Aa

Sửa Luật Đất đai: Làm rõ nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường

Bảo Linh
Bảo Linh vukimlinh@gmail.com
Thứ Ba, 01/11/2022 - 15:30

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”.

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án Luật trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ngoài kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp...

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 Điều, trong đó giữ nguyên 28 Điều; sửa đổi, bổ sung 184 Điều; bổ sung mới 41 Điều và bãi bỏ 8 Điều. Chính phủ đã gửi Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bản so sánh những nội dung mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật Đất đai 2013. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Quốc hội)

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ.

Rà soát vấn đề thu hồi đất, trưng dụng đất

Góp ý dự thảo Luật, liên quan đến nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Trong đó, cần rà soát các trường hợp: Dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch”; “dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp”; “dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung”; “dự án đô thị”; “dự án khu dân cư nông thôn”; “dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở”; “dự án lấn biển”; “dự án khai thác khoáng sản”; “dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”...

Về trưng dụng đất (Điều 96), đề nghị quy định cụ thể hơn về việc trưng dụng đất, bồi thường về tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Bên cạnh đó, đề nghị rà soát quy định về trưng dụng đất với quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, tránh trùng lặp, mâu thuẫn.

Làm rõ nguyên tắc định giá đất

Về giá đất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”; quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết 18 đặt ra.

Đáng chú ý, đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể; cách xác định cụ thể “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; quy định rõ về việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất, không làm thất thoát Ngân sách Nhà nước.

Cần làm rõ quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm

Về vấn đề được Chính phủ xin ý kiến liên quan đến bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” (Điều 44), Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền hằng năm, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp thuê đất trả tiền hằng năm. Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, cần được làm rõ.

Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ khoản tiền thuê đất hằng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán.

Cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top