Aa

Dứt khoát hoàn thành kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa năm 2017

Thứ Tư, 12/07/2017 - 07:02

Cho rằng các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, công khai minh bạch trong CPH để hoàn thành kế hoạch năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng ngày 11/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ Đạo đổi mới và phát triển DN đã chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo. Cùng dự họp còn có lãnh đạo của TPHCM và Hà Nội.

Thoái 1 đồng vốn, Nhà nước thu về 17 đồng

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN cho biết, VPCP đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan, thống nhất lộ trình CPH 137 DNNN giai đoạn 2017-2020 (theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg) theo từng năm. Năm 2017, cả nước sẽ phải CPH 45 DNNN trong số này.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã hoàn thành CPH 6/137 DNNN; công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN, trong đó có những DN có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 DN thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng, 1 DN thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng. Đang tiến hành xác định giá trị DN của 20 DN.

Như vậy, dự kiến sẽ hoàn thành CPH 40 DN trong tổng số 45 DN của kế hoạch năm 2017.

Đến hết quý II/2017, đã bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại 22 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, có 6 DN thoái vốn dưới mệnh giá. Về việc thoái vốn Nhà nước tại 12 DN quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 11 DN đã niêm yết. Sabeco đang lựa chọn đơn vị nhà thầu tư vấn thoái vốn Nhà nước. Habeco đang xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S. Đối với Vinamilk, SCIC đã trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án bán tiếp phần vốn Nhà nước tại công ty này và đang chờ lấy ý kiến của Thường trực Chính phủ.

Theo Quyết định 707/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2017 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020, các tập đoàn phải trình đề án tái cơ cấu DN giai đoạn 2016-2020. Tới nay, Đề án tái cơ cấu của EVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án của PVN, VPCP đang thẩm tra để trình Thủ tướng Chính phủ. Còn lại 5 đề án của 5 tập đoàn kinh tế chưa trình là Cao su, Than-Khoáng sản, VNPT, Viettel, Hóa chất.

TPHCM chưa CPH được DN nào

Ban Chỉ đạo cho rằng, tiến độ CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN diễn ra chậm, đạt tỷ lệ thấp trong 6 tháng đầu năm. Việc bàn giao các DN sau CPH về SCIC cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, TPHCM chậm nhất trong số các đơn vị khi chưa có DN nào được CPH trong danh sách 39 DNNN phải CPH của địa phương này tới năm 2020.

Các bộ, ngành và địa phương đều bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ban Chỉ đạo. Riêng đối với TPHCM, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Thanh Liêm cho biết, trong số 39 DNNN phải CPH thì đa phần là các công ty công ích (26 công ty, còn lại là 13 công ty mẹ), đang bị chậm thực hiện vì đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt phương án CPH. Tuy nhiên, hiện nay các DNNN này đều hoàn thành kiểm kê tài sản, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược. Khi Thành ủy phê duyệt thì Thành phố sẽ thực hiện xong trong năm 2018.

Ông Liêm cũng cho rằng cần thận trọng trong CPH, thoái vốn Nhà nước bởi nếu “tung” ra ồ ạt thì thị trường cũng không thể “tiêu hóa” nổi một lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Ảnh: VGP/Thành Chung

Trong khi đó, Trưởng Ban đổi mới và phát triển DN của TPHCM, ông Nguyễn Trọng Sang phấn khởi cho biết năm nay Thành phố sẽ thoái vốn ở 10 công ty mẹ với giá trị sổ sách là 2.292 tỷ đồng. Qua 6 tháng, Thành phố đã thoái 287 tỷ đồng giá trị vốn, thu về 1.110 tỷ đồng. Trung tuần tháng 7 này, Thành phố sẽ có báo cáo kế hoạch thoái vốn tới năm 2020.

Với Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, ông Nguyễn Doãn Toản cho biết, cuối năm nay, Thủ đô sẽ hoàn thành CPH Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro có giá trị vốn Nhà nước là 2.200 tỷ đồng. Một số công ty như: Vườn thú Hà Nội, Công ty cây xanh Hà Nội,… có thể phải gối sang năm 2018 mới CPH được vì “vướng” định giá vườn cây, con thú…, chờ hướng dẫn của các bộ. Ông Toản cũng cho biết: “Hiện nay đang có tư tưởng chờ sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần để các đơn vị thực hiện cho đỡ rắc rối nên tiến độ chậm”.

Các DNNN lớn của Bộ Công Thương cũng đang tích cực thực hiện việc chuẩn bị cho CPH để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án. Riêng đối với CPH Tổng công ty Giấy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Thủ tướng chưa phê duyệt phương án CPH vì chưa hoàn tất thủ tục chào bán Nhà máy bột giấy Phương Nam - dự án thua lỗ, “đắp chiếu” nhiều năm qua. Tổng công ty Thuốc lá sẽ hoàn thành xác định giá trị DN vào tháng 10/2017 và cố gắng CPH luôn trong năm nay.

Với đặc thù là ngành sản xuất, ông Hải kiến nghị: “Cần khuyến khích người lao động có tay nghề cao được mua cổ phần ưu đãi để tiếp tục gắn bó với DN, tránh tình trạng nhiều DNNN CPH xong coi như bị biến mất, thợ giỏi không phát triển được”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh và lãnh đạo TPHCM thì rất quan tâm tới việc ban hành quy định chuyển đổi tài sản không bồi hoàn tại các liên doanh của DNNN để thực hiện CPH tại các đơn vị này. Trả lời việc này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết TPHCM - địa phương có nhiều liên doanh nhất, nhưng lại chưa có báo thực trạng, nên Bộ chưa thể cho ý kiến giải quyết và đề nghị Thành phố gửi chậm nhất trong tháng 8 tới. Cũng trong tháng 8, Bộ KH&ĐT cũng trình Thủ tướng phương án xử lý, sắp xếp các công ty thủy nông.

Truy trách nhiệm lãnh đạo bộ, địa phương, DNNN chậm CPH

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước có chuyển biến tích cực cả về công tác chỉ đạo điều hành công khai, minh bạch, xây dựng thể chế chính sách, kết quả CPH, thoái vốn, xác định giá trị DN CPH…

“Làm chậm mà chắc, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ ra hạn chế là tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra, làm “dồn” việc cho 6 tháng cuối năm; 578 DN chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định. Hiệu quả hoạt động của khối DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty, DN, dự án hoạt động kém, thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Quá trình CPH còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản đất đai, trách nhiệm của người quản lý tài sản Nhà nước chưa rõ ràng.

Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của hạn chế chính là chỉ đạo, điều hành của một số bộ ngành địa phương tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác CPH, thoái vốn.

“Đâu đó còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Thẩm quyền của bộ, địa phương nhưng không dám quyết, đưa lên Chính phủ hỏi ý kiến cho an toàn, nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật. Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời. Kinh nghiệm là bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Ảnh: VGP/Thành Chung

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, địa phương: “Làm theo đúng pháp luật, bảo đảm công khai minh bạch. Nếu luật pháp bất cập thì phải sửa, nhưng đang còn hiệu lực thì không thể làm sai được, không làm theo ‘thông lệ’, bảo đảm lợi ích quốc gia”.

Phó Thủ tướng cho biết nếu từ nay tới cuối năm CPH thành công được một DN lớn thì tỷ lệ vốn hoá được chuyển đổi sở hữu sẽ rất lớn, tạo ra quản trị tốt. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN CPH, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn”.

Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN CPH và thoái vốn DN theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về sắp xếp, đổi mới DNNN.

Để khắc phục các bất cập trong thể chế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 7 trình Thủ tướng ký ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 59 về chuyển DN có 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần; trong tháng 8 hoàn thành sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước tại DN và quản lý tài sản vốn Nhà nước tại DN.

Cũng trong tháng 8, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng ký Quyết định danh mục DN có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020, có chia ra từng năm, danh mục DN có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn của TPHCM, hoàn thành danh mục các công thuỷ nông và sắp xếp các công ty thuỷ nông; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng tình hình chuyển giao tài sản không bồi hoàn của các nhà đầu tư trong liên doanh với các DNNN Việt Nam; trước ngày 15/7 trình Thủ tướng cho ý kiến về Cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại DN.

VPCP sớm trình Chính phủ có phương án ban hành sớm các nghị định liên quan đến điều lệ tổ chức của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty chưa xây dựng phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 phải trình phương án chậm nhất trong tháng 7 để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2017.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính công khai việc xử lý các DN sau CPH không đăng ký trên thị trường chứng khoán; Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 nhà máy, dự án thua lỗ của ngành công thương; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các kế hoạch thoái vốn, CPH thuộc phạm vi quản lý./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top