Du lịch nông nghiệp: “Chìa khóa“ vạn năng

Du lịch nông nghiệp: “Chìa khóa“ vạn năng

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 17/05/2023 - 14:43

 

LTS: Từ nhu cầu thực tế và xu hướng tất yếu phải phát triển du lịch nông nghiệp để khơi dậy nguồn lực đất đai, khai thác đa giá trị không gian cảnh quan, văn hóa nông thôn, hiện đã có chính sách để thúc đẩy loại hình này.

Cụ thể, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nêu quan điểm, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn. Nhưng để đạt được những mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là lợi thế cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần xóa tan được “thành trì” phát triển tự phát, nhỏ lẻ; tháo gỡ các rào cản để thu hút đầu tư vào hạ tầng, bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, có chiến lược. 

Thu hút đầu tư hiệu quả, đánh thức tiềm năng và định vị thương hiệu cho du lịch nông nghiệp, nông thôn là bài toán cần đặt ra và tìm lời giải để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát huy sức mạnh từ nội lực, gia tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo nền tảng cạnh tranh quốc tế.

Sức mạnh nội sinh của Việt Nam chính là nông nghiệp. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là “chìa khóa” vạn năng để ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn, trở thành ngành kinh tế tuần hoàn mang lợi thế chiến lược của quốc gia và để kinh tế nông thôn trở thành động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thu hút đầu tư hiệu quả, đánh thức tiềm năng và định vị thương hiệu cho du lịch nông nghiệp, nông thôn là bài toán cần đặt ra và tìm lời giải để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát huy sức mạnh từ nội lực, gia tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

***************************

Đối thoại Reatimes: Những cánh đồng màu mỡ, những bờ xôi ruộng mật… đã không còn là nơi tạo ra sinh kế đối với không ít nông dân tại nhiều địa địa phương trên cả nước.

Công việc đồng áng đem lại thu nhập thấp, được mùa thì mất giá, không thể đảm bảo cuộc sống khiến lớp lớp lao động từ nông thôn theo làn sóng đi tìm việc làm ở các thành phố lớn hoặc đi xuất khẩu lao động, tìm sinh kế mới.

Không ít ngôi làng, hiện nay chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ. Những đứa trẻ, khi chúng lớn lên và bước khỏi cổng trường, cũng theo dòng người kia đi tha hương. Đằng sau bước chân người đi là những mảnh ruộng bỏ hoang, trơ trụi; là tuổi thơ trống vắng khi thiếu hơi ấm mẹ cha; là những bữa cơm gia đình không trọn vẹn… Đây là một thực tế đáng quan ngại trong bức tranh nông thôn của Việt Nam hiện nay. 

Nhưng cũng trong bức tranh đó, lại có nhiều vùng đất đã và đang phát huy được sức mạnh nội tại của nông nghiệp. Người nông dân có thể làm giàu nhờ nông sản, nhờ môi trường sinh thái, khai thác đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn. 

Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, ruộng muối, vườn hoa quả, vườn rau sạch, sông suối, ao hồ, làng chài, rừng dừa nước... trở thành điểm đến đặc sắc, từ đó, người dân có thể tiếp thị, quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn. Tri thức, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống... được đánh thức. Nhiều vùng sâu, vùng xa đã thoát khỏi cảnh lạc hậu, vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành miền quê đáng sống. Tất cả nhờ vào việc đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

Lê Minh Hoan du lịch nông nghiệp

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 xác định, du lịch nông thôn là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Theo đó, phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Phấn đấu đến năm 2050, nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch nông nghiệp nhấn mạnh, chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhưng để đạt được những mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là lợi thế cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần xóa tan được “thành trì” phát triển tự phát, nhỏ lẻ; tháo gỡ các rào cản để thu hút đầu tư vào hạ tầng, bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, có chiến lược. 

Du lịch nông nghiệp TS Phạm Thanh Tùng

du lịch nông nghiệp

-    Xin chào ông, có phải ông đang trên đường đi xuyên Việt Farmstay?

Ông Phạm Thanh Tùng: Tôi đang dẫn đoàn có hơn 100 thành viên đi khám phá mô hình Farmstay tại 20 tỉnh thành từ TP.HCM ra Hà Nội từ ngày 13/5 - 25/5. Mục tiêu là để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh các điểm đến, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm của các mô hình bất động sản du lịch nông nghiệp, cụ thể là Farmstay nổi bật đã triển khai tại các tỉnh thành, từ đó đánh giá hiệu quả, rút ra bài học và kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần định vị Việt Nam là một điểm đến hàng đầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

-    Farmstay là một hình thức của du lịch nông nghiệp? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Đúng vậy. Farmstay là chỗ ở, nơi nghỉ dưỡng cho du khách khi đến với trang trại để trải nghiệm các công việc hằng ngày của một người nông dân, tận hưởng không gian yên tĩnh, tham gia vào các hoạt động của nông trại. Bản chất của Farmstay phải là một nông trại thực thụ (không phải các mảnh vườn nhỏ kèm theo những căn nhà được phân lô trong một dự án).

Farmstay thường được xây dựng ở những vùng có điều kiện tự nhiên ưu đãi, vùng quê hoặc đồi núi có không gian rộng thoáng, rất phù hợp cho những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm thực tế và độc đáo về nông nghiệp và văn hóa bản địa, vùng miền. Đó là chưa kể Farmstay còn rất phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập… nên được nhiều gia đình trẻ ưa chuộng và lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.

du lich nong nghiep
du lich nong nghiep 2

Du lịch nông nghiệp rất phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập. (Ảnh: Sưu tầm)

Tại Farmstay khách du lịch có thể thử làm nông dân, trực tiếp tham gia vào canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cấy - gặt lúa, trồng cây ăn quả hay rau xanh… Những sản phẩm thu hoạch được có thể sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn tại nơi nghỉ dưỡng. Chủ nhân của Farmstay sẽ nhận được một khoản tiền từ việc cung cấp nơi ở, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và bán sản phẩm từ nông trại cho du khách.

Một dịch vụ du lịch nông nghiệp ấn tượng là một Farmstay tạo ra trải nghiệm của khách hàng xuất phát từ chính tình yêu, sự am tường và thấu hiểu đối với thiên nhiên, cây trồng của người chủ trang trại. Du khách không chỉ cảm nhận sự yêu mến, chào đón khi đến với trang trại mà còn cảm nhận được cả sự biết ơn của chủ trang trại đối với những cây trồng đã mang lại những giá trị cho cuộc sống hiện tại của họ. Chính những yếu tố này đã tạo ra một trải nghiệm xuyên suốt, riêng biệt và độc đáo của chính trang trại đó cho du khách.

Ngược lại, chính việc tạo ra các Farmstay thu hút khách du lịch sẽ thúc đẩy và tạo ra hiệu quả kinh tế cho hình thức nông nghiệp thuận tự nhiên, khai thác tốt hơn tiềm năng, giá trị đất nông nghiệp, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Nếu trước đây, chủ của Farmstay thường là người dân bản địa thì nay, nhiều nhà đầu tư đã góp mặt vào thị trường tiềm năng này. Để có một Farmstay hút khách, nhà đầu tư phải xây dựng được một trang trại sinh thái đẹp, bền vững, ngoài kinh doanh lưu trú còn canh tác nông nghiệp và thu về hoa lợi từ việc sản xuất đó. 

Bên cạnh Farmstay, còn có nhiều hình thức du lịch nông nghiệp, nông thôn khác như: Du lịch canh nông - là những nơi đang làm nông nghiệp, cho khách tới tham quan, trải nghiệm nhưng không lưu trú qua đêm; Du lịch cộng đồng: Gắn với trải nghiệm văn hóa vùng quê; Farmtour: Các tour đi nhiều Farm khác nhau. Ví dụ tour xuyên Việt về trà, tour cà phê, tour tinh dầu…, kết hợp các hội chợ bán sản phẩm OCOP; Du lịch dưới tán rừng: Tắm suối, săn bắt cua cá, hái dược liệu, thiền, yoga… Ngoài ra còn có mô hình nhà nổi, nhà cận kề khu vực sông biển, có các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, câu cá, câu mực đêm…

Du lịch nông nghiệp TS Phạm Thanh Tùng

-    Điểm khác biệt của du lịch nông nghiệp với các loại hình du lịch khác là gì, thưa ông? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Khác biệt lớn nhất là du lịch nông nghiệp gắn chặt với văn hóa bản địa, trong khi các loại hình du lịch khác như nghỉ dưỡng biển chẳng hạn - đang bị module hóa, thiếu tính độc đáo, riêng biệt. Một khách sạn 5 sao ở Việt Nam, hay ở Mỹ, Singapore, Hàn Quốc nếu cùng một thương hiệu thì cơ bản là giống nhau.

Văn hóa là toàn bộ tập tục sinh hoạt, ăn uống, làm việc của người bản địa. Khách du lịch muốn được nhìn thấy, được trải nghiệm những điều đó trong những không gian văn hóa sống động và độc đáo riêng có. Trải nghiệm về văn hóa dù đã được đưa vào trong những mô hình du lịch khác nhau nhưng khó có thể bật lên được và đóng góp vai trò quan trọng như du lịch nông nghiệp. 

Phát triển du lịch cần yếu tố bản sắc văn hóa, và nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế có bản sắc. Nông thôn là nơi lưu giữ một cách trọn vẹn đời sống tinh thần, văn hoá dân tộc, cũng như những giá trị tinh thần cốt lõi. 
-    Theo ông, tại sao Việt Nam cần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp?

Ông Phạm Thanh Tùng: Du lịch nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh sẽ giúp đưa nông sản, không gian và bản sắc văn hóa nông thôn trở thành tài nguyên du lịch.

Tại Mỹ, mỗi năm, người dân nước này chi khoảng 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại. Tại Việt Nam, những năm qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, con người và cuộc sống tại các vùng đất nông thôn.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các vùng đất nông thôn tận dụng tiềm năng của mình để tăng giá trị cho đất đai và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. 

Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu nông sản tại chỗ, tiếp thị tận gốc về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm - đây là vấn đề quan trọng khi nhu cầu về tự bảo vệ sức khỏe của cộng đồng xã hội tại các thành phố lớn ngày càng tăng.

du lịch nông nghiệp

-    Nhu cầu du lịch nông nghiệp có phải là bệ đỡ vững chắc để khơi dậy tiềm năng của lĩnh vực này?
Ông Phạm Thanh Tùng: Nhu cầu trải nghiệm về nông nghiệp, khám phá văn hóa bản địa của khách du lịch quốc tế hiện nay là rất lớn và đang gia tăng. Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%.

du lịch nông nghiệp

Khi môi trường, thiên nhiên được tôn trọng nhiều hơn, con người có xu hướng muốn tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, khám phá những điều mới mẻ của tự nhiên và văn hóa vùng miền gắn với điều kiện tự nhiên đó. Tại các nông trại hay những không gian khác của du lịch nông nghiệp, nhu cầu đó được đáp ứng và truyền tải được những thông điệp về sống xanh, chan hòa với thiên nhiên, điều khó có thể nhìn thấy ở những đô thị xô bồ, đất chật người đông. 

Khách du lịch Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ… khi đến thăm thú những vườn trái cây, những ao cá, những đồng lúa bạt ngàn của Việt Nam, họ rất thích. Họ ồ lên, mắt sáng lên, thấy sung sướng khi được trải nghiệm bằng thị giác, xúc giác, khứu giác và cả vị giác về những điều mới lạ mà ở đất nước họ không có. 

du lịch nông nghiệp

du lịch nông nghiệp

Nhu cầu trải nghiệm về nông nghiệp, khám phá văn hóa bản địa của khách du lịch hiện nay là rất lớn và đang gia tăng.

Đối với khách nội địa, nhu cầu du lịch nông nghiệp cũng thường trực và đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19 - sự ngột ngạt, bí bách của môi trường sống đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với bài toán về chăm sóc sức khỏe đã thúc đẩy xu hướng tìm về những không gian rộng mở, gần với thiên nhiên, cây cỏ hơn. 

Mặt khác, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh trong nhiều năm qua, đi cùng với đó là số lượng người giàu, thu nhập cao tăng lên; tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nhu cầu trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn của các gia đình trung lưu có người già và trẻ nhỏ ở đô thị đang tăng đột biến trong những năm qua. 

Những người hiểu biết và giàu có thường nhận thức về đường dẫn năng lượng vào cơ thể để chăm sóc sức khỏe tốt nhất là ăn uống sạch, hít thở không khí trong lành. Do đó, họ muốn trở về những vùng còn nguyên sơ, chưa bị đô thị hóa tác động như khu vực nông thôn, núi cao. Ở những khu vực này còn có điểm hấp dẫn khác là văn hóa bản địa khác biệt mới lạ. Càng có tiền, người ta lại càng muốn tìm về với thiên nhiên, thưởng thức những món ngon đồng nội, thăm thú những điều mới lạ, độc đáo đồng thời kết hợp với nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. 

Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%. Còn tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn.

Hiện nay cả nước đang có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. 

Như vậy, hiện du lịch nông nghiệp đã được phát triển trên mọi miền đất nước, sản phẩm du lịch nông nghiệp đã trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông ngiệp của vùng miền. 

du lịch nông nghiệp

-    Ngoài sự gia tăng về nhu cầu, còn yếu tố nào khác thúc đẩy sự phát triển của du lịch nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua, thưa ông? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Trước đây, hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa phát triển, nên chưa kích thích được nhu cầu đi lại và khám phá của người dân từ vùng miền này đến vùng miền khác, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa. Còn hiện nay, hạ tầng giao thông cơ bản đã được đầu tư phát triển rất đồng bộ, đủ các loại hình từ đường bộ cao tốc, tỉnh lộ, đường xương cá, đường sắt, hàng không… và còn tiếp tục được mở rộng phát triển thêm nữa. Do đó, vấn đề kết nối giữa các địa phương, vùng miền đã không còn là rào cản. Nên cũng có thể khẳng định, hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố tác động đến sự phát triển của du lịch nông nghiệp, khi khách du lịch dễ dàng ra quyết định hơn trong việc lựa chọn điểm đến là khu vực nông thôn ở đồng bằng, biển đảo hay núi cao. Kể cả những vùng sâu vùng xa có những đặc sắc ẩm thực nông nghiệp và môi trường cảnh quan, khí hậu tốt đã không còn khó khăn để phát triển như trước đây, hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách. 

Thói quen về di chuyển khi đi du lịch đã thay đổi. Một kỳ nghỉ ngắn nhưng có thể tái tạo năng lượng, giúp khỏe khoắn trở lại và còn khám phá thêm được những điều mới mẻ, không mất nhiều thời gian đi lại như trước thì không có lý do gì để những người có tiền, có thời gian không lựa chọn trải nghiệm. 
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cũng đang trở thành trợ lực quan trọng để thúc đẩy du lịch nông nghiệp đi lên. Vai trò và tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp đã và đang được nhận thức một cách đầy đủ hơn. Tiềm năng của du lịch nông nghiệp sẽ được đánh thức tùy vào mức độ can thiệp và điều hướng của chính sách. 

du lịch nông nghiệp

-    Hiệu quả mà du lịch nông nghiệp mang lại đã được chứng minh trên thực tế, nhưng liệu rằng còn hạn chế, rào cản nào khiến cho lĩnh vực này chưa thực sự phát triển xứng tầm với tiềm năng của một nước có thế mạnh vượt trội về nông nghiệp như Việt Nam, thưa ông? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Một trong những điểm hạn chế của du lịch nông thôn hiện tại là ít cơ sở lưu trú chất lượng để lưu giữ khách ở lại lâu hơn mà phần nhiều là nhà ở của người dân. Tiềm lực đầu tư hạn chế và vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa tạo ra bức tranh du lịch nông nghiệp tổng thể. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để thu hút đầu tư. Đơn cử như, theo quy định hiện hành, đất nông nghiệp không được xây nhà. Vậy để tạo cơ sở lưu trú tốt cho du lịch nông nghiệp thì có cần cởi mở hơn trong vấn đề này không? Trong một nông trại, có bao nhiêu phần được xây nhà đón khách? Nếu được phép xây thì xây như thế nào, dựa trên quy hoạch ra sao? Sau khi xây thì quản lý, vận hành ra sao? Rõ ràng phải gọi tên, định danh các mô hình bất động sản du lịch nông nghiệp và hành lang pháp luật để quản lý. Từ các luật đến nghị định, thông tư phải thống nhất một tên gọi, liên thông với nhau. Tránh để tình trạng như condotel, có thời kỳ phát triển rầm rộ, thu hút được nguồn lực đầu tư nhưng vì thiếu hành lang pháp lý dẫn đến đổ vỡ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả địa phương; dù kiến nghị tháo gỡ rất nhiều năm nhưng đến nay cũng mới chỉ khơi thông được một phần. 

Du lịch nông nghiệp TS Phạm Thanh Tùng

Rõ ràng, hiện nay khái niệm du lịch nông nghiệp vẫn chưa được làm rõ và thống nhất. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, đây chỉ là một phần nhỏ của ngành du lịch, thậm chí còn chưa phải là “một gạch đầu dòng”. Còn không ít người làm nông nghiệp cũng chỉ mong sao bán thêm được nhiều rau củ quả, chưa thực sự nhận thức được vai trò của dịch vụ du lịch đối với sự phát triển bền vững của ngành này. 

Không chỉ đơn thuần là mượn du lịch để thúc đẩy nông sản hay ngược lại chỉ là một gạch đầu dòng trong phát triển du lịch. Du lịch nông nghiệp còn rộng hơn thế khi nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản và lâm nghiệp, tức là gần như bao trùm lên toàn bộ địa hình lãnh thổ Việt Nam. 

Để phát triển được du lịch nông nghiệp tương xứng với tiềm năng, hướng tới phát triển bền vững, đòi hỏi phải tạo ra một cơ chế chính sách và hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Đây không chỉ là chuyện riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mà còn của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Chính sách, pháp luật cần có tính thực tiễn và có sự đồng bộ giữa các ngành với nhau, để tránh sự chồng chéo, khi thực thi theo luật này lại giẫm lên luật kia. Chính sách phải đi từ thực tiễn, không thể cho ra những chính sách kiểu bàn giấy.  

Mặt khác, cũng cần sớm đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn vào trong tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia, dựa trên giá trị cảnh quan nông thôn, tài nguyên nông nghiệp, các giá trị văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc… 

Khi có hành lang pháp lý, đặc biệt là về cơ chế đất đai, định danh các loại hình bất động sản mới như Farmstay và một quy hoạch tốt thì mới có thể thu hút đầu tư để khơi dậy tiềm năng của du lịch nông nghiệp. 

du lịch nông nghiệp

-    Theo ông, vì sao cần thúc đẩy thu hút đầu tư vào du lịch nông nghiệp? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Muốn phát triển bài bản, chuyên nghiệp hóa, thì tất yếu phải thu hút đầu tư, tạo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thương mại, dịch vụ cho khu vực nông thôn. Nếu không sẽ khó tránh khỏi tình trạng tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, kém hiệu quả, không tạo ra được những sản phẩm tốt, đa dạng, liên tục, đáp ứng nhu cầu thường xuyên của du khách, không có kết nối với thị trường, không ổn định sản xuất. Tính bền vững thấp. 

Nếu du lịch nông nghiệp không được định vị thì sẽ khó thu hút được đầu tư và ngược lại nếu thiếu sự đầu tư thì du lịch nông nghiệp cũng không có nguồn lực và sự hỗ trợ để phát triển. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư hiện nay đang nhầm tưởng khái niệm và bản chất của hai chữ “đầu tư” mà chủ yếu là đầu cơ - tức là chỉ có mua đi bán lại, đẩy giá đất đai. Trong “99” nhà đầu cơ thì chỉ có 1 nhà đầu tư - là người sử dụng đất cuối cùng, tạo ra giá trị thực trên mảnh đất đó. 

Để có nguồn lực cho sự phát triển bền vững thì người tham gia đầu tư phải là nhà đầu tư thực thụ. Nếu chỉ thu hút đầu cơ thì khu vực đó không thể phát triển được, trong khi giá đất lại bị thổi lên rất nhiều so với giá trị thực, gây hệ lụy lâu dài cho phát triển kinh tế. 

Vậy, muốn thu hút và thúc đẩy đầu tư thực sự vào du lịch nông nghiệp thì chính quyền địa phương phải là người cầm trịch, có sự dẫn dắt từ tổng thể để kiến tạo và phát triển. Tư tưởng của chính quyền phải là người kiến tạo, am hiểu và sâu sát, từ đó phân định rõ ràng nên thu hút đầu tư vào đâu và để cho các nhà đầu tư làm gì. Còn hiện nay, nhiều địa phương đang bị dẫn dắt bởi các nhà đầu cơ. Tức là có những dự án được cấp phép xong nhưng rất nhiều năm không triển khai được gì, chỉ có sự chuyển nhượng qua lại để thu lợi. Vùng đất đó không những không phát triển đúng hướng mà còn bị “băm nát” hoặc bỏ hoang. Khi mảnh đất đó đến tay nhà đầu tư thực thụ thì giá đất đã lên cao. 

Đầu tư không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là trí tuệ, là cách làm để tạo ra giá trị thực trên đất, từ đó tạo đầu kéo cho phát triển kinh tế và đóng góp cho địa phương. Nếu chính quyền không kiến tạo mà ngược lại còn bị dẫn dắt bởi các nhà đầu cơ thì không chỉ kìm hãm nguồn lực phát triển mà còn tước đi cơ hội của những nhà đầu tư thực thụ muốn tham gia vào để phát triển khu vực đó. 

Du lịch nông nghiệp TS Phạm Thanh Tùng

-    Như vậy, việc phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp cũng cần hướng tới sự bền vững chứ không đơn thuần là vấn đề mua bán, hưởng chênh lệch? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Năng lực của nhà đầu tư rất quan trọng. Khi đầu tư vào lĩnh vực này, cần phải để lại điều gì đó cho thế hệ sau. Tư duy phát triển cần hướng tới dài hạn, bền vững, không đầu tư theo cách “ăn xổi”. Phải đầu tư cả trí tuệ để tạo ra giá trị trên đất là nông sản, là dịch vụ du lịch chứ không chỉ mua đất rồi để đó và bán đất khi giá tăng lên. 

Để phát triển được du lịch nông nghiệp thì tất nhiên nông nghiệp phải là nền tảng. Phải có sản xuất, có sản phẩm thì mới kích thích được du lịch, dịch vụ. Nhưng muốn làm được, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải sạch để giữ môi trường sạch, nguồn nước sạch và tạo ra nông sản sạch. Cần hạn chế tối đa và tiến dần đến chấm dứt tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu có gây hại, ảnh hưởng đến môi trường theo hướng ngăn chặn từ đầu vào, khuyến khích nông dân sử dụng các biện pháp khác để triển khai sản xuất theo hướng hữu cơ. 

Bên cạnh đó, cần lưu ý vấn đề quy hoạch để việc đầu tư xây dựng các bất động sản du lịch nông nghiệp như Farmstay, hay bất động sản lưu trú khác tại vùng nông thôn như homestay, biệt thự nghỉ dưỡng… không phá vỡ cảnh quan sinh thái và không làm ảnh hưởng đến không gian văn hóa nông thôn. 

Mỗi địa phương có những điểm địa lý, địa hình, đặc tính sản xuất nông nghiệp và đặc sắc văn hóa riêng, vì vậy việc thiết kế Farmstay cần dựa vào những đặc điểm trên để tạo ra một Farmstay chuẩn nhất, phù hợp với kiến trúc cảnh quan và văn hóa đa dạng của từng vùng miền nhằm thu hút khách du lịch tốt hơn.

du lịch nông nghiệp

-    Giá trị mà các nhà đầu tư có thể thu được khi tham gia vào phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là gì, thưa ông? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Có thể khẳng định, du lịch nông nghiệp phát triển mở ra cơ hội để đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp. Đây là loại hình bất động sản mới. Tính mới là một tiềm năng biên độ tăng trưởng của giá đất so với các ngành bất động sản khác còn cao khi chi phí đất đai đầu vào thấp, chưa có nhiều người tham gia vào mua đi bán lại. Càng tham gia sớm thì càng có lợi thế, dư địa phát triển. 

Dòng tiền khai thác của bất động sản du lịch nông nghiệp rất tốt. Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cũng có dòng tiền từ việc cho thuê lưu trú, nhưng bất động sản du lịch nông nghiệp có đa dạng nguồn thu hơn. Từ một diện tích đất có thể tạo ra nhiều giá trị nguồn thu khác nhau, bao gồm: Nguồn thu từ dịch vụ lưu trú du lịch; trải nghiệm nông nghiệp - như học nấu ăn, trồng cấy, thu hoạch nông sản, chiết xuất tinh dầu, nhuộm vải tự nhiên, đan lát…; sản phẩm nông nghiệp trên đất - nếu biết làm thương hiệu, giá trị nông sản bán tại chỗ có thể cao gấp nhiều lần so với cách làm thông thường; và giá trị bất động sản - thông qua các hợp đồng góp vốn đầu tư. 

Du lịch nông nghiệp TS Phạm Thanh Tùng

Nhiều nhà đầu tư không hiểu rõ bản chất của bất động sản du lịch nông nghiệp như farmstay nên không làm đúng mô hình, bỏ tiền vào những vị trí không tạo ra sự phát triển bền vững. Ví dụ như đầu tư quá nhiều tiền vào phần “stay”- phần nghỉ ngơi, nhưng phần đó mang lại nguồn thu thấp, đôi khi phải đến 10 năm mới thu hồi lại vốn. Nguồn thu từ nông sản và các kịch bản trải nghiệm mới là nguồn thu lớn cho farmstay.

du lịch nông nghiệp

-    Về triển vọng phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới, ông có nhận định gì? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Các dòng vốn đầu tư trên thế giới hiện nay đang hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nhiều hơn bởi nhu cầu của con người không còn muốn sử dụng những sản phẩm mang tính công nghiệp, mà lựa chọn cho sức khỏe, môi trường nhiều hơn. Phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch có thể tạo đột phá về tăng trưởng xanh và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Môi trường khí hậu thuận lợi với lượng mưa lớn, độ ẩm cao, không có tuyết…  tạo ra một kho tàng nông sản phong phú cho Việt Nam. Đó là những vựa lúa bạt ngàn nơi đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, những vựa cafe, hồ tiêu nơi Tây Nguyên đất đỏ, những vườn cây ăn quả quanh năm tại miệt vườn Nam Bộ, những thửa ruộng bậc thang độc đáo nơi vùng cao Tây Bắc... Lợi thế ít quốc gia có được là Việt Nam có thể phát triển được cả sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. 

Tài nguyên thiên nhiên, môi trường khí hậu, sự phong phú về nông sản… của Việt Nam quá đỗi tiềm năng và vẫn còn dư địa rộng lớn cho phát triển du lịch nông nghiệp. Thổ nhưỡng, văn hóa, truyền thống nông nghiệp đúc kết hàng nghìn năm, hiểu biết về cây trồng của những người nông dân các vùng miền… là những yếu tố gây ấn tượng, gây thương nhớ, kích thích cảm xúc của du khách. Tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ những ưu thế đó chính là sức mạnh tiềm tàng của Việt Nam. Nguồn lực để phát triển đã có, điều quan trọng là làm sao để khơi dậy được.

Du lịch nông nghiệp TS Phạm Thanh Tùng

-    Ông hình dung như thế nào về một Việt Nam trong tương lai khi việc phát triển du lịch nông thôn thực sự trở thành một động lực quan trọng? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Tại Nghị quyết 19 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng thứ XIII ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lần đầu tiên Đảng ta xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, điều này đã mở ra tư duy mới về tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Rõ ràng, cạnh tranh quốc tế của du lịch của Việt Nam phải là nông nghiệp. Các lợi thế cạnh tranh khác không thể sánh bằng, vì không chỉ có mỗi Việt Nam có như biển đẹp, núi cao…

Sản phẩm nông nghiệp đa dạng như vậy, sản phẩm du lịch đương nhiên sẽ đa dạng và thậm chí có những sản phẩm là có một không hai trên thế giới. Khách du lịch có thể đi hoài đi mãi, từ năm này đến năm khác, đi hết một đời cũng chưa chắc khám phá hết kho tàng nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam. 

Khi cạnh tranh quốc tế bắt đầu từ nông nghiệp, thì giá trị nông sản tăng, chất lượng nông sản cũng tăng, môi trường nông thôn cũng phải trở nên sạch đẹp hơn vì phải thay đổi theo hướng tốt lên mới thu hút được du khách. Rừng được trồng nhiều hơn, cây trái nhiều hơn, môi trường sinh thái tốt hơn, không khí trong lành hơn… đó là tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Thúc đẩy được du lịch nông nghiệp đúng bản chất và quảng bá được, hỏi rằng, những trí thức toàn cầu có muốn đến Việt Nam không, người dân thành thị có quay trở lại nông thôn, tìm kiếm và khơi dậy những miền quê đáng sống hay không? Giới tài phiệt, trí thức trên thế giới lựa chọn Việt Nam làm nơi lưu trú dài hạn thì Việt Nam là ai? Rõ ràng, chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới của nước ta phải là nông nghiệp. 

Có thể khẳng định, hiện tại là thời điểm tốt để đầu tư một cách xứng đáng vào du lịch nông nghiệp nói chung và bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng.

-    Trân trọng cảm ơn ông!

Du lịch nông nghiệp

Tài nguyên nông nghiệp dồi dào là lợi thế cạnh tranh chiến lược của Việt Nam. (Ảnh: Sưu tầm).

Nguyên Hà

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top