Aa

Đua nhau chặt giống chôm chôm nội, trồng giống ngoại

Thứ Năm, 31/08/2017 - 02:20

Vài năm gần đây, khi thấy chôm chôm Thái “sung” hơn so với 2 loại chôm chôm bản địa cả về giá bán và tốc độ tiêu thụ, nhiều người đua nhau chặt bỏ giống nội để trồng chôm chôm Thái thay thế...

...Cho dù chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (Java) của Đồng Nai được công nhận là 2 loại giống đặc sản và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh.

Mùa vụ bất thường, giá rớt

Chôm chôm là một trong những loại trái cây hè đặc trưng ở Đồng Nai. Những năm trước, vào thời điểm từ tháng 5, tháng 6 đã là cao điểm thu hoạch của chôm chôm và các loại trái cây, nhiều người dân còn phải dùng xe tải lớn chở hàng trái cây đứng bán tại các chợ, hay trên các tuyến đường gần khu công nghiệp. Vậy nhưng, năm nay thì nhiều loại trái cây cũng như chôm chôm vắng bóng.

Chôm chôm bản địa vừa được cấp chỉ dẫn địa lý Long Khánh

Chôm chôm bản địa vừa được cấp chỉ dẫn địa lý Long Khánh

Theo các nhà vườn, không chỉ riêng chôm chôm mà một số loại trái cây khác như măng cụt, sầu riêng năm nay hầu hết đều thu hoạch trễ từ 2 đến 2,5 tháng so với mọi năm khiến chính vụ bị đẩy lùi đến tháng 8-9. Do thu hoạch vào thời điểm mưa nhiều nên dễ dẫn đến tình trạng chôm chôm nứt vỏ, còn măng cụt chai thịt, da cám sần sùi khiến thị trường chê và bị mất giá.

Vụ trái cây năm nay, chỉ những nông dân trồng chôm chôm thu hoạch sớm thì trúng, còn đa số nhà vườn thất trắng hoặc lỗ vốn vì chôm chôm chín đúng thời điểm giá rớt thảm hại. Cụ thể giá chôm chôm Java hiện đang đứng thấp ở mức kỷ lục so với vài năm trở lại đây, chỉ còn từ 3.000-3.500 đồng/kg. Giống chôm chôm nhãn hiện cũng rơi xuống mức giá còn 7-8 ngàn đồng/kg.

Nhà vườn thu hoạch chôm chôm

Nhà vườn thu hoạch chôm chôm

Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng 3 ha chôm chôm tại xã Bình Lộc tâm sự: “Cách đây vài năm, vườn chôm chôm của gia đình tôi chỉ trồng 2 loại chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn. Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá 2 loại chôm chôm này không cao bằng chôm chôm Thái lại khó tiêu thụ nên tôi đã quyết định chặt bỏ hơn phân nửa diện tích để chuyển sang trồng giống chôm chôm Thái có giá hơn”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) Phùng Thanh Tâm cũng chia sẻ: “Những năm trước ở các vùng chôm chôm vào mùa chín thông thường có độ chênh về thời gian, nhưng năm nay do ảnh hưởng thời tiết, chôm chôm nhiều nơi bị trễ vụ nên mới xảy ra đồng loạt rộ mùa thu hoạch cùng thời điểm khiến giá chôm chôm rớt không phanh”.

Theo ông Tâm, không chỉ nông dân bị thua lỗ mà nhiều thương lái mua mão cả vườn cũng lỗ trắng, có thương lái bỏ không thu cuối vụ vì giá bán ra không đủ bù công hái. Nhiều vườn không kịp thu hoạch, chôm chôm chín quá chuyển sang màu đỏ sậm giá càng thấp, nhất là chôm chôm Java giá bán tại vườn chỉ vài ngàn đồng/kg.

Theo ghi nhận, giá các loại chôm chôm vào thời điểm rộ mùa thu hoạch đều thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, chôm chôm Thái hiện đang ở mức từ 11-12 ngàn đồng/kg, chôm chôm nhãn khoảng 7-8 ngàn đồng/kg. Khó khăn nhất là những nhà vườn trồng chôm chôm Java, như nói trên,giá bán không đủ bù công thu hoạch.

Cần thận trọng chuyển đổi

Theo nhiều nhà vườn ở Đồng Nai, chôm chôm Java vẫn có lợi thế cạnh tranh vì cho năng suất cao, lại ít chịu tác động bởi thời tiết như các giống chôm chôm khác. Mặt khác, tính đến đầu ra bền vững, chôm chôm Java cũng có nhiều lợi thế về mặt thị trường, như làm nguyên liệu chế biến được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.

Tuy nhiên, vài năm gần đây khi thấy chôm chôm Thái “sung” hơn so với 2 loại chôm chôm bản địa cả về giá bán và tốc độ tiêu thụ. Chính vì vậy khiến diện tích trồng 2 loại chôm chôm nhãn và tróc trên địa bàn Đồng Nai đang ngày càng bị thu hẹp dần, còn với chôm chôm Thái thì nông dân đang có xu hướng chạy đua tăng diện tích.

Nhiều diện tích chôm chôm nhãn và java đang bị nhà vườn đốn bỏ để chuyển sang trồng chôm chôm Thái

Nhiều diện tích chôm chôm nhãn và java đang bị nhà vườn đốn bỏ để chuyển sang trồng chôm chôm Thái

Ông Đoàn Văn Tuyên, tổ trưởng CLB cây chôm chôm năng suất cao Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) cũng xác nhận: “Trước đây ở địa phương tôi trồng thuần chôm chôm Java, nhưng đến nay hầu hết các nhà vườn đều chuyển sang giống Thái. Chỉ riêng một số nhà vườn trong tổ có thổ nhưỡng đất khô nên họ chủ động tưới nước để điều khiển cây ra bông và thu hoạch sớm thì vẫn giữ lại giống chôm chôm nhãn và Java”.

Theo ông Tuyên, việc chuyển đổi giống cây trồng nhằm nâng cao thu nhập là tất yếu, nhưng chôm chôm Thái là loại cây cần nhiều nước tưới, khó chăm sóc, giá không ổn định như chôm chôm bản địa, cho nên rủi ro là lớn. Hơn nữa, vừa được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý không được bao lâu thì hai giống chôm chôm bản địa của Long Khánh lại đứng trước nguy cơ bị phá hủy vì người dân nơi đây đang cố chặt bỏ thay bằngchôm chôm Thai hy vọng thu lợi nhuận kinh tế cao hơn.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 11.000 ha chôm chôm, tập trung ở thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc và Thống Nhất. Những năm qua, diện tích chôm chôm ở Đồng Nai tăng không đáng kể, song có sự thay đổi về cơ cấu, diện tích chôm chôm Thái không ngừng tăng trong khi chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc sụt giảm.

Trước thực trạng này, Sở NN-PTNT Đồng Nai khuyến cáo nông dân cần thận trọng khi chuyển đổi giống cây trồng. Hiện tại, chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc lợi nhuận không bằng chôm chôm Thái song đây là loại cây đã được trồng lâu năm, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ngoài ra, nếu nông dân ồ ạt phát triển chôm chôm Thái sẽ dẫn đến nguồn cung tăng cũng dễ dẫn đến hiện tượng rớt giá.

“Trước đây, xã Bình Lộc có đến cả ngàn ha chôm chôm, chủ yếu là giống Java và chôm chôm nhãn. Nhưng giờ hơn 50% diện tích chôm chôm giống địa phương đã đổi thành giống chôm chôm Thái, hoặc những loại cây trồng khác có thể cho lợi nhuận cao hơn”, ông Tâm, GĐ HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc nói.
 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top