Aa

EVFTA và cơ hội cho Việt Nam

Thứ Năm, 14/02/2019 - 14:00

Sau CPTPP, EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”.

Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc đệ trình Hiệp định Thương mại và Đầu tư Việt Nam – EU (gọi tắt là EVFTA) bao gồm 02 Hiệp định Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU lên Hội đồng châu Âu

Nếu được thông qua bởi Hội đồng châu Âu, các Hiệp định này sẽ được ký kết và trình lên Nghị viện châu Âu để lấy ý kiến. Nếu được thống nhất tại Nghị viện châu Âu, thì Hiệp định thương mại sẽ có thể có hiệu lực, còn Hiệp định đầu tư sẽ phải tiếp tục được phê chuẩn ở từng nước thành viên EU theo thủ tục nội bộ của từng nước đó.

Xóa bỏ 65% dòng thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực

EVFTA là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển tại châu Á – hiện tại EU chỉ có thêm 02 FTA khác với khu vực này là Hiệp định Thương mại và Đầu tư với Singapore (đã ký kết, đang chờ ký và phê chuẩn), và Hiệp định Đối tác Kinh tế với Nhật Bản (đã phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực đầu tháng 2/2019).

Với EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong thời gian tối đa là 10 năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với EVFTA Việt Nam cam kết mở cửa hơn so với WTO cho EU trong nhiều lĩnh vực bao gồm một số dịch vụ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, phân phối, và tài chính. EVFTA cũng sẽ giúp mở cửa đáng kể thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty của EU.

Với EV FTA, EU cam kết xóa bỏ 71% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình tối đa là 7 năm.

Với EV FTA, EU cam kết xóa bỏ 71% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình tối đa là 7 năm.

Ngoài ra, các công ty của EU cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các cam kết khác của Việt Nam như các cam kết cắt giảm một số hàng rào phi thuế quan trong ngành ô tô, cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của EU, cam kết về mở cửa thị trường mua sắm công…

Đổi lại, EU cũng cam kết xóa bỏ 71% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình tối đa là 7 năm, và áp dụng hạn ngạch thuế quan với một số hàng hóa đặc biệt. EU cũng cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định có nhiều nội dung về tạo thuận lợi thương mại hai bên như các cam kết về hải quan và thuận lợi hóa thương mại, về công nhận tương đương giữa Việt Nam và EU đối với các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật SPS, cam kết về ghi nhãn hàng hóa…

Và cơ hội cho doanh nghiệp Việt

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, khẳng định EVFTA tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với EU.

“Theo số liệu thống kê của Ủy ban châu Âu, năm 2017 kim ngạch nhập khẩu vào EU là 1.858,7 tỷ EUR, trong đó từ Việt Nam hơn 37 tỷ EUR, chiếm 2% và xếp thứ 10; kim ngạch XNK của EU là 3.737 tỷ EUR, trong đó kim ngạch XNK của EU với Việt Nam chiếm khoảng 1,3% và xếp thứ 19. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4 - 6% vào năm 2019 (so với không có EVFTA), tương đương khoảng 19 tỷ USD và tăng thêm hơn 75 tỷ USD đến năm 2028.

Một số sản phẩm như dệt may, giày dép, nông hải sản được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ hàng dệt may đang phải chịu thuế từ 7 - 17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028 (so với không có EVFTA)”, ông Mại dẫn chứng.

Về phần mình, các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập đánh giá những cam kết về các biện pháp phi thuế quan này sẽ giúp tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

“Do đó, dự kiến nếu EVFTA được ký kết và có hiệu lực sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại giữa hai bên. Hiện tại, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua và đạt khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018. EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 của EU trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore”, các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập nhìn nhận.

Việt Nam và EU là hai thị trường có cơ cấu sản phẩm bổ sung hỗ trợ lẫn nhau; trong đó, Việt Nam thường xuất khẩu những hàng hóa không phải là thế mạnh của EU (ví dụ như dệt may, trái cây nhiệt đới…) trong khi phần lớn hàng hóa EU xuất khẩu sang Việt Nam cũng là những mặt hàng Việt Nam chưa phát triển sản xuất (ví dụ như ô tô, dược phẩm...).

"Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu trước các thông tin liên quan đến nội dung và tiến trình của EVFTA để có thể tận dụng tốt nhất các ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực", Trung tâm WTO và hội nhập khuyến nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top