Aa

Dự kiến Việt Nam sẽ xuất siêu 1 tỷ USD trong năm 2022

Thứ Năm, 01/09/2022 - 09:29

Tại báo cáo mới đây Bộ Công thương gửi các đơn vị về kịch bản điều hành và các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022 đã nhấn mạnh tới nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng.

Bởi vậy, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc và là năm thứ 7 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu khoảng 1 tỷ USD. 

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Sài Gòn khu vực 1 (Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN)

Theo Bộ Công thương, dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%); nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Do đó, nhiều khả năng cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Những kết quả đạt được cũng là cơ sở để ngành Công thương tự tin đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.178 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.

Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí, một số nền kinh tế lớn có thể suy thoái. Lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, làm giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước; trong đó, có Việt Nam. 

Vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, nhất là Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các FTA.

Xuất khẩu thủy sản đạt nhiều tín hiệu tích cực trong quý I/2022 (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị này xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong FTA để mở rộng cũng như tìm kiếm thị trường mới; tăng cường quản lý nhập khẩu, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa bền vững.

Mặt khác, các đơn vị thuộc Bộ phải nắm bắt thông tin, nhu cầu và quy định mới của thị trường sở tại để kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương. Đặc biệt, phổ biến, hướng dẫn cho các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ thị trường nước ngoài.

Cũng tại báo cáo này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý các đơn vị hoàn thành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu quý III năm 2022./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top