7 năm đưa vào sử dụng kể từ năm 2009, đã 19 lần đường ống dẫn nước sông Đà gặp sự cố làm ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô. Điệp khúc vỡ đoạn nào là vá đoạn đó đã quá quen thuộc suốt hơn 4 năm nay với người Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội - người luôn có những phân tích xác đáng về các sự cố xây dựng trong thực tiễn cho rằng, cách vá víu các đoạn ống nước sông Đà như hiện nay chỉ là biện pháp tình thế khi mà đường ống nước mới thay thế vẫn chưa hoàn thành.
“Chỉ là giải pháp tình thế nên khả năng đây chưa phải là lần cuối cùng. Sẽ còn những lần vỡ tiếp vì vẫn cùng địa tầng, cùng cấu tạo loại ống dẫn nước giống nhau, áp lực nước như cũ, đường ống kém…” – ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, ống nước đang vận hành là ống composite (ống mềm), chưa từng được sử dụng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam trước đó. Việc áp dụng một loại vật liệu mới vào điều kiện Việt Nam là quá mạo hiểm. Nhưng lỗi khiến đường ống vỡ liên tiếp không nằm ở chất lượng ống nước, mà ở người thiết kế, người chọn phương án, người thi công… Tất cả đã không tính toán được các điều kiện môi trường, nền địa tầng ở khu vực thi công… để lựa chọn loại vật liệu phù hợp nhất.
Cũng có thể, đường ống vỡ phát sinh trong quá trình vận hành đường ống khi áp lực bên trong lớn hơn khả năng chống chịu của đường ống. Nhưng đó vẫn là lỗi của người thiết kế, thi công.
Đến giai đoạn 2, nhà thầu lựa chọn chất liệu gang dẻo vốn là chất liệu truyền thống trong các công trình cung cấp nước, khả năng vỡ sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Nhưng theo ông Hùng, không được chủ quan, phải khảo sát rất thận trọng yếu tố môi trường, tải trọng tác dụng lên đường ống mỗi đoạn khác nhau, khả năng tương tác giữa nước với vật liệu của ống, sự liên kết giữa các đường ống… “Thậm chí khâu thi công đặt ống xuống nền đất không chắc, không tốt cũng có thể khiến ống nước gãy, bục theo thời gian”.
19 lần vỡ ống là 19 lần vá víu, sửa chữa những yếu kém đã tồn tại bấy lâu của Vinaconex. Tổng Giám đốc Vinaconex từng cúi đầu nhận lỗi trước người dân và hứa sẽ khắc phục tất cả sự cố. Nhưng đến nay, sự cố vẫn cứ “đeo bám”, những hộ dân ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố chỉ còn biết khóa cửa, di tản… như bao lần khác. Nhiều chuyên gia trong ngành khi thấy đường ống nước sông Đà vỡ lần 1, lần 2 đã sốt sắng bàn luận, tìm lý do, tìm hướng tháo gỡ sự cố. Nhưng đến lần thứ 19, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Trong khi chờ đường ống thay thế hoàn thành, để tránh đến mức thấp nhất sự cố vỡ lần thứ 20 diễn ra, đơn vị cung cấp nước phải hạ công suất, tránh gây áp lực mạnh lên đường ống chất lượng kém. Và đương nhiên, người dân là đối tượng phải gánh chịu nhiều nhất khi không được cung cấp nước dồi dào, phải dùng theo kiểu "dè xẻn" trong thời gian đợi đường ống mới hoàn thành.