòi hỏi phải tuân thủ những tiêu chí rất thực tiễn và khoa học. Việc phân chia khu vực kinh tế - xã hội dựa trên các tiêu chí tương đồng về đặc điểm địa lý, địa hình, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, lịch sử phát triển, khí hậu… của từng vùng. Sự thống nhất nhiều mặt giữa các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ tạo thuận lợi trong quản trị và phát triển vùng cũng như cả nước.

Cụ thể, tiêu chí vùng Thủ đô đã được lập và Thủ tướng phê duyệt bao gồm Thủ đô và 9 địa phương lân cận, giáp ranh. Do đó, đưa cả một vùng rộng lớn ven biển như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và cả tỉnh Quảng Ninh, cách khá xa Hà Nội, vào vùng Thủ đô như trong dự thảo (gồm Thủ đô và 14 địa phương) là không phù hợp.

PV: Vậy ông có đề xuất gì để phương án quy hoạch vùng hợp lý hơn?

Ông Trần Ngọc Chính: Như tôi đã phân tích ở trên, chúng ta nên cân nhắc đưa tỉnh Quảng Ninh, với các đặc điểm tương đồng với các tỉnh miền núi phía Bắc, từ vùng Thủ đô vào vùng miền núi phía Bắc. Cách sắp xếp này sẽ giúp Quảng Ninh trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả vùng miền núi phía Bắc và hướng ra biển, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ về an ninh, quốc phòng cũng như phát triển kinh tế cửa khẩu từ các tỉnh dọc biên giới phía Bắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang công bố lấy ý kiến Dự thảo báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch

Trong một phương án khác có thể xem xét tách các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng từ vùng Thủ đô như trong dự thảo gộp với tỉnh Quảng Ninh thành lập vùng Duyên hải Bắc bộ. Đây là các tỉnh có nhiều điểm chung về địa lý, kinh tế - xã hội. Cách sắp xếp này cũng phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt trước đây đồng thời làm giảm số tỉnh, thành của vùng Thủ đô (mới), bởi quy mô 15 tỉnh, thành phố như trong dự thảo là quá lớn, gây khó khăn trong việc triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Đó là chưa kể Dự thảo quy hoạch vùng Thủ đô quá lớn sẽ gây nên những vấn đề kinh tế, xã hội khác như khó khăn trong quản lý quy hoạch, quản lý đất đai... Mặt khác, 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô mà dự thảo đưa ra có nhiều điểm khác biệt về điều kiện tự nhiên, xã hội nên sắp xếp thành một vùng là chưa hợp lý.

Từ các phân tích trên, phương án hợp lý nhất là có thể phân vùng kinh tế xã hội thành 8 vùng gồm: Vùng miền núi phía Bắc, vùng Duyên hải Bắc bộ, vùng Thủ đô, vùng Bắc Trung bộ, vùng Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top