Aa

Fed hạ lãi suất khẩn cấp: Liệu đã đúng bệnh và hàm ý gì với Việt Nam?

Thứ Năm, 05/03/2020 - 10:37

TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp là dòng tiền, thanh khoản và niềm tin, cần hỗ trợ tức thì.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ như giảm lãi suất cơ bản lại có độ trễ. Vậy, chính sách cần nhất cho Việt Nam lúc này là gì?

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa đưa ra những phân tích về động thái hạ lãi suất khẩn cấp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và gợi ý chính sách sắp tới với Việt Nam.

Cụ thể, đêm ngày 3/3/2020 (giờ Việt Nam), Fed đã bất ngờ cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản về mức 1,0 - 1,25%, mà không cần chờ tới cuộc họp chính thức ngày 17 - 18/3. Nguyên nhân chính được Fed đưa ra là do lo ngại tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Bối cảnh kinh tế Mỹ

Kinh tế Mỹ trong 2 tháng đầu năm vẫn được đánh giá có nền tảng khá tốt như GDP năm 2019 tăng trưởng khá (2,1%), tỷ lệ thất nghiệp tháng 1/2020 vẫn ở mức thấp (3,6%), Mỹ - Trung đã ký thỏa thuận thương mại - giai đoạn 1, tình hình dịch Covid-19 tạm thời chưa bùng phát mạnh tại Mỹ (trong khi đã bùng phát và lan mạnh tại nhiều nước). Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, đã dần ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, nhất là đối với thương mại, tiêu dùng nội địa và đặc biệt là làm đứt gãy chuỗi sản xuất của nhiều tập đoàn của Mỹ.

Ba lý do chính khiến Fed quyết định giảm lãi suất khẩn cấp

Động thái cắt giảm mạnh lãi suất của Fed lần này được lý giải nhằm: (i) hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đối phó với những rủi ro từ dịch Covid-19, nhất là giảm thiểu tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và tiêu dùng (giảm cú sốc cầu), (ii) qua đó, giúp nền kinh tế đạt được những mục tiêu về việc làm và ổn định giá cả, và (iii) thể hiện việc Fed cần có hành động để củng cố niềm tin, ổn định thị trường tài chính (thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần từ 24 - 28/2/2020, đã suy giảm mạnh, từ 10 - 12%).

Phản ứng của thị trường

Quyết định hạ lãi suất của Fed thực tế đúng như kỳ vọng của các chuyên gia và nhà đầu tư. Ngày 2/3, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh (chỉ số Dow Jones tăng 5,1%) với kỳ vọng Fed sẽ có động thái hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm khoảng 0,5 điểm % lãi suất trong cuộc họp ngày 17 - 18/3 tới (theo công cụ CME Fedwatch, 100% thị trường đánh giá Fed sẽ hạ lãi suất kỳ họp này).

Tuy nhiên, sau khi quyết định của Fed được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/3/2020 đã quay lại xu hướng giảm điểm, một phần do kỳ vọng của thị trường đã được đáp ứng; một phần là do lo ngại kinh tế Mỹ và thế giới sẽ giảm đà tăng trưởng trong năm 2020 khi diễn biến, tác động của dịch Covid-19 ngày càng rõ nét. Kết thúc phiên ngày 3/3, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ (DowJones, S&P 500 và Nasdaq) giảm 2,8 - 3%. Trong khi đó, các nhà đầu tư tăng tìm trú ẩn bằng cách đẩy mạnh mua vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến giá vàng tăng 2,9%, lên mức khoảng 1.645 USD/ounce và giá trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh, đồng nghĩa với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 1% (ở mức 0,999%, giảm 16,4 điểm cơ bản).

Hình 1: Biến động thị trường chứng khoán thế giới khi Fed hạ lãi suất khẩn cấp ngày 3/3/2020, (so sánh với thời điểm 31/12/2019, gốc 100%)

Vậy, động thái giảm lãi suất khẩn cấp này liệu đã đúng bệnh?

Như chúng tôi đã phân tích tại các báo cáo trước đây, dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực đến cả tổng cung (các ngành sản xuất theo chuỗi) và tổng cầu (du lịch - nhà hàng - khách sạn, vận tải, giao thương, giải trí, bán lẻ (tiêu dùng)…). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp là dòng tiền, thanh khoản và niềm tin, cần hỗ trợ tức thì (trong khi chính sách tiền tệ như giảm lãi suất cơ bản lại có độ trễ). Thay vào đó, quan trọng hơn là cần giảm, giãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp (như miễn giảm phí/thuế, giãn - hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…).

Vì thế, giảm lãi suất cơ bản của Fed chưa phải là đúng bệnh, nhất là trong bối cảnh dư địa giảm lãi suất không còn nhiều (ở Nhật Bản và Châu Âu thậm chí lãi suất cơ bản âm); thậm chí, động thái giảm mạnh lãi suất này chứng tỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro phía trước; vì vậy thị trường có phản ứng trái chiều (nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ cũng có chung nhận định này). Ngoài ra, Chủ tịch Powell của Fed lưu ý rằng Fed không sẵn sàng sử dụng thêm bất kỳ công cụ nào để kích thích nền kinh tế ngoài việc hạ lãi suất. Đây có thể cũng là yếu tố gây thất vọng đối với các nhà đầu tư, bởi họ mong đợi nhiều động thái mạnh mẽ hơn từ Fed.

Trong khi đó, người Mỹ và nhà đầu tư mong đợi Chính phủ ưu tiên hơn, quyết liệt hơn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới, nhưng điều này có vẻ chưa được như mong đợi.

Thứ ba, chính sách tài khóa dường như được mong đợi hơn tại thời điểm này. Theo đó, Quốc Hội Mỹ đang bàn thảo đưa ra gói hỗ trợ khoảng 7,5 tỷ USD để giúp phòng chống dịch bệnh. Bộ Tài chính Mỹ cũng đang dự tính đẩy mạnh đầu tư công (nhất là cơ sở hạ tầng) và nới lỏng quy định đối với ngân hàng để các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn. Tổng thống Mỹ Trump cũng kêu gọi giảm phí bảo hiểm xã hội trong một năm… Đây là những hỗ trợ tài khóa mà người dân Mỹ mong đợi hơn cả.

Hàm ý đối với Việt Nam

Nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh việc dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam. Việc xác định đúng và trúng chính sách, công cụ hỗ trợ lúc này là rất quan trọng, trong điều kiện nguồn lực có hạn và dư địa chính sách không còn nhiều. Như chúng tôi đã nêu quan điểm tại bài viết "Chính sách kinh tế, tiền tệ nào cần ưu tiên trong bối cảnh dịch Covid-19?" công bố ngày 28/2/2020; theo chúng tôi, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hai là, các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Trong những trường hợp chống cú sốc ngắn hạn như hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

Ba là, để hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp về dòng tiền và tính thanh khoản; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới phục vụ sản xuất - kinh doanh... Các TCTD đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5 - 2%/năm, giảm một số loại phí, rà soát, xem xét từng khách hàng, khoản vay để có biện pháp hỗ trợ tương ứng. Theo đó, NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí hỗ trợ để các TCTD nhất quán thực hiện và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn.

Bốn là, đối với chính sách tài khóa, Chính phủ chỉ đạo sớm cho phép giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính (nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất…). Thứ hai, Chính phủ sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống mức 15 - 17% (Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua). Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, các dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch.

Năm là, việc Fed giảm lãi suất khiến đồng USD và thị trường chứng khoán biến động, giá vàng tăng... Chính phủ chỉ đạo dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng - cũng là động lực quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn hơn.

Cuối cùng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tận dụng cơ hội nhằm: (i) Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh, giảm mạnh chi phí không chính thức, tạo điều kiện thu hút đầu tư (tư nhân và FDI phát triển tốt hơn); (ii) Tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, nhiều cơ hội phát triển như kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ trực tuyến…; (iii) Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), nhất là EVFTA (dự kiến hiệu lực từ tháng 7/2020); (iv) Hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, đối tác thay thế các nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra nhằm nhanh chóng ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ…

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top