Aa

Du lịch Đà Nẵng đang bỏ qua nguồn “tài nguyên thời gian”

Thứ Sáu, 27/09/2019 - 06:00

Đà Nẵng, hay ngành du lịch Việt Nam nói chung có cần khai thác thêm tài nguyên thời gian? Hay chúng ta lựa chọn tiếp tục khai thác tài nguyên đất, lao động và để cho màn đêm được yên tĩnh?

Các Công viên giải trí Disneyland sáng rực về đêm và luôn tấp nập khách (Ảnh: Internet).

Bản đồ đêm Đà Nẵng: Chút ánh sáng le lói

Năm 2017, lần đầu tiên NASA công bố bản đồ toàn cảnh trái đất ban đêm. Ở đó, một cách trực quan, người ta nhìn thấy mức độ phát triển khác nhau của các quốc gia, các thành phố, dựa vào ánh đèn.

Thượng Hải, Thẩm Quyến, Hồng Kông và Đài Loan rực sáng trên bản đồ châu Á. Còn tại Việt Nam, dễ dàng nhìn thấy hai điểm sáng tập trung ở hai đầu đất nước: đó là Hà Nội và TP.HCM.

Bản đồ châu Á ban đêm (Ảnh: Google Earth/NASA).

Và trên bản đồ đó, chỉ có những người chủ tâm tìm kiếm và khá thuộc môn địa lý, mới nhận ra một quầng sáng nhỏ nằm ở miền Trung Việt Nam. Nó sáng hơn Huế một chút, không sáng bằng Vũng Tàu và nhỏ xíu nếu so với Hà Nội hay TP.HCM. Đó là Đà Nẵng.

Dữ liệu của NASA cho phép quan sát mức độ phát triển của một Đà Nẵng vào ban đêm, như một biểu đồ.

Và ở đó, người ta nhận ra rằng Đà Nẵng ban đêm rất khác ban ngày.

Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng… biến mất. Sun World Ba Na Hills là nơi thu hút đông khách du lịch nhất tại Đà Nẵng, nhưng khi đêm xuống cũng chìm trong bóng tối.

Làng đá Non Nước và núi Ngũ Hành Sơn cũng là địa chỉ du lịch lâu đời, nhưng nó lại thành một khoảng sáng mờ khi đêm xuống.

Địa điểm của công viên núi Thần Tài – một khu du lịch được quảng bá mạnh mẽ của Đà Nẵng gần đây - cũng không có chút ánh sáng nào hắt tới vệ tinh của NASA.

(Ảnh: Google Maps/NASA).

Ngay cả những ánh đèn bên bờ biển Mỹ Khê cũng yếu hơn so với khu vực trung tâm - một nghịch lý nếu nghĩ tới việc ban ngày, nơi này mới là trái tim của thành phố.

Tất nhiên, nếu nhìn xuống phía Nam, người ta thấy một “lối thoát” cho du khách ở Đà Nẵng vào ban đêm: phố cổ Hội An (Quảng Nam), một khoảng sáng hiếm hoi ngoài các quận trung tâm Đà Nẵng (bên cạnh khu công nghiệp Điện Bàn Điện Ngọc).

Thành phố chỉ làm du lịch 16h

Đà Nẵng chỉ hoạt động 16 tiếng một ngày trong tư cách một thành phố du lịch. Những thương hiệu du lịch quan trọng nhất của nó sẽ đóng cửa sau 11h đêm.

Bánh canh Bà Bé – một trong số các địa danh ẩm thực nổi tiếng của Đà Nẵng, cũng là một trong những quán mở cửa muộn nhất, thì từ 22h đêm, chủ quán đã có thể thông báo hết bánh canh ghẹ.

Một vài chợ đêm tại Đà Nẵng, vốn cũng hạn chế giờ mở cửa tới quanh 23h, gần như không bao giờ xuất hiện trong các bảng đánh giá du lịch - đặc biệt là dành cho khách quốc tế.

Việc mở ra một mặt bằng kinh doanh mới tinh và thu hút những người làm ăn nhỏ lẻ tới dựng quầy hàng không tạo thành “nền kinh tế ban đêm” đúng nghĩa.

Chợ đêm Sơn Trà, Đà Nẵng.

Tất cả những gì tinh túy nhất của du lịch Đà Nẵng xuất hiện trên các báo nước ngoài, như Cầu Rồng, Cầu Vàng, cáp treo Bà Nà, các hoạt động bên bãi biển, các địa chỉ ẩm thực gia truyền lâu đời, đều “đi ngủ” trước 23h đêm.

Điều này không diễn ra ở các thành phố xưng là “điểm đến quốc tế”. Bởi, đời sống về đêm phải là một phần quan trọng của việc quy hoạch du lịch.

Ở Seoul, những suất chiếu phim muộn nhất của rạp Megabox bắt đầu sau 3h sáng - còn suất chiếu phổ biến của các rạp khác là 1h sáng.

Các phòng xông hơi jjimjilbang có thể trở thành chỗ ngủ qua đêm của những vị khách lỡ đường. Rất nhiều nhà hàng mở 24h, không chỉ có các chuỗi đồ ăn nhanh như Lotteria hay McDonalds mà cả các nhà hàng sang trọng.

Ở Singapore, từ nhà hàng hải sản, cháo ếch, đồ Nhật, dimsum kiểu người Hoa cho đến đồ ăn Ấn Độ, thành phố này vẫn phục vụ đến tận 5h sáng. Các quán bar ở Clarke Quay và Boat Quay có thể phục vụ rượu và âm nhạc đến tận 3h.

Ở Hong Kong, siêu xe vẫn đậu đầy trước cửa các trà quán lúc 3h. Tại đó, các đại gia chứng khoán Hong Kong ngồi lẫn trong đám khách du lịch ba lô, uống trà và ăn hủ tíu.

Khắp thế giới, từ Nhật Bản sang Đức, các chính phủ thực thi những bộ chính sách nghiêm cẩn để phát triển kinh tế ban đêm. Nhưng Đà Nẵng, thành phố vốn thường xuyên tiên phong trong nhiều chính sách liên quan đến du lịch - dịch vụ, vẫn chưa thể giải được bài toán của mình.

Chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình nhận định rằng thành phố đẹp nhất về đêm, nhưng việc tạo ra trải nghiệm cho du khách “chưa được như kỳ vọng”.

Cơ hội trong màn đêm

Ngoài ăn nhậu, người ta có thể làm gì sau nửa đêm? Hãy hỏi tập đoàn giải trí lớn nhất thế giới. Và Disney sẽ trả lời: họ có thể bán dịch vụ cho… trẻ em vào lúc 2 giờ sáng.

Tại các Công viên giải trí Disneyland, từ lâu đã có một thông lệ gọi là “Extra Magic Hours” (Thời gian thêm kỳ diệu), cho phép các du khách nghỉ tại hệ thống của Disney Hotel Resorts được chơi muộn tới 1-2h sáng.

Việc nền du lịch Việt Nam “đi ngủ sớm” thật ra là biểu hiện của việc ngành này vẫn đang phụ thuộc vào giờ sinh hoạt của người dân bản địa.

Xương sống của các hoạt động du lịch vẫn đang là các hộ kinh doanh cá thể, địa bàn chính của các hoạt động du lịch vẫn đang là các khu dân cư – nơi vấn đề trật tự đô thị được đặt ra ngay khi bàn đến “kinh tế đêm”.

Nhưng các tiền lệ trên thế giới chỉ ra rằng, với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và khu du lịch chuyên biệt (như Disneyland), ngành này không cần đi ngủ. Nhu cầu hưởng thụ dịch vụ của du khách không tuân theo nếp sinh hoạt thường ngày.

Việc thử nghiệm các khu vực riêng biệt, với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và tách biệt hẳn khỏi khu dân cư, cũng đang là chính sách phát triển kinh tế đêm của nhiều thành phố lớn.

Bắc Kinh, Thượng Hải hay Sydney đều tạo ra các khu vực riêng - nơi các thương nhân có thể tìm kiếm cơ hội trong màn đêm.

Việc thử nghiệm mô hình thí điểm với quy định về “không gian địa lý” riêng, không có giới hạn thời gian cũng là lời khuyên mà nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đang đưa ra để thắp sáng kinh tế ban đêm tại Việt Nam. Nhưng để bắt đầu, tất cả đều phải từ nhận thức và chính sách.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top