Aa

Du lịch MICE - một cánh cửa khác cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam

Thứ Tư, 15/02/2023 - 13:30

Thay vì chỉ tập trung vào nhóm khách du lịch nghỉ dưỡng, việc gia tăng các chính sách thu hút nhóm khách MICE là một cơ hội mới cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam sau giai đoạn khó khăn.

Tín hiệu tích cực

Du lịch là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 3,66 triệu lượt người. Con số này cao gấp 23,3 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đến vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Cho đến nay, ngành du lịch vẫn đang trong quá trình phục hồi, kéo theo sự tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. 

Du lịch TP.HCM kỳ vọng sẽ chạm ngưỡng trước dịch. (Ảnh: IT)

Theo ông Michael Kokalari - chuyên gia Kinh tế thị trường VinaCapital: “Hàng năm, nguồn thu du lịch từ khách quốc tế tại Việt Nam ước tính khoảng 10% GDP. Do đó, sự gián đoạn của khách quốc tế đến Việt Nam thời gian vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu du lịch, ngành dịch vụ nghỉ dưỡng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chúng tôi hy vọng vào nửa sau năm 2023, khi nhiều thị trường trọng điểm nới lỏng chính sách phòng dịch thì lượng khách này phục hồi trở lại”.

Tín hiệu tích cực cho bất động sản lưu trú, nghỉ dưỡng được kỳ vọng đến từ nửa sau năm 2023 khi Trung Quốc dần gỡ bỏ các chính sách Zero-Covid. Theo thống kê của Tổng cục Du Lịch, khách du lịch Trung Quốc luôn chiếm 1/3 doanh thu du lịch hằng năm.

Với sự phục hồi trong lượng du khách, Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) dự báo, doanh thu ngành khách sạn Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 7% mỗi năm và doanh thu bình quân trên mỗi khách dự kiến đạt 158 USD vào năm 2027, tăng 0,3% mỗi năm. Doanh thu ngành khách sạn Đông Nam Á dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 khi khách Trung Quốc quay trở lại.

Đánh giá về xu hướng này, bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới và gỡ bỏ các quy định cách ly là một tín hiệu đáng mừng cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, họ sẽ không quay lại trong một sớm, một chiều mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhóm khách đầu tiên quay trở lại Việt Nam là những nhóm khách đến công tác và công vụ (MICE). Đối với nhóm khách du lịch, nghỉ dưỡng có độ trễ hơn vì cần có những đơn vị khác trong ngành như các công ty lữ hành du lịch, nhà hàng, khách sạn, các hãng hàng không khôi phục lại hoạt động kinh doanh về như trước dịch thì khi đó họ mới quay trở lại”.

Bà Uyên Nguyễn - Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương

Các chuyên gia khuyến nghị, ngành lưu trú tại Việt Nam không nên chỉ trông đợi vào khách du lịch để cải thiện doanh thu. Ghi nhận của Savills trong năm 2022 cho thấy, phân khúc khách sạn 5 sao có cải thiện đáng kể nhất với công suất thuê tăng 24% theo năm và giá phòng trung bình tăng 44%. Động lực cho đà tăng trưởng này đến từ lượng khách công vụ, khách theo đoàn tham dự hội nghị.

“Thị trường TP.HCM và Hà Nội khôi phục tốt hơn chính là nhờ vào nguồn khách công vụ, chuyên gia nước ngoài làm việc và lưu trú dài hạn. Tuy nhiên, nhóm này cũng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan như những diễn biến về kinh tế, chính trị. Nếu chúng ta có thêm những hoạt động như hội nghị, triển lãm, hội chợ quốc tế thì sẽ thu hút được nhiều nhóm khách đến Việt Nam. Song hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu nguồn cung phù hợp và cao cấp để đáp ứng nhu cầu lưu trú của nhóm khách này”, bà Uyên phân tích thêm.

Nhiều địa phương đẩy mạnh thu hút du khách MICE

Trong định hướng chiến lược sản phẩm du lịch của Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định du lịch MICE là sản phẩm du lịch quan trọng mà hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều có tiềm năng và thế mạnh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều di sản văn hóa, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, cùng với tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân, điểm đến an toàn sau đại dịch Covid-19… là những lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển du lịch MICE.

Hầu hết địa phương trong nước đều có những lợi thế này. Từ năm 2022 cho đến nay, các địa phương cũng đã và đang thực hiện chính sách phát triển du lịch MICE và đạt nhiều hiệu quả nhất định. 

Đơn cử, TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận tư vấn và thực hiện đón hơn 30 đoàn khách MICE với gần 15.600 lượt khách. Đà Nẵng cũng đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ thu hút khách công vụ năm 2023 bằng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt.

Theo đó, các đoàn khách từ 100 - 299, 300 - 899 và từ 900 khách trở lên và các nhóm khách đặc biệt sẽ được hỗ trợ ở các mức độ khác nhau với các điều kiện kèm theo, bao gồm: Đón tiếp, chào mừng, hỗ trợ truyền thông, sản phẩm lưu niệm địa phương, tư vấn tổ chức sự kiện MICE, các ưu đãi về dịch vụ và vinh danh các đơn vị đưa khách đến Đà Nẵng.

Còn tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Du lịch MICE thành phố Hà Nội” nhằm tìm giải pháp kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và khôi phục thị trường khách du lịch.

Theo đó, Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác, liên kết, nâng cao năng lực tổ chức, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thu hút các sự kiện tổ chức tại TP. Hà Nội, hướng tới phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, hiệu quả, thu hút khách du lịch chất lượng cao.

Phú Yên cũng được xem là điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, với những lợi thế như: Có bờ biển đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, là vùng đất có bề dày văn hóa… Đối chiếu với những điều kiện cần để phát triển loại hình du lịch MICE thì đây là những thuận lợi rất cơ bản.

Đến nay, toàn tỉnh có 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 78 khách sạn, 89 nhà nghỉ và 26 homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch. Tổng số buồng lưu trú du lịch khoảng 6.870 buồng, trong đó có gần 800 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.450 người.

Hàng năm Phú Yên luôn có ít nhất một vài sự kiện tầm quốc gia, khu vực được tổ chức. Gần đây nhất là sự kiện kỷ niệm ngày quốc tế Yoga - Phú Yên 2022; chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam quốc tế 2022 tại Sao Việt; các giải thi đấu thể thao toàn quốc mà Phú Yên là địa điểm đăng cai…

Một vài dẫn chứng như vậy để thấy, du lịch MICE là một cơ hội rất tốt cho thị trường du lịch nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng ở thời điểm hiện tại. Nhu cầu và tiềm năng của du lịch MICE rất lớn, nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ. Cần xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ, tài trợ tổ chức các sự kiện (hỗ trợ chương trình tham quan/vé tham quan, đón tiếp/chào mừng, truyền thông, tư vấn-hỗ trợ thủ tục...); Tăng cường năng lực tham gia đấu thầu và tổ chức các sự kiện quốc tế của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ MICE trong nước; Nghiên cứu, đề xuất thành lập tổ chức xúc tiến phát triển MICE Việt Nam. Đồng thời cũng cần hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top