Thị trường du lịch điêu đứng trước dịch Covid-19
Với những thành tựu mang tính đột phá trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Theo thống kê, trong năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt khoảng 22,7%/năm.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã có tác động không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam. Trong tháng 2, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn đạt khoảng 51% giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, lượng du khách trong 2 tháng đầu năm khoảng 3,56 triệu người, giảm 25% so với cùng kỳ 2019, trong đó, khách quốc tế chỉ 844.000 người.
Đồng thời, trước những diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch Covid-19 trong những ngày gần đây, để tăng cường phòng, chống một cách quyết liệt nhất, Việt Nam quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước ở châu Âu bao gồm: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Khách du lịch tại Thủ đô Hà Nội thưa thớt hơn hẳn ngày thường
Tại một báo cáo công bố mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính trong vòng 3 tháng tới, ngành du lịch sẽ mất trắng 5,9 - 7,7 tỷ USD tương ứng với lượng sụt giảm du khách cả quốc tế và nội địa lên tới gần 30 triệu lượt vì Covid-19. Các dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều bị “thổi bay” trung bình 1 - 1,8 tỷ USD mỗi ngành.
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề và dự báo sẽ là một tương lai ảm đạm cho du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong năm 2020.
Hàng loạt khách sạn Hà Nội "ngấm đòn"
Lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh khiến không ít khách sạn tại khu phố cổ - nơi vốn được xem là sầm uất nhất - lâm vào cảnh bi đát. Trái ngược với không khí nhộn nhịp của khách du lịch mấy tháng trước, giờ đây trên các con phố - nơi tập trung nhiều khách sạn nhất nhì ở phố cổ Hà Nội như: Lò Sũ, Hàng Hòm hay Cầu Gỗ lại vắng vẻ đến lạ thường.
Phố Lò Sũ hay Cầu Gỗ trước đây là điểm dừng chân quen thuộc của du khách nước ngoài khi đến với Thủ đô vậy mà giờ đây hàng loạt khách sạn tại đây buộc phải giảm giá hay treo biển đóng cửa. Nhiều khách sạn tắt điện tối om và chỉ có nhân viên lễ tân ngồi trực.
Trước tình hình khó khăn và nguy cấp như hiện nay, phần lớn các khách sạn đã đồng loạt thực hiện chính sách giảm giá hơn 50% với mong muốn thu hút được khách du lịch. Không ít khách sạn đã phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm giờ làm của nhân viên và thậm chí nhiều nơi đã buộc phải đóng cửa để tránh thiệt hại nặng nề.
Ông Phạm Lâm - quản lý khách sạn Hanoi A1 bày tỏ: “Chỉ trong tháng 2 khách sạn của chúng tôi thiệt hại gần chục tỷ đồng doanh thu, nếu tính cả tháng 3 thì con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Nhưng chúng tôi cũng chia sẻ với chủ đầu tư bằng cách giãn ngày công của nhân viên. Mặc dù cho nhân viên nghỉ nhưng vẫn duy trì ngày công nhất định để đảm bảo cuộc sống cho mọi người. Đồng thời, cắt giảm toàn bộ các chi phí phụ liên quan đến việc vận hành khách sạn. Cố gắng duy trì sự ổn định cho đến khi dịch Covid-19 giảm dần”.
Tại thời điểm bi đát này, nhiều cơ sở cũng đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên để nâng cao chất lượng phục vụ.
Không chỉ riêng các khách sạn hay nhà nghỉ gặp phải khó khăn mà các công ty du lịch cũng đồng loạt thông báo huỷ tour đi Hàn Quốc, Nhật bản hay Italy trong thời gian tới. Nếu còn hoạt động thì các các công ty này buộc phải đổi địa điểm du lịch sang các nước khác an toàn hơn. Bên cạnh đó, các nhà hàng cũng bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, kể cả các quán ăn nhỏ lẻ. Vì vậy nhiều nhân viên đã xin nghỉ việc hoặc nghỉ việc không lương.
Nhận định về những tác động của dịch Covid 19 đến thị trường du lịch và đặc biệt là bất động sản du lịch, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Đại dịch sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Tất yếu khi tăng trưởng du lịch giảm sút, bất động sản du lịch sẽ ảnh hưởng.
Thứ nhất, lượng du khách Trung Quốc trước đây và hiện tại được xem là một trong những nhóm khách quốc tế chính, chiếm thị phần lớn. Việc ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng như “hạn chế” người Trung Quốc nhập cư vào Việt Nam sẽ làm giảm lượng khách Trung Quốc. Thứ hai, du khách nước ngoài cũng như người dân trong nước vì e ngại đại dịch sẽ giảm nhu cầu đi du lịch. Ngành du lịch giảm tăng trưởng, mục tiêu 2020 khó thực hiện thì đồng nghĩa bất động sản du lịch sẽ còn gặp khó khăn".
Các chuyên gia cho rằng, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi đang lan rộng đến hàng trăm quốc gia trên thế giới như hiện tại, du lịch có thể phải chấp nhận thực tế rơi vào tình trạng "ngủ đông". Tuy nhiên, đây cũng là lúc cần phải tái cơ cấu lại và tập trung vào nguồn khách du lịch nội địa đồng thời đưa ra các chiến lược để sống sót qua mùa đại dịch.
Với những nỗ lực to lớn khi phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn. Các doanh nghiệp đã có những biện pháp phòng chống và giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách. Tại nhiều địa điểm tham quan du lịch đã sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm tăng cường phòng chống dịch như phát khẩu trang miễn phí, phun khử khuẩn... và cần hướng đến tiêu chí "du lịch an toàn" để Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là điểm đến lý tưởng và thân thiện.