Thập niên thứ hai của thế kỷ 21 sắp kết thúc. Hai thập kỷ cũng là chừng ấy khoảng thời gian du lịch dần trở thành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một điều dễ hiểu khi mà trên khắp dải đất hình chữ S này, có vô số cảnh đẹp và những nét văn hoá đặc sắc, có một không hai.
Từ những thế mạnh ấy, Việt Nam đã vượt lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhất trên thế giới. Tuy vậy, vẫn còn một câu hỏi đặt ra: Cách thức mà Việt Nam khai thác những giá trị tự nhiên - con người sẽ phải thay đổi ra sao để vừa có thể giữ vững đà phát triển du lịch, vừa bảo tồn được các giá trị nói trên, đồng thời đem lại lợi ích công bằng cho tất cả các bên tham gia.
Một việc sáng suốt nên làm trong thời điểm chuyển giao như lúc này là nhận tư vấn từ các chuyên gia. Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Gilles T. Cooper, đồng Tổng Giám đốc Công ty luật Duane Morris Việt Nam, một người với hai mươi năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài cách thâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn kinh doanh du lịch nước ngoài có tên tuổi.
Không chỉ vậy, Gilles T. Cooper còn là một người ưa thích sự dịch chuyển và đã đi dọc khắp dải đất hình chữ S này. Từ trải nghiệm trên bàn đàm phán và những con đường bụi bặm, ông Cooper đã rút ra được một số nhận định của riêng mình về ngành du lịch Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng.
Triển vọng tích cực
Khi được hỏi về triển vọng hiện tại của du lịch Việt Nam, ông Cooper trả lời: "Ngành du lịch Việt Nam đang ở trong tình trạng rất tốt. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm Việt Nam tăng đều theo từng năm. Nếu có một điểm mà các bạn cần chú ý hơn thì đó sẽ là việc số lượng khách quay trở lại Việt Nam đáng lẽ ra có thể cao hơn mức hiện nay”.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nhà quan sát, trong đó có Chính phủ Việt Nam. Nên ngành du lịch của nước ta đã tiến nhiều bước dài kể từ khi đổi mới, và hiện nay, đang đóng góp một phần đáng kể cho nền kinh tế. Cụ thể, trong năm 2018, lợi nhuận thu được từ du lịch đạt mức 620 nghìn tỷ đồng.
Lời khuyên của tôi là Chính phủ Việt Nam hãy tiếp tục phát huy việc tạo điều kiện để các phương tiện truyền thông nước ngoài nói nhiều hơn đến đất nước của các bạn.
Gilles T. Cooper, đồng Tổng Giám đốc Công ty luật Duane Morris Việt Nam
Tuy vậy, theo ông Cooper, vẫn còn một số trở ngại ngăn cản khách du lịch quay trở lại Việt nam lần thứ hai, thứ ba...
Lấy ví dụ như thủ tục xin visa. Tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, đơn cử như Thái Lan, khách du lịch chỉ cần một buổi sáng để hoàn thành thủ tục và nhận visa. Nếu so sánh thì quá trình xin thị thực tại Việt Nam vẫn còn tốn quá nhiều thời gian, kể cả khi nhà nước đã có chính sách tinh giản thủ tục hành chính và cho đặt quầy cấp visa ở ngay sân bay.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ ký kết các hiệp định với các quốc gia khác để mở rộng diện công dân nước ngoài được miễn thị thực.
Ngoài việc giải quyết dần dần các vấn đề nói trên, Việt Nam cũng đang tập trung nguồn lực vào việc quảng bá hình ảnh nước ta trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Bước đầu, nỗ lực này đã có hiệu quả, những cảnh đẹp Việt Nam như hang Sơn Đoòng và vịnh Hạ Long đã trở nên quen thuộc hơn với người nước ngoài thông qua các phương tiện như chương trình talk show "Good Morning America" hay bộ phim "Kong: Đảo đầu lâu".
“Những nỗ lực truyền thông quảng bá hình ảnh của Chính phủ Việt Nam rất đáng hoan nghênh. Ngày nay bạn có thể chỉ cần ngồi trong phòng khách sạn tại New York, bật tivi lên và thấy ngay hình ảnh Việt Nam trên kênh CNN", ông Cooper cho hay.
"Một việc mà Việt Nam nên xem xét là tạo dựng chiến lược chung tổng hợp được những hoạt động quảng bá hình ảnh riêng lẻ như xin cấp danh hiệu "Di sản văn hoá thế giới" từ UNESCO, tổ chức các chương trình nghệ thuật ở nước ngoài... Không chỉ thu hút được khách nước ngoài, mà việc có một chiến lược truyền thông đồng bộ sẽ gây ấn tượng tốt trong lòng những nhà đầu tư bất động sản quốc tế đang rất sẵn sàng chi hàng tỷ USD phát triển cơ sở vật chất du lịch - nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Về phần mình, đã đến lúc các nhà luật cần tìm cách sử dụng quyền hạn để lập ra một khuôn khổ pháp lý đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Việc phát triển cơ sở vật chất du lịch - nghỉ dưỡng mà không có quy hoạch đang góp phần huỷ hoại cảnh quan địa phương.
Đơn cử như trường hợp của Sa Pa - vốn là một thị trấn yên tĩnh, có phần hoang sơ, ngày nay khó có thể phân biệt Sa Pa với các thành phố dưới xuôi chật chội, bụi bặm, nhà nối nhà. Không những chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà ngay cả tiềm năng du lịch của địa phương đấy cũng sẽ biến mất hoàn toàn", ông Cooper phát biểu.
“Tôi không biết đến bất kỳ bộ luật nào dành riêng cho việc quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp du lịch với tự nhiên và cộng đồng địa phương. Các quy định này được phân bố trong nhiều bộ luật khác nhau... Chính quyền địa phương cũng có nghĩa vụ kiểm tra lịch sử hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình xem xét hồ sơ dự án. Chính quyền hoàn toàn có quyền từ chối nếu trong quá khứ doanh nghiệp đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, tái định vu..."
Ngài Gilles T. Cooper đề xuất rằng các cấp quản lý tại Việt Nam có thể cố gắng hơn hiện nay để tạo hài hoà giữa động lực tăng trưởng du lịch và bảo vệ các giá tị tự nhiên - văn hoá địa phương, bắt đầu từ việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Nhờ thế mà tiếng nói của tất cả các bên mới được lắng nghe, và họ có thể cùng đi đến một giải pháp bền vững và công bằng.
Xu hướng chuyên môn hoá
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến xu hướng các cơ sở nghỉ dưỡng và cung cấp dịch vụ thay đổi từ nhân viên đến hệ thống thanh toán để phục vụ các khách hàng nước ngoài tốt hơn - tại các thành phố du lịch Duyên hải Trung Bộ ngày nay, khách du lịch Trung Quốc có thể dễ dàng giao tiếp bằng tiếng Trung và sử dụng tiền Nhân dân tệ để thanh toán.
Mặt khác thì một số điều tra đã chỉ ra các lứa tuổi, giới tính, quốc tịch khác nhau, khách thường lựa chọn những địa điểm và hình thức du lịch khác nhau, ví dụ như người trẻ ít khi đi theo tour nữa mà chọn du lịch "bụi". Có vẻ như là chuyên môn hoá sẽ là xu hướng trong tương lai của du lịch Việt Nam.
“Tôi không nghĩ là thị trường du lịch Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi một cách đột ngột. Các doanh nghiệp sẽ mở rộng các sản phẩm của mình để thu hút càng nhiều đối tượng khách hàng càng tốt... Ngoài ra, bất kỳ người nước ngoài nào tới Việt Nam cũng nên dành thời gian khám phá toàn bộ đất nước các bạn. Điều làm tôi hứng thú nhất khi du lịch khắp Việt Nam là được gặp những con người thân thiện và hiếu khách”.
Ông Cooper cũng đề cập tới khó khăn của các doanh nghiệp du lịch trong việc thu hút giới trẻ, vì trên thế giới hiện nay những người từ 18 - 30 tuổi đang có xu hướng du lịch ngắn ngày hay dành ngày nghỉ ở nhà. Tuy vậy, các doanh nghiệp nên giữ thái độ tích cực và coi đây như một cơ hội làm mới mình.
Một phân khúc thị trường du lịch đang được nói nhiều tới là thể thao. Tuy khả năng sinh lời từ loại hình du lịch này là rất lớn, rủi ro cũng không hề nhỏ. Ngay cả các nước phát triển như Tây Ban Nha, Nga và Hy Lạp cũng phải gánh những khoản nợ khổng lồ sau những sự kiện thể thao quốc tế như Olympics và World Cup.
Chính phủ các nước này phải vay những khoản tiền rất lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng sau đó những sân vận động, làng vận động viên... của họ không thể thu hút thêm bất kỳ sự kiện nào nữa, dẫn đến cảnh buộc phải bỏ hoang. Hy vọng là trường hợp tương tự sẽ không xảy ra sau Olympics Tokyo 2020 sắp tới.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2006 - 2010 có một cuộc đua giữa các địa phương trong việc xây dựng sân golf. Nhiều chính quyền địa phương đã nới lỏng quy định và đưa ra các gói hỗ trợ tài chính chỉ để thu hút doanh nghiệp đến xây sân golf.
Tuy nhiều sân golf trong số đó vẫn còn hoạt động và thu lời cho đến tận hôm nay, không ít trường hợp đã thất bại thảm hại. Cả chính quyền và doanh nghiệp đã đánh giá sai số lượng khách hàng chó nhu cầu và khả năng chơi golf tại Việt Nam. Và khi khách hàng có quá nhiều lựa chọn, thì họ sẽ tìm đến các sân golf dễ di chuyển đến, có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, và kết nối được với những hình thức du lịch - nghỉ dưỡng khác tại địa phương.
Một bài học rút ra từ hai ví dụ kể trên là chính phủ nên lựa chọn riêng một số khu vực nhất định để phát triển ngành du lịch thể thao. Các doanh nghiệp hãy dừng việc xây dựng sân vận động, nhà thi đấu... theo một cách riêng lẻ, manh mún, mà hãy làm theo một quy hoạch tổng thể, có mục tiêu rõ ràng.
Một ví dụ tiêu biểu cho cách tiếp cận này là Nha Trang. Nhờ vào những nỗ lực của chính quyền và khu vực tư mà địa phương này đang dần trở thành điểm đến của các hoạt động thể thao bãi biển (bóng chuyền, đua thuyền...) trong và ngoài nước.
Thị trường công viên giải trí cũng được chính phủ và các doanh nghiệp để tâm. Trong vòng mười năm trở lại đây, các công viên giải trí như Vinpearlland Water Park Royal City, Bà Nà Hills, Sun World Đà Nẵng, Vinpearl Safari Phú Quốc... đã mọc lên trên khắp Việt Nam. Nhu cầu về công viên giải trí trong dân là có thật; tuy thế, đến nay chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư vào phân khúc thị trường du lịch này.
Ông Cooper chia sẻ: “Các doanh nghiệp nội địa sẽ luôn là bên nhanh nhậy hơn trong việc nắm lấy xu hướng mới trên thị trường, đặc biệt là các xu hướng liên quan đến loại hình du lịch chuyên biệt như công viên giải trí. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn có thể thấy khả năng các doanh nghiệp quốc tế tham gia thị trường này tại nước các bạn. Có lẽ trong một ngày không xa, chúng ta có thể thấy các tập đoàn nước ngoài liên kết với doanh nghiệp trong nước để xây dựng công viên giải trí ở Việt Nam".
Cho dù là thị trường nào đi nữa, nhà đầu tư và doanh nghiệp hãy tìm hiểu thật kỹ tình hình và triển vọng trước khi tiến hành chuyên môn hoá. Đây có thể là một quá trình lâu dài và tốn kém, nhưng cũng là việc buộc phải làm nếu nhà kinh doanh muốn tiếp tục tồn tại trên một thị trường du lịch Việt Nam đang thay đổi từng ngày.