Kèm theo đó là sự thay da đổi thịt của những vùng quê nghèo và cuộc đổi đời của nhiều số phận.
Anh Trần Chí Linh
1.Sinh ra tại mũi Cà Mau, từ lúc đáng lẽ chỉ phải lo ăn, lo học, Trần Chí Linh đã phải đi kéo lưới thuê cho các chủ tàu, chủ ghe để kiếm tiền nuôi thân, phụ giúp gia đình. Ở vùng biển nghèo này, ngoài nghề chài lưới, không có nhiều lựa chọn khác. Lấy vợ, sinh con, Linh cũng chỉ biết kéo lưới thuê để lo cho gia đình.
Công việc của Linh hàng ngày bắt đầu khi mặt trời lặn và kết thúc lúc bình minh lên. Chỉ những khi trời trăng, không có cá, ghe mới vào bờ hay lúc ghe lên ụ, anh mới được nghỉ. Tháng nào may mắn trúng, anh được chủ ghe trả 5 đến 6 triệu, tháng nào ghe lỗ, cả nhà chạy ăn từng bữa.
Thấy cuộc sống bấp bênh, vợ chồng anh khăn gói, dắt díu nhau lên Đồng Nai, xin vào làm thuê trong xưởng gỗ. Dù làm việc miệt mài, tăng ca đến 7 – 8h tối, lương hai vợ chồng vẫn không trả nổi đủ thứ tiền ăn uống, thuê trọ, chi phí sinh hoạt… Hai đứa con, đứa 4 tuổi, đứa lên 2 phải nhờ các sơ ở nhà thờ chăm nuôi giúp.
Hai năm xa quê, dù chắt bóp thế nào, cuộc sống vẫn không thể no đủ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Trần Chí Linh quyết chí đưa cả nhà về quê mẹ vợ - đảo Hòn Thơm, quay trở lại nghề đi biển và ai thuê gì cũng làm.
Có lần tình cờ được nhận vào làm thuê tại công trường Sun World Hon Thom Nature Park, biết bộ phận cây xanh đang cần tuyển người, hai vợ chồng liền xăm xắn nộp hồ sơ. Hơn một năm đã trôi qua, giờ ngẫm lại, Trần Chí Linh khẳng định, đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời anh.
Từ ngày vào làm ở khu du lịch, cuộc sống gia đình anh như bước sang một chương mới. Thu nhập ổn định, không còn cảnh lo chạy ăn từng bữa trong mùa mưa bão, biển động như trước. Nhưng vui hơn cả là cả anh chị đều được chính sách bảo hiểm, phúc lợi đầy đủ, an tâm làm việc. “Đã qua rồi quãng thời gian chỉ lo mình bị ốm đau, bệnh tật, tiền công chả bù nổi thuốc men. Nói dại, lỡ có xảy ra chuyện gì trên biển, thật không biết gia đình em sẽ ra sao? Bây giờ em chỉ mong có sức khỏe để được làm việc, gắn bó suốt đời với khu du lịch thôi”, anh Linh chia sẻ.
Anh Đặng Văn Bình
2.Quê An Giang, anh Đặng Văn Bình lặn lội ra Hòn Thơm từ năm 1996, cái thời mà cả huyện đảo Phú Quốc đều vô cùng hoang sơ, không điện, đường, trường trạm, chỉ lác đác vài túp lều tranh, nhà tôn tạm bợ, dân cư thưa thớt. Cũng giống như bao người dân đảo khác, ngoài bám biển mưu sinh, anh Bình chẳng còn sự lựa chọn nào. Mùa biển yên sóng lặng, anh đi ghe mướn cho người ta, tháng được tháng không. Quần quật từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau, ban ngày rảnh rỗi, anh em lại tụ tập chè chén. Cuộc sống không phương hướng cứ thế trôi vô định.
Mùa biển yên thì thế, mùa mưa bão, anh lại lên bờ làm thuê, từ đục đá, khuân vác đất cát cho đến bốc xếp, phụ việc ở xưởng sản xuất nước đá...
Cuộc sống càng bế tắc hơn khi 5 năm trước, vợ anh được chẩn đoán bị bướu cổ, không đi làm được, phải ở nhà trông con. Cả nhà trông vào đồng lương làm thuê còm cõi của anh. Đã có lúc anh đã muốn buông xuôi tất cả.
Nhưng rồi, ánh sáng cuối đường hầm bất ngờ đến, khi anh được người quen giới thiệu vào làm cho bộ phận cây xanh tại tổ hợp du lịch Sun World Hon Thom Nature Park của Sun Group. “Từ ngày vào làm ở đây, thu nhập ổn định, chế độ đãi ngộ tốt, cuộc sống của gia đình tôi đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Nếu không có công việc ở đây, tôi cũng không biết xoay xở như thế nào để lo cho gia đình nữa” - anh Bình xúc động bày tỏ.
Anh Trần Văn Long (trái)
3.“Nhanh thật, chớp mắt đã gần 4 năm trôi qua”, anh Trần Văn Long – đội trưởng đội bảo vệ Sun World Hon Thom Nature Park mở đầu buổi trò chuyện với tôi bằng câu nói ấy. Gắn bó với khu du lịch ngay từ những ngày đầu, đối với anh Long, bốn năm qua là một quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
Trước khi đến với Sun World Hon Thơm Nature Park, anh Long cũng lăn lộn đủ nghề, tự làm ăn kinh doanh. Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười khi việc làm ăn liên tiếp thất bại, anh đâm ra chán nản, không thiết tha làm gì nữa.
Cuối năm 2014, anh tình cờ được nhận vào làm tại khu du lịch với vị trí khởi đầu chỉ là một nhân viên bảo vệ bình thường. Chăm chỉ, tận tâm, cống hiến quên mình, chỉ một năm sau, anh Long đã được ban lãnh đạo tin tưởng bổ nhiệm vị trí ca trưởng, sau đó là đội phó đội bảo vệ và cuối cùng là đội trưởng. Từ nhân viên trở thành người quản lý, anh Long mỉm cười chia sẻ, điều quý nhất mà anh nhận được ở đây không chỉ là có tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình sung túc hơn, mà còn là cơ hội được học hỏi, trưởng thành và đóng góp được điều gì đó, dù rất nhỏ bé, cho quê hương của anh.
Cáp treo Hòn Thơm
Ga đến cáp treo Hòn Thơm
Khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park (3)
Vợ chồng Trần Chí Linh, anh Đặng Văn Bình hay anh Trần Văn Long chỉ là số ít những người dân nghèo có cơ hội được đổi đời nhờ có công ăn việc làm ổn định tại các công trình du lịch trên đảo Phú Quốc. Những năm gần đây, du lịch huyện đảo ngày càng khởi sắc. Từ chỗ chỉ có vỏn vẹn chỉ có 239.000 lượt khách đến Phú Quốc vào năm 2010, đến tháng 11/2018, đảo Ngọc đã đón tới hơn 3,7 triệu lượt khách, cao hơn 11 lần. Các công trình du lịch tầm cỡ, sự hiện diện của những Tập đoàn lớn như Sun Group, đã không chỉ thúc đẩy du lịch đảo Ngọc, mà còn góp phần đổi thay nhiều phận đời.