Mặc dù doanh nghiệp rất mong mỏi gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng nhưng tới nay, vẫn chưa có thông tin hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ này.
Nguyên do thận trọng
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn những yếu tố lo ngại lạm phát, và cơ quan quản lý sẽ phải theo dõi sát để có dư địa cho chính sách điều hành cho quý III, IV năm 2022.
Sự thận trọng của Bộ Tài chính là có nguyên do. Bởi lo ngại kép về lạm phát, với biến động của giá dầu leo thang, cộng hưởng cùng lo ngại căng thẳng nguồn cung dầu thô và khí đốt khi cuộc chiến Nga – Ukraine leo thang, khiến nhiều quốc gia sẽ phải xem xét lại chính sách tiền tệ.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FDIT nhận định, một chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa có thể xảy ra đối với Việt Nam để phòng ngừa “biến chứng” lạm phát có thể xảy ra.
Bởi vậy, gói hỗ trợ lãi suất cũng như một số đề xuất sớm nới room tín dụng gần đây, có thể cũng sẽ phải cần thời gian để có sự hướng dẫn triển khai, xem xét kỹ.
Nguy cơ “mỡ treo miệng mèo”
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, phải là những đối tượng có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực.
Tuy rất kỳ vọng, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng xác định mình “khó mơ” tới gói hỗ trợ này. “Chúng tôi đã đã bắt đầu phục hồi hoạt động. Khi đầu tư thêm thì vẫn phải chấp nhận vay vốn lãi suất khó có ưu đãi, bởi mọi cơ sở vật chất của chúng tôi đều đi thuê, không được xem là tài sản đảm bảo, rất khó thuyết phục ngân hàng”, ông Đặng Văn, Giám đốc Công ty Korea Food, chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, đây là gói hỗ trợ chia làm 2 năm, dự kiến mỗi năm cấp bù lãi suất 20.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ được hỗ trợ dự kiến khoảng 500.000 tỷ đồng/năm. Hiện lũy kế dư nợ cho vay của hệ thống là trên 10 triệu tỷ đồng, tức khoảng 5% dư nợ mới sẽ được hỗ trợ, đủ đạt tỷ lệ tích cực cho phép tạo nguồn tín dụng giá rẻ. Song theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, đây là “đóng cứng” tối đa, nếu giải ngân hết sẽ dừng và giải ngân không hết cũng sẽ dừng khi hết thời hạn.
Một chuyên gia cho rằng “chốt cứng” này sẽ tạo áp lực đối với cả hệ thống ngân hàng. Nếu bên cho vay đưa ra tiêu chuẩn cao, thì dòng vốn giá rẻ lại có nguy cơ trở thành “mỡ treo miệng mèo”./.