Aa

Dự Luật PPP: Làm sao quy được trách nhiệm, kiểm soát quyền lực

Thứ Tư, 11/09/2019 - 06:09

Cần làm sao đảm bảo không bỏ qua các cơ hội đầu tư có lợi, nhưng cũng không thực hiện các dự án tồi…

Theo chương trình dự kiến, chiều ngày 16/9 tới đây, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng đây là đạo luật quan trọng với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn nhưng ngân sách khó khăn, đi vay thì sợ rơi vào bẫy nợ.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm tới đạo luật này”, ông Tuấn cho biết.

Thông tin từ ông Tuấn cho thấy bên “cầu” và bên “cung” đều tỏ ra dễ dàng hợp tác để cùng phát triển các dự án PPP. Tuy nhiên, đánh giá chung từ phía doanh nghiệp là hiện môi trường đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam rất rủi ro - một rào cản đối với việc thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Trên thực tế, để kêu gọi tư nhân đầu tư vào dự án PPP thì các cơ chế khuyến khích, ưu đãi dường như là chưa đủ, mà nhà đầu tư tư nhân còn cần Nhà nước phải sòng phẳng với họ, trước hết là phải tôn trọng hợp đồng.

Ở điểm này, ông Tuấn nêu một ví dụ rất đáng quan tâm: Cây cầu do doanh nghiệp bỏ vốn ra làm đã hoàn thành, nhưng đường dẫn lên cầu thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước thì mấy năm mới xong. Vậy, thời gian cây cầu không đưa vào khai thác do không có đường lên cầu thì ai chịu?

Ảnh minh họa.

Hay có trường hợp một số cơ quan đưa ra yêu cầu bổ sung đối với chủ đầu tư và trái với nội dung hợp đồng, và cho rằng hợp đồng đó do cơ quan khác ký nên không ràng buộc cơ quan mình…

“Điều này gây rất nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư, vì họ lại mất thời gian giải thích cho các cơ quan nhà nước về pháp luật hợp đồng. Nguy hại hơn, thực tế này khiến môi trường đầu tư đối với các dự án PPP tại Việt Nam rất rủi ro”, ông Tuấn rút ra kết luận.

Vì vậy, các chuyên gia pháp chế cho rằng Luật PPP cần quy định theo hướng nguyên tắc các cơ quan, cán bộ nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP, đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

Bởi về nguyên tắc, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa nhà nước và nhà đầu tư, ràng buộc trách nhiệm của toàn bộ Nhà nước Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cơ quan hay người đại diện ký hợp đồng.

Một băn khoăn nữa là thẩm định dự án PPP. Nguyên Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Cao Văn Bản, cho rằng PPP là dự án phục vụ xã hội, sử dụng tài sản công, nên dứt khoát phải thẩm định.

Theo ông Bản, ở dự án PPP, dù tư nhân bỏ vốn nhiều nhưng đó vẫn là công trình có sự tham gia của Nhà nước, thậm chí sự tham gia của Nhà nước rất lớn, đó là giá trị quyền sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản - là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân đã được hiến định - nên bắt buộc phải thẩm định dự án.

Quan tâm tới một khía cạnh khác trong thẩm định, nhiều chuyên gia lưu ý rằng hiện tại, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP chủ yếu là ở các bộ và chính quyền địa phương, dự án cần Quốc hội hay Thủ tướng quyết định thì rất ít.

Về vấn đề này, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng ở tầm “Quốc hội và Chính phủ thì việc thẩm định có thể chặt chẽ hơn, còn ở bộ và địa phương thì khó”. Vì nếu quy định thẩm quyền rộng thì mỗi nơi làm mỗi kiểu, mỗi bộ một cách đánh giá khác nhau dẫn đến khó quy trách nhiệm, khó kiểm soát quyền lực, khó tránh được kẽ hở cho việc thông đồng…

Vì vậy, bà Chi Lan nêu ý kiến: Luật PPP cũng phải có quy định thưởng, phạt rõ ràng và trách nhiệm giải trình. Quyết định sai hay thẩm định để lọt sai phạm thì phải bị phạt.

“Những quy định này là chiếc khóa chặn bớt kẽ hở cho tình trạng thông thầu, méo mó thông tin, ai quen biết thì dễ lọt hơn. Vừa qua đã có biết bao dự án vi phạm nhưng có phạt được ai đâu mà chỉ có dân "bị phạt" vì phải chịu giá dịch vụ cao”, bà Lan nói.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến khái quát mục tiêu của thẩm định dự án PPP, cần được đưa vào Luật nhằm sàng lọc để lựa chọn dự án bảo đảm tính khả thi trên mọi khía cạnh, loại bỏ dự án mà hiệu quả đem lại không bằng cái giá phải trả. Thẩm định dự án còn để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất, hình thức đầu tư hiệu quả nhất.

“Yêu cầu của công tác thẩm định để không bỏ qua các cơ hội đầu tư có lợi, nhưng cũng không thực hiện các dự án tồi”, ông Bản lưu ý thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top