Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường năng lực xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020 - 2023", hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, hội thảo do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và Vụ trưởng Vụ Pháp Luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ đồng chủ trì.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, cùng sự tham dự của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước; đại diện Sở Xây dựng của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; đại diện nhiều tổ chức, hiệp hội như: Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hiệp hội các Đô thị Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu; các Đoàn Luật sư, Trường Đại học Xây dựng, Đại học Luật, Đại học Kiến trúc…
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp Luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho biết, hội thảo nhằm lấy ý kiến của chuyên sâu về các đề xuất chính sách mới của các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ các Bộ, ngành, Hiệp hội, địa phương nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) trước khi Bộ Xây dựng hoàn thiện dự án Luật để trình Chính phủ đầu năm 2023.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, đồng bộ với các luật có liên quan
Theo dự thảo Luật của Bộ Xây dựng, trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư... Trong các luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 như: thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở... đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành với các luật này. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan đến các quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai về những chính sách nhà ở quan trọng như: vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở… Đặc biệt là các chính sách cần sửa đổi phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nội dung kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai để từ đó đề xuất chính sách sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết.
Quá trình thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 thời gian qua cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế về: sở hữu nhà ở liên quan quy định chung về sở hữu nhà chung cư, quy định về nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, còn chưa có sự thống nhất về chỉ tiêu, mục tiêu phát triển nhà ở trong nội dung Chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chưa quy định rõ về cơ sở pháp lý của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chưa quy định cụ thể mối liên hệ, tương tác của chương trình phát triển nhà với hệ thống các quy hoạch khác có liên quan như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các loại nhà ở đô thị và nông thôn, đặc biệt là nhà ở xã hội nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách phát triển nhà ở phải phù hợp với Chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và đồng bộ, thống nhất với các cơ chế, chính sách có liên quan như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng...
Với mục tiêu sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, Ban soạn thảo đề xuất nhiều chính sách mới trên cơ sở kế thừa các quy định pháp luật hiện hành như quy định về thời hạn sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu nhà chung cư, phát triển nhà ở thương mại, chính sách nhà ở công vụ, cải tạo nhà chung cư, chính sách nhà ở xã hội, chính sách tài chính cho phát triển nhà ở,… Các chính sách mới cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật đất đai đang được sửa đổi và các luật khác có liên quan.
Đồng thời, Luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đã được chứng minh là có hiệu quả trong thực tiễn nhằm thúc đẩy việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, tăng nguồn cung nhà ở.
Tạo hành lang pháp lý đồng bộ quản lý thị trường bất động sản phát triển
Đối với dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư,…Trong các Luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 như: hợp đồng, đặt cọc, bảo lãnh trong các giao dịch; điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản; phân loại dự án và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phân loại công trình xây dựng; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản… dẫn đến sự không đồng bộ trong các quy định của Luật kinh doanh bất động sản hiện hành với các luật này. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.
Mặt khác, các nội dung của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, đặc biệt là những chính sách quan trọng để phát triển thị trường bất động sản như: mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Việc sửa đổi Luật này cần việc bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thi cacschinsh sách mới cũng cần đồng bộ với dự kiến sửa đổi Luật Đất đai để từ đó đề xuất chính sách sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết, tránh chồng chéo giữa các luật, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.
Luật Bất động sản (sửa đổi) sẽ tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý thị trường bất động sản, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh bất động sản, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Ngoài ra, nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm chủ đầu tư dự án bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ, môi giới bất động sản. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý giao dịch bất động sản, thị trường bất động sản.
Luật Bất động sản (sửa đổi) cũng nhằm hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm hạn chế các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đề cập sâu đến việc hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); các ý kiến nhằm hoàn thiện các chính sách mới nhằm điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh bất động sản; tăng cường sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương./.