Aa

Fed dừng tăng lãi suất, dòng FII sẽ quay lại Việt Nam

Thứ Tư, 06/12/2023 - 06:15

Theo giới phân tích tài chính, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng lộ trình tăng lãi suất từ năm sau, điều này sẽ tác động tích cực lên dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam qua kênh M&A.

FII gia tăng qua M&A

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho hay, thị trường và nhà đầu tư đều đang theo dõi theo động thái của Fed xem họ sẽ làm gì với lãi suất USD trong thời gian tới. Nếu lãi suất USD tiếp tục tăng cao, sẽ ảnh hưởng nhiều đến định giá, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và tác động đến kinh tế trong nước.

Ngược lại, nếu lãi suất USD giảm, niềm tin vào sự phát triển kinh tế sẽ tăng cao. Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng sẽ chảy mạnh vào các thị trường đang phát triển qua M&A, trong đó có Việt Nam, nhất là khi tỷ giá tiền đồng tiếp tục được kiểm soát ổn định.

Hơn nữa, theo ông Warrick Cleine, có một thực tế là đang có sự dịch chuyển trên toàn cầu để giảm thiếu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo đó, các nhà đầu tư đều có niềm tin vào người tiêu dùng Việt Nam.

Dữ liệu từ KPMG Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, thị trường M&A Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn.

Theo KPMG, khác với hai năm trước khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, trong 10 tháng đầu năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch M&A. Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố.

Phó tổng giám đốc Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity, ông Khanh Vũ cho biết, 20 năm qua, thế giới ở trong môi trường lãi suất thấp, nhưng điều này đã thay đổi gần đây. Khi lãi suất cao, nhà đầu tư thường đòi hỏi lợi nhuận cao hơn, trong khi ở các thị trường phát triển, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại; Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng không còn tăng trưởng như trước. Các nhà đầu tư di chuyển dòng tiền tới các thị trường tiềm năng như Việt Nam, bởi đây là một trong những thị trường hiếm hoi có lợi nhuận khá cao.

Việt Nam là thị trường đầu tiên mà trong 6 tháng qua đã giảm lãi suất, trong khi một số thị trường vẫn tăng lãi suất. Tăng trưởng GDP của Việt Nam tốt nhất trong khu vực châu Á, dự kiến năm 2024 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó khăn, nhưng theo ông Khanh Vũ, với xu hướng hạ nhiệt lãi suất, ngân hàng dồi dào thanh khoản và sẵn sàng cho vay hơn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại.

Sớm cán mốc 20 tỷ USD

Theo bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART, trong 3 năm tới, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể đạt mốc 20 tỷ USD. Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhất thế giới và mở ra cơ hội thu hút được nhiều khoản đầu tư từ các nhà đầu tư trên thế giới.

Giao dịch M&A diễn ra mạnh trong các ngành tài chính (47%), bất động sản (23%) và y tế (10%), với bốn trong số năm giao dịch lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2023. So với năm ngoái, dịch vụ tài chính và y tế đã thay thế ngành tiêu dùng, công nghiệp về giá trị giao dịch.

- Ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia 

“Thời điểm năm 2012, xu hướng M&A đi xuống, nhưng ở giai đoạn 2016 - 2017, có đến hàng chục tỷ USD đổ vào thị trường Việt Nam, riêng năm 2016 có 16 tỷ USD. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn sâu hơn, bền bỉ hơn để có thể gia tăng giá trị trong các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam”, bà Bình Lê nói và cho rằng, ESG (môi trường, xã hội, quản trị) sẽ là yếu tố quyết định và tất yếu trong các thương vụ M&A hiện nay cũng như thời gian tới. 

Ông Warrick Cleine nhận định, động lực tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam bao gồm dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, nhờ chính trị ổn định và nhiều thỏa thuận thương mại đã được ký kết.

Hơn nữa, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, tăng trưởng GDP sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 20252, nợ công vẫn dưới trần pháp lý 60% GDP. Những nền tảng đó cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.

Cũng theo ông Warrick Cleine, việc nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường năm nay có thể là dấu hiệu chuyển hướng từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành mạnh và có chọn lọc. Những tài sản có khả năng mở rộng và theo xu hướng khu vực, nắm bắt được xu thế cung cầu trong nước và thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top