Chưa thể sớm hồi phục
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dù vẫn khá tích cực, với 26,43 tỷ USD thu hút được trong 11 tháng qua, song xu hướng sụt giảm vẫn tiếp tục, chỉ bằng 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bởi thế, khi báo cáo Chính phủ, tuy vẫn đánh giá cao những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư nước ngoài, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, một trong những khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam trong những tháng tới chính là FDI chưa thể phục hồi nhanh. Một trong những nguyên nhân là Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng tại hầu hết các đối tác đầu tư chính của Việt Nam.
“Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, song cũng chịu sự cạnh tranh từ một số thị trường như Ấn Độ và Indonesia”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Trên thực tế, xu hướng sụt giảm đầu tư nước ngoài đang ngày càng rõ nét hơn. Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định, dòng vốn đầu tư toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm tới hơn 40%, do tác động của đại dịch Covid-19.
Câu chuyện nằm ở chỗ, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư, các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài đã bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các cơ quan xúc tiến đầu tư ở nước ngoài cũng đã chia sẻ những lo lắng về việc Việt Nam chưa thể sớm mở lại các đường bay quốc tế, các chuyến bay đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế. Điều này khiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà đầu tư không thể tới Việt Nam khảo sát, ký kết thỏa thuận đầu tư hoặc đến chính dự án của mình để trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Đây cũng là nguyên nhân khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa thể sớm bứt tốc trong thời gian tới.
Hơn nữa, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt hơn. Chưa kể, dù luôn có nhận định rằng, Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn và vốn đầu tư đang dịch chuyển khỏi quốc gia này, song trên thực tế, FDI vào Trung Quốc vẫn đang ngược chiều xu hướng của thế giới.
Trong 10 tháng năm 2020, FDI vào Trung Quốc vẫn đạt 115 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ và đã tăng tháng thứ 8 liên tiếp. Trong đó, FDI vào ngành dịch vụ tăng 16,2%, vào lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Rõ ràng, không dễ để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay.
Vốn đầu tư sẽ không “tự đến”
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để gia tăng đầu tư nước ngoài trước xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và đa dạng thị trường đầu tư toàn cầu, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, dưới tác động của đại dịch Covid-19 và sự tiếp diễn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Đây là điều đã luôn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định trong thời gian qua. Song cũng chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã luôn nhấn mạnh rằng, vốn đầu tư sẽ không “tự đến”. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư là điều cần thiết.
Và đó là lý do mà trong thời gian gần đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã rất nỗ lực trong thực hiện các biện pháp để “nối dài cánh tay” tới các nhà đầu tư nước ngoài. Từ tổ chức các cuộc tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp Nhật, với các quỹ đầu tư… đến ký kết các thỏa thuận hợp tác với JETRO, với Ngân hàng UOB (Singapore).
UOB, kể từ sau biên bản ghi nhớ được ký với Cục Đầu tư nước ngoài vào năm 2015, đã kết nối, hỗ trợ hơn 150 nhà đầu tư tới Việt Nam, với tổng giá trị các khoản đầu tư là 51.000 tỷ đồng. Lần này, với thỏa thuận mới, UOB đang kỳ vọng giúp đưa 25.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ đô la Singapore) vào Việt Nam.
“Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn để đa dạng chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư trong bối cảnh bị gián đoạn bởi Covid-19”, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc UOB Wee Ee Cheong nói.
Trong cuộc điện đàm với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (Viện TB), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Viện TN hỗ trợ, kết nối các quỹ đầu tu nhằm giúp Việt Nam hình thành trung tâm tài chính quốc tế, cũng như hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn tại Anh, Mỹ, châu Âu…
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Tony Blair cho rằng, Việt Nam cần lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, sau đó thiết lập kế hoạch với những chỉ tiêu, mục đích, biện pháp rõ ràng. “Trước hết, Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên, đặt trọng tâm vào việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tối đa hóa tính hấp dẫn để thu hút FDI”, cựu Thủ tướng Tony Blair nói.
Ở một góc độ khác, chia sẻ các thông tin thu thập được từ các nhà đầu tư nước ngoài, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho rằng, cần có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.
Chẳng hạn, hiện nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn chia sẻ rằng, khách hàng Âu - Mỹ đã bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp này phải sử dụng năng lượng xanh (hoặc tái tạo) để sản xuất (trước năm 2022 phải đạt 10%, 30~50% vào 2025 - 2030). “Do đó, cũng cần sớm quy hoạch các nguồn năng lượng xanh để thu hút các tập đoàn này mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Theo Công ty giám sát đầu tư FDI Markets, Chỉ số FDI - theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, chỉ đứng ở mức 734 điểm trong tháng 9/2020, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số FDI đã mất tới 27,3% giá trị.
Dẫn các số liệu nghiên cứu của FDI Markets, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định rằng, dòng vốn FDI toàn cầu “ít có động lực hồi phục”.