Aa

Đường rộng 7m trở xuống được đỗ xe: Tránh lợi ích nhóm

Chủ Nhật, 04/02/2018 - 13:50

Chuyên gia đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người kinh doanh mặt phố, tránh lợi ích nhóm khi sử dụng lòng đường làm nơi đỗ xe.

Theo đề xuất của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.Hà Nội, những tuyến phố có diện tích lòng đường từ 14m trở lên được đỗ xe hàng dọc hai bên đường, thu tiền theo mức phí quy định. Những tuyến đường có mặt cắt từ 7m trở xuống thì được đỗ ô tô một bên đường.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, nếu Hà Nội chấp thuận và thực hiện đề xuất này, quyền lợi của các hộ kinh doanh mặt phố sẽ được giải quyết như thế nào và làm sao để tránh được lợi ích nhóm?

Chia sẻ với nỗi lo này của nhiều người dân nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Thu, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cũng cho rằng, trong lúc Hà Nội cái gì cũng thiếu - thiếu đường đi cho người dân, thiếu chỗ đỗ xe, thì biện pháp sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe có thể coi là một cách "giật gấu vá vai", còn để nói rằng hay thì ông khẳng định là không.

"Về cơ bản Hà Nội không thể làm theo cách này, nhưng bí quá thì đành phải làm. Người dân không thể cứ chạy xe suốt 24 tiếng mà không đỗ xe. Để đảm bảo quyền lợi của các hộ kinh doanh mặt phố, khi làm bãi đỗ xe dưới lòng đường có thể cho xe đỗ cách quãng, chẳng hạn cứ cách 2-3 nhà lại chừa một lối đi cho xe máy hoặc người đi bộ lên.

Còn lợi ích nhóm thì làm sao biết được! Quan trọng nhất là ai là người được thu phí đỗ xe? TP.HCM có cách làm rất hay là giao cho Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (thuộc lực lượng Thanh niên xung phong TP) đảm trách công việc này. Qua rà soát, nếu các điểm giữ xe phù hợp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì được hoạt động.

Hà Nội cũng có thể giao cho một đơn vị độc lập của Nhà nước làm như vậy. Giao cho tư nhân thì cũng được nhưng khó hơn vì quản thế nào? Họ thu phí được bao nhiêu làm sao biết được bởi xe đỗ rồi đi, không lưu hồ sơ, chứng từ. Cũng có thể khoán cho họ, lãi được, thiếu bù, nhưng mức khoán phải được tính toán rất kỹ, tránh các bên thông đồng với nhau", PGS.TS Nguyễn Văn Phụ phân tích.

Một bãi đỗ xe dưới lòng đường bên bờ sông Tô Lịch. Ảnh: Dân trí

Một bãi đỗ xe dưới lòng đường bên bờ sông Tô Lịch. Ảnh: Dân trí

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng) cũng cho biết, ở các nước trên thế giới, các thành phố vẫn sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe, nhưng họ chỉ tận dụng khi tuyến phố đó sử dụng không hết lòng đường. Tức là khi giao thông không cần đến thì có thể làm bãi đỗ xe và ngược lại.

Với TP.Hà Nội, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, trước mắt, nhu cầu về chỗ đỗ xe quá lớn, trong khi nhu cầu về giao thông, đi lại thì lớn hơn. Nếu lập bãi đỗ xe mà không ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến phố thì nên làm, vừa giải quyết bức xúc của người dân, vừa tận dụng để tăng thu cho ngân sách nhà nước, đỡ lãng phí.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý: "Có những tuyến đường bề mặt rất rộng, ví dụ đường Giải Phóng, mặt cắt tới 60m, nhưng vẫn tắc. Nếu làm thêm bãi đỗ xe dưới lòng đường nữa thì tắc cực kỳ nghiêm trọng.

Do đó, không phải cứ đưa ra quy định chung chung rằng tuyến phố nào có diện tích lòng đường từ 14m trở lên được đỗ xe hàng dọc hai bên đường, còn tuyến phố nào có mặt cắt từ 7m trở xuống thì được đỗ ô tô một bên đường, như thế rất máy móc.

Phải đưa ra nguyên tắc: cho đỗ xe nhưng với điều kiện không làm ách tắc, cản trở giao thông. Giải quyết được vấn đề đó thì cho làm bãi đỗ xe, nếu không thì thôi.

Thứ hai, phải lên được cụ thể những tuyến phố, những vị trí có thể đỗ xe được, lập thành danh sách để trình TP duyệt. Phòng khai thác bãi đỗ xe công cộng đó phải nắm được và chịu trách nhiệm thu phí đỗ xe nộp cho ngân sách nhà nước".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, phải công khai những vị trí được đỗ xe, mức thu bao nhiêu, người quản lý việc thu phí đó. Có thể giao cho một tổ chức nào đó quản lý, mọi thứ công khai, thậm chí cắm biển vị trí đỗ xe, mức thu bao nhiêu, tổng thu một tháng, ngân sách nộp bao nhiêu đê người dân giám sát. Nếu xã hội hóa thì đấu thầu, ai bỏ giá cao hơn, tất nhiên là trong giới hạn mà TP đưa ra, thì trúng thầu. Có như vậy mới tránh được lợi ích nhóm.

Để tránh ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh ở mặt phố, vị chuyên gia cho rằng, phải quy định chỗ lên xuống của khách thì không được đỗ xe. Trước khi làm cần có quy hoạch và xin ý kiến người dân địa phương, tổ dân phố, phường để thỏa mãn hai bên.

"Đặc biệt, nhân việc này cũng nên dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Nhiều người kinh doanh lấn vỉa hè làm nơi quảng cáo, bầy hàng... nếu họ chấp nhận cái đó thì phải mất phí giống như thuê một chỗ để xe và thu theo tháng", PGS Thám đề xuất.

Cả hai vị chuyên gia đều thống nhất rằng, về lâu dài phải làm các bãi đỗ xe công cộng, tập trung, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao. Nếu làm bãi đỗ xe ngầm thì đòi hỏi chi phí vô cùng tốn kém, trong khi các bãi đỗ xe trên cao lại phải có không gian. Và quan trọng nhất là phải giảm phương tiện cá nhân, cá nhân nào muốn chơi sang thì phải chịu phí cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top