Aa

Đừng tạo ra hàng loạt tuyến phố "vô hồn" ở Hà Nội

Thứ Năm, 22/09/2016 - 21:01

TP Hà Nội mới đây đã đồng ý chủ trương cho doanh nghiệp thực hiện đề án 100 tuyến phố kiểu mẫu xanh, đẹp và phong cách. Nhiều chuyên gia lo ngại những con đường Thủ đô sẽ mất đi “hồn phố” nếu công tác sáng tạo, chỉnh trang không đi đôi với bảo tồn văn hóa.

Theo chỉ đạo của Thành phố, quá trình chỉnh trang sẽ “không ảnh hưởng hoặc thay đổi nét văn hóa hoặc kiến trúc vốn có truyền thống của mỗi tuyến phố, cũng như không thể hiện quá rõ những hình ảnh mang tính thương mại của nhà tài trợ” nhưng khá nhiều người dân cảm thấy lo lắng.

Vì trước đó, Hà Nội đã “mặc đồng phục” cho tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân). Tất cả các hộ kinh doanh hai mặt phố đều hiện diện đồng nhất với hai màu xanh và đỏ cơ bản. Nhiều kiến trúc sư trên địa bàn Hà Nội cho rằng, sự đồng nhất có tạo ra sự ngăn nắp, trật tự cho các tuyến phố nhưng theo kiểu “nhàm chán” như con đường Lê Trọng Tấn thì khó có thể tôn lên vẻ đẹp nghìn năm văn hiến của Hà Nội.

Tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội từng vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều

Tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội từng vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Tiến sĩ, nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo - Hội Mỹ thuật Việt Nam ủng hộ việc chỉnh trang các tuyến phố vì một Hà Nội ngăn nắp, văn minh hơn. Ông nói rằng: “Chúng ta cần phải mạnh dạn sáng tạo, áp dụng những cách hay để mang lại một điều gì đó mới mẻ, sáng sủa hơn cho các tuyến phố Hà Nội vốn đang bị nhếch nhác hóa, xấu xí hóa, đồng thời đem đến hơi thở mới trong văn hóa chung của Thủ đô Hà Nội”. Nhưng, cách làm ra sao, “mẫu số chung” như thế nào lại là chuyện phải bàn kỹ. Nó phải phù hợp với văn hóa dân tộc, với nét đẹp riêng của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

“Tất cả các nền kiến trúc, mỹ thuật trên thế giới đều phải trải qua giai đoạn từ thấp lên cao, từ trước đến sau, vì thế không thể nói được là cách làm ở Việt Nam hay hơn thế giới hay thế giới hay hơn Việt Nam vì mỗi một dân tộc có bản sắc riêng, nền văn hóa riêng. Chúng ta có thể thử nghiệm, áp dụng những cái hay của phương tây nhưng phải chuyển biến, tiếp biến, thay đổi cách làm cho phù hợp với văn hóa Việt Nam, văn hóa Thủ đô Hà Nội. Phong cách các tuyến phố phải hợp với nhân sinh quan, tình cảm, thẩm mỹ của người Hà Nội”.

Theo ông Nguyễn Đỗ Bảo, xây dựng 100 tuyến phố kiểu mẫu, TP. Hà Nội nên chọn những tuyến phố mới, hiện đại thì mới “ăn nhập” với phong cách hiện đại, mới mẻ. Trong quá trình thực hiện phải rút kinh nghiệm từ từ, kể cả góc độ sáng tạo và góc độ quản lý.

Trên thế giới, các tuyến phố văn minh không hề dập khuôn máy móc và đơn điệu

Trên thế giới, các tuyến phố văn minh không hề dập khuôn máy móc và đơn điệu

Còn theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, văn minh, tiến bộ hay phong cách không thể hiện qua những tòa nhà trọc chời, những đường phố đầy kín ô tô, đồng nhất nhàm chán về biển quảng cáo hay tràn ngập trung tâm thương mại sáng loáng…

“Các con phố Hà Nội vốn đa dạng văn hóa. Các tuyến phố thì đa chức năng. Chúng ta phải phân loại tuyến phố, xác định các tiêu chí văn minh đô thị đã rồi mới cho doanh nghiệp làm. Phải có đầu bài đã, tiêu chí rõ ràng của kiểu mẫu mới có thể bắt tay vào thực hiện vì mỗi tuyến phố có một “linh hồn”, bản sắc, chức năng riêng không đồng nhất. Không chỉ là đầu bài của các nhà quản lý, mà đầu bài đó phải được cộng đồng nhân dân đóng góp ý kiến, ủng hộ đồng tình. Từ đó mới giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội hóa thực hiện. Không thể đánh đồng bản sắc trên tất cả các tuyến phố”.

Không ít khách hàng trên phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn đã không tìm nổi cửa hàng quen của mình, không phân biệt được các cửa hàng bán sản phẩm gì sau khi toàn khu phố mặc đồng phục. Những biển hiệu truyền thống mang hồn phố, những gánh chè nóng hổi với lời rao dân dã văng vẳng… chính là nét riêng của Hà Nội khiến nhiều người yêu và mếnThủ đô. Thiếu đi những chi tiết “vụn vặt” đó, Hà Nội như mất đi một phần linh hồn vốn đã quyện vào từng con đường, ngõ hẻm.

Cần phải nỗ lực giữ gìn

Cần phải nỗ lực giữ gìn "hồn phố" Hà Nội thay vì cho mặc đồng phục tẻ nhạt như phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Zing.vn

Du khách đến Hà Nội không phải bởi nó hiện đại, quy mô mà đôi khi đến chỉ vì con người, cảnh quan, không gian bình yên, gần gũi. “Trên thế giới người ta xem trọng sự sáng tạo trên những con phố, càng sáng tạo càng tạo ra được sự sống, linh hồn đặc trưng cho đường phố đó. TP nên cân nhắc để tránh đồng hóa bản sắc trên 100 tuyến phố” - ông Nghiêm nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top