Aa

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư: Những khoảng trống cần bù lấp

Thứ Bảy, 21/11/2020 - 06:15

“Dự thảo Nghị định mới chỉ tập trung nhiều vào việc cải thiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư mà chưa quy định hay hướng dẫn những vấn đề cấp thiết đối với hoạt động đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư ổn định..."

Ghi nhận dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, vừa đảm bảo yêu cầu cải cách. Song, tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, các luật sư và đại diện doanh nghiệp cũng chỉ ra một số nội dung cần Chính phủ quy định chi tiết để tổ chức thực hiện, nhưng dự thảo Nghị định chưa quy định và cũng chưa có văn bản dự kiến ban hành khác hướng dẫn Luật Đầu tư quy định...

Luật sư Trần Thị Thanh Huyền, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự chỉ ra, Điều 20 Luật Đầu tư quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt và giao “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”, nhưng nội dung này chưa có một quy định nào được hướng dẫn tại dự thảo Nghị định. Trong khi đây là nội dung cần thiết phải có hướng dẫn thi hành sớm để có thể thu hút các nhà đầu tư (NĐT) lớn cả trong và ngoài nước tham gia thực hiện các dự án trọng điểm, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển, biến động theo hướng có lợi cho Việt Nam thì việc chậm trễ hướng dẫn cụ thể vấn đề này sẽ làm giảm khả năng thu hút các tập đoàn lớn, hay đầu tư vào hoạt động có hàm lượng tri thức cao.

Cần quy định cụ thể về cơ chế chia sẻ rủi ro

“Dự thảo Nghị định mới chỉ tập trung nhiều vào việc cải thiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư mà chưa quy định hay hướng dẫn những vấn đề cấp thiết đối với hoạt động đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư có tính cạnh tranh, ổn định, công bằng và an toàn cho NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài”, luật sư Trần Thị Thanh Huyền nói và điểm ra khoản 2, điểm (đ) Điều 69 Luật Đầu tư 2020 đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư có đặt ra trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc “xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế giải quyết vướng mắc của NĐT, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và NĐT”. 

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chưa có bất kỳ một điều khoản nào hướng dẫn cụ thể về cơ chế giải quyết vướng mắc của NĐT, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và NĐT.

Một khoảng trống khác được chỉ ra đó là tại khoản 1, Điều 43 Luật Đầu tư năm 2020 quy định NĐT có thể lựa chọn một trong hai phương thức bảo đảm thực hiện dự án là ký quỹ; hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định tại khoản 1, Điều 23 chỉ đưa ra một biện pháp bảo đảm là ký quỹ.

Luật sư Nguyễn Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty TNHH DMK Việt Nam cho biết, nội dung “bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ” là một trong những điểm sáng được cộng đồng DN và các NĐT đánh giá cao trong Luật Đầu tư năm 2020. Thế nhưng dự thảo Nghị định (khoản 1, Điều 23) chỉ đưa ra một biện pháp bảo đảm là ký quỹ; còn việc bảo lãnh của TCTD chỉ áp dụng cho trường hợp NĐT được hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ là thể hiện đúng tinh thần của Luật Đầu tư.

Vì vậy, luật sư Thu Huyền cũng như luật sư của Bizlink đề nghị bổ sung thêm biện pháp bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ nhằm thống nhất với Luật, đồng thời bổ sung một khoản mới quy định cụ thể về trường hợp NĐT lựa chọn phương án bảo đảm. Trong đó quy định mức ký quỹ hoặc giá trị phát hành bảo lãnh được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần.

Đặc biệt, Luật sư cao cấp Trần Thị Ngân - Công ty TNHH Bizlink cho rằng, nội dung hướng dẫn của Điều 23, dự thảo Nghị định có thể hiểu là vượt quá quy định tại Điều 43, Luật Đầu tư 2020, khi thêm 3 trường hợp tại các điểm e, f, g mà NĐT không phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư.

Một vướng mắc khác khó triển khai trong thực tiễn là Điều 46 quy định về việc điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư là khoản nợ xấu của TCTD. Tại khoản 3 có quy định: “Cơ quan đăng ký đầu tư đánh giá các điều kiện xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan để điều chỉnh dự án đầu tư”. 

Tuy nhiên, Luật sư Trần Thị Thanh Huyền cho rằng, quy định yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư phải đánh giá điều kiện xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật có liên quan là quá thách thức đối với cơ quan đăng ký đầu tư và thật sự không cần thiết khi trước đó tại khoản 1, Điều 46 NĐT đã thực hiện xong thủ tục: Đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản, quyền sử dụng đất gắn liền với dự án đầu tư sau khi nhận chuyển nhượng dự án đầu tư từ tổ chức xử lý nợ xấu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh (nếu có) và họ được kế thừa quyền và nghĩa vụ.

Cùng góp ý về Điều 46, bà Lương Thị Thương Huyền đến từ VPBank cho rằng, việc chuyển nhượng này chưa chắc đã thực hiện được nếu xem dự án đầu tư là một khoản nợ xấu, bởi không có quy định bán nợ xấu cho một tổ chức khác ngoài các công ty mua bán nợ. Vì vậy trong việc chuyển nhượng dự án này cần xem nó là tài sản đảm bảo của khoản nợ. 

Đại diện đến từ VPBank cũng cho rằng, yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư phải đánh giá điều kiện xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật có liên quan là không thực hiện được, bởi hiện không có quy định riêng về điều kiện xử lý nợ xấu mà được quy định dựa trên Bộ luật Dân sự, Nghị quyết 42 của Quốc hội cùng với các nghị định, quy định của Chính phủ và NHNN. Vì vậy, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ không thể thẩm định được nợ xấu. Bà đề nghị nên bỏ nội dung này.

Ngoài ra, ban soạn thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến đối tượng áp dụng ưu đãi, phân cấp phân quyền, thủ tục hành chính, với mong muốn nghị định sẽ phản ánh rõ nét hơn thực tiễn để tăng hiệu quả khi triển khai Luật Đầu tư từ 1/1/2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top