Aa

Dự thảo Luật PPP vẫn chưa làm yên lòng nhà đầu tư

Thứ Năm, 30/04/2020 - 10:00

Dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2, tuy nhiên vẫn còn nhiều “lấn cấn” của chuyên gia và nhà đầu tư về các quy định trong dự thảo Luật PPP.

Chọn đúng dự án chứ không phải chọn đúng lĩnh vực

Tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), qua thảo luận, đang nổi lên 2 luồng quan điểm chính. Đó là quy định lĩnh vực nào cần làm PPP (chọn cho), thu hẹp, chỉ tập trung làm dự án PPP quy mô lớn, thiết yếu, có khả năng lan tỏa. Loại ý kiến thứ 2 theo hướng chọn bỏ, đề nghị cấm lĩnh vực nào không được làm trong luật (ví dụ liên quan đến an ninh, quốc phòng, lĩnh vực cấm hoặc hạn chế đầu tư), còn lại được làm để bảo đảm tính linh hoạt.

Thông tin mới nhất về vấn đề này, phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến về đầu tư theo hình thức PPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức, ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho biết, do lo ngại mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia, nên các ý kiến thảo luận đang nghiêng về phương án tiếp cận theo hướng chọn cho.

Thậm chí, với 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đã được quy định trong dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng vẫn rộng, đề nghị bỏ lĩnh vực về lưới điện, nhà máy điện, cung cấp nước sạch vì tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư 100%, hoặc giao DNNN như EVN, PVN, TKV làm mà không cần sự tham gia của nhà nước theo hợp đồng PPP.

Phát triển hạ tầng nhà máy điện liệu có được đầu tư theo hình thức PPP?

Phát biểu về vấn đề này, ông Đoàn Giang, Chuyên gia PPP quốc tế thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhìn nhận, các lĩnh vực PPP đang càng ngày càng bị thu hẹp. Do vậy, phải làm rõ mục tiêu của Chính phủ trong xây dựng danh mục này là gì?

“Cần tập trung nguồn lực vào lĩnh vực ưu tiên, nhưng đặt ngược vấn đề, liệu Chính phủ có bỏ sót lĩnh vực mà nhà đầu tư mong muốn, quan tâm, như điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hay không?”, ông Giang nói.

Đồng tình với việc Chính phủ cố gắng tập trung ưu tiên vào một số dự án, khi PPP còn non trẻ. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng dự thảo Luật nên mở ra hướng để khi có các dự án khác hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân thì cơ sở pháp lý vẫn cho phép thực hiện.

“Tôi hiểu Chính phủ muốn tập trung một số lĩnh vực để bảo đảm thành công nhưng thực hiện PPP có thành công hay không phụ thuộc có chọn đúng dự án chứ không phải chọn đúng lĩnh vực”, ông Giang nêu ý kiến.

Có cùng quan điểm trên, Ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp về quản lý nhà nước và PPP, Ngân hàng ADB cho biết, nhiều nước quy định linh hoạt lĩnh vực đầu tư PPP dựa trên từng thời kỳ nên ưu tiên hướng chọn bỏ. Trong khi đó Việt Nam chủ trương thu hẹp lại, cụ thể hóa từng lĩnh vực tạo ra sự xơ cứng, không linh hoạt. Theo ông Dũng, khi quy định lĩnh vực đầu tư, Luật nên để mở, linh hoạt hơn, để Chính phủ quy định cụ thể tùy thuộc điều kiện từng dự án trong từng thời kỳ.

Tiếp cận một cách cụ thể hơn, ông Đặng Chi Liêu, chuyên gia của công ty Luật Baker Mc Kenzie đề nghị cần làm rõ từ ngữ trong dự thảo luật, ví dụ như lĩnh vực “nhà máy điện”, vậy thì hạ tầng nhà máy điện có được đầu tư theo hình thức PPP không?

“Hiện có 2 xu hướng đầu tư năng lượng khá rõ trong thời gian tới. Thứ nhất là LNG, không chỉ nhà máy điện mà còn nhập khẩu, tái hóa khí, điện, khi nói nhà máy điện thì có bao gồm các cấu phần khác hay không? Thứ hai là năng lượng tái tạo. Đấu thầu điện mặt trời chúng tôi đề xuất Nhà nước hoặc bên thứ 3 phát triển hạ tầng, sau đó nhà đầu tư vào đầu tư trong khu đó. Vậy phát triển hạ tầng nhà máy điện như vậy cũng nên áp dụng PPP”, ông Liêu nêu vấn đề.

Chưa có sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư

Về công tác giám sát đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP, có ý kiến lo ngại dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, thời gian kéo dài hàng chục năm thì quy định thanh tra, kiểm tra, giám sát phải thông thoáng, tạo điều kiện huy động vốn tối đa.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng dự án mục đích công, trách nhiệm cuối cùng vẫn là nhà nước, người sử dụng vẫn phải trả phí dù trực tiếp hay gián tiếp thì phải giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ công, nhưng đồng thời phải có mức giá, phí hợp lý để không ảnh hưởng đến quyền lợi của xã hội, của người sử dụng dịch vụ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Lâm cho biết, dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ giám sát của các cơ quan, tổ chức tùy theo từng giai đoạn.

Theo đó, tinh thần là chặt chẽ nhưng không can thiệp, không gây phiền hà, cản trở quá trình thực hiện dự án PPP; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp luật của VARSI đánh giá, quy định của dự thảo luật chưa thể hiện thái độ bình đẳng, công bằng trong ghi nhận quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án.

Theo ông Huệ, Điều 97, Bộ Luật Dân sự 2015 tuyên bố: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Bộ luật này.

Đặc điểm của PPP một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một bên là doanh nghiệp thông thường. Nhưng Điều 61 và 67 trong dự thảo Luật PPP đang phá vỡ nguyên tắc của Điều 97 nói trên khi đều nói về quyền của cơ quan ký hợp đồng mà không có chiều ngược lại, không tìm thấy quyền của doanh nghiệp dự án. Doanh nghiệp dự án chịu quyền giám sát của cơ quan nhà nước là đúng, nhưng tại sao lại không có quyền giám sát ngược lại.

“Trong triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng thuộc về nhà nước và nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm tiến độ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng thường không đảm bảo được điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp dự án, vậy chủ đầu tư có quyền kiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không?”, ông Huệ đặt câu hỏi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top