Aa

Đường sắt trên cao: “Nút mở” cho những con đường ách tắc

Thứ Năm, 28/02/2019 - 20:01

Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc xây dựng đường sắt trên cao trở thành một trong những giải pháp có tính chất bền vững và khắc phục được lâu dài tình trạng này.

Tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là tàu đường sắt đầu tiên được khởi công xây dựng tại Việt Nam

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên được khởi công xây dựng tại Việt Nam.

Câu chuyện ùn tắc giao thông vẫn là nỗi lo, ám ảnh thường trực của những người dân đang sống ở các thành phố lớn. Bụi bặm, khói và mùi xăng khi tắc đường là những điều các cư dân đô thị đang phải chịu đựng mỗi ngày. Đứng trên góc độ kinh tế, ùn tắc giao thông làm thiệt hại rất lớn về tiền của. Chính quyền nhiều thành phố vẫn đã và đang đi tìm các giải pháp để giải quyết tình trạng này. 

Trước những năm 1800, New York vẫn là một thành phố nhỏ với hệ thống giao thông khá đơn giản. Các hình thức di chuyển được xây dựng chủ yếu phục vụ cho người nông dân và du khách chứ không phải cho việc di chuyển hằng ngày. Thế nhưng, sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số chóng mặt đã biến New York trở thành thành phố đông dân bậc nhất của Mỹ với hệ thống giao thông vô cùng phức tạp. Chính phủ vô cùng đau đầu để tìm được giải pháp cho vấn đề đi lại, vận chuyển tại New York và đường sắt trên cao nhanh chóng được xây dựng.

Trong vòng 80 năm, đường sắt trên cao đã đinh hình lại toàn bộ thành phố: nó giúp cho giao thông được thông suốt, việc đi lại của người dân và việc vận chuyển hàng hóa của các thương nhân được nhanh chóng, giảm thiểu những tai nạn đáng có và thay đổi kiến trúc của New York. Ngày nay, có nhiều hệ thống giao thông hiện đại hơn được xây dựng như tàu điện ngầm nhưng không thể phủ nhận được những thay đổi to lớn mà đường sắt trên cao mang lại cho thành phố này.

Tại Thái Lan đầu những năm 1990, người dân Bangkok di chuyển 80% bằng xe buýt, xe hơi hoặc taxi. Trong giờ cao điểm, vận tốc trung bình ở trung tâm thành phố chưa đến 10km/h. Số tiền nhiên liệu lãng phí vì tắc đường lên đến 1 tỷ USD/năm. Trước tình trạng này, các nhà hoạch định giao thông và đô thị Bangkok đưa ra một kế hoạch mang tên Kế hoạch Phát triển Vận tải hàng loạt Bangkok nhằm xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, đường sắt đô thị trước khi bước sang thế kỷ 21.

Tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể sau khi nước này cho xây dựng và đưa hệ thống đường sắt trên cao vào hoạt động năm 1999. Tuyến đường sắt trên cao (Skytrain) đầu tiên tại Bangkok được Siemens, công ty của Đức, hoàn thiện vào năm 1998 có chiều dài 23,5km và đi vào hoạt động từ tháng 12/1999. Skytrain di chuyển ở độ cao 12 – 30m phía trên các con phố Bangkok. Nó có tốc độ trung bình 35km/h, tốc độ tối đa 80km/h, đưa hành khách qua lại các khu vực trung tâm Bangkok trong vòng chưa đầy 30 phút.

Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới và các thành phố của quốc gia này cũng phải đau đầu vì tình trạng ùn tắc. Và Rohtak, thành phố đông dân thứ 6 ở Haryana là một trong những thành phố như vậy. Để giải quyết tình trạng này, hệ thống đường sắt trên cao đầu tiên ở Rohtak cũng được khởi công đầu năm 2018. Dự kiến đoạn đường sắt trên cao đầu tiên của Ấn Độ sẽ dài 6 km và được xây dựng trong khoảng thời gian 18 tháng trước khi được đưa vào sử dụng. Sau khi đưa vào sử dụng, đoạn đường này được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ năm điểm giao thông đông đúc tại các khu vực dân cư và giúp cho việc di chuyển của người dân tại Rohtak linh hoạt, nhanh chóng hơn.

Tại Việt Nam, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011. Ngày 20/09/2018, đoàn tàu có 4 toa với sức chứa khoảng 1.000 khách đã được tiến hành chạy thử liên động. Chuyến tàu di chuyển qua 12 nhà ga với quãng đường 13,05km trong khoảng thời gian 25 phút. Theo ông Vũ Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc phụ trách BQL dự án đường sắt, các đoàn tàu sẽ có lịch trình chạy cách nhau 10 phút trong vòng hai tiếng. Dù đã nhiều lần lỗi hẹn, nhưng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn được kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển trong khu vực nội đô đông đúc và những thiệt hại mà ùn tắc giao thông gây ra. 

Tuy nhiên, đường sắt trên cao chỉ giải quyết phần nào câu chuyện tắc đường muôn thuở tại các đô thị lớn của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều hơn các nguyên nhân gây ùn tắc giao thông để có thể tìm được giải pháp phù hợp và lâu dài cho tình trạng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top