Aa

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước nguy cơ bị bàn giao chậm

Chủ Nhật, 09/12/2018 - 14:21

Báo cáo về tình hình thực hiện Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện khối lượng xây lắp hoàn thành khoảng 96%.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong một lần vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong một lần vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Còn một số hạng mục tiếp tục triển khai thi công bao gồm: cảnh quan ga Cát Linh; cầu thang lên xuống, lắp đặt lan can kính các nhà ga, kiến trúc khu Depot; thi công đấu nối thoát nước khu gian ga Vành đai 3; kết cấu bể tự hoại, bể tách dầu; hệ thống đường nội bộ; hàng rào bao quanh khu Depot; cảnh quan, cây xanh…

Về cung cấp và lắp đặt thiết bị, đã vận chuyển được 13/13 đoàn tàu về đến công trường. Hiện đang tiến hành vận hành, chạy thử trong khu vực Depot. Công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị đang được Tổng thầu tiếp tục thực hiện, tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 95%. Tổng thầu triển khai lắp đặt khoảng 83%.

Ngày 20/9/2018 đã bắt đầu công tác vận hành chạy thử và sẽ kéo dài chạy thử từ 3 - 6 tháng.

Về giải ngân, từ đầu dự án đến nay đã giải ngân 13.066 tỷ đồng, đạt 84,1% tổng số vốn. Riêng năm 2018, đã giải ngân 1.174 tỷ đồng, đạt 43,5%.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, công tác nghiệm thu, thành toán, vận hành thử còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, Tổng thầu vẫn rất chậm hoàn thiện thủ tục dù ban quản lý đường sắt liên tục đôn đốc; khó khăn về thanh toán phần xây lắp do sai khác về khối lượng.

Riêng công tác vận hành thử, Bộ Giao thông nhấn mạnh: "Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên đưa vào vận hành nên với tất cả các đơn vị liên quan đều là mới và chưa có kinh nghiệm nên việc phối hợp, quản lý của tất cả các bên liên quan còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ chậm trong công tác bàn giao dự án".

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu Depot. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư sau đó tăng lên 18.002 tỷ đồng (868 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).

Dự án khởi công từ tháng 10/2011 và kế hoạch hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại trong quý 1 năm 2018.

Tuy nhiên, kế hoạch trên bị "lụt" tiến độ, phải đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 dự án mới có khả năng đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top