Do vậy, tỷ giá sẽ có biến động trong mức kiểm soát mục tiêu, nhưng doanh nghiệp cá nhân có nhu cầu về ngoại tệ cần sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
PV: Tỷ giá tăng có phải do nhu cầu thanh toán nhập khẩu tăng hay còn do các nguyên nhân nào khác, thưa ông?
Ông Đinh Đức Quang: Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng và trên thị trường liên ngân hàng có tăng trong thời gian gần đây khi thị trường ghi nhận nhu cầu mua ngoại tệ tăng lên từ khách hàng cho các giao dịch giao ngay và kỳ hạn. Nhu cầu mua ngoại tệ giao ngay tăng lên đến từ nhu cầu thanh toán nhập khẩu, trả nợ vay nước ngoài và các nhu cầu hợp pháp khác theo tính mùa vụ. Trong khi đó, nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn được thúc đẩy một phần từ giá mua kỳ hạn hiện nay rất tốt. Khi tiếp cận các mức giá bán kỳ hạn đến 12 tháng trong thời điểm hiện nay, khách hàng có thể chốt tỷ giá mua kỳ hạn thấp hơn tỷ giá giao ngay.
PV: Liệu tỷ giá có chịu áp lực khi mùa cao điểm cuối năm cận kề? Cung ngoại tệ hiện nay có đủ cân đối cầu trên thị trường, nhất là dịp cuối năm?
Ông Đinh Đức Quang: Thị trường đánh giá, các biến động tỷ giá gần đây là bình thường từ hoạt động mua bán, đầu tư, vì chính sách chung từ cơ quan quản lý là ổn định thị trường chứ không phải cố định thị trường. Với quy định biên độ giao dịch của tỷ giá là 5% mức tỷ giá trung tâm như hiện nay, thị trường sẽ luôn có sự thay đổi theo cung cầu ngoại tệ từng thời điểm.
Ngoài ra, mức giao dịch tỷ giá quanh 23.900 VND/USD như hiện nay cũng thể hiện mức biến động dưới 2% so với tỷ giá từ đầu năm 2023 và đây vẫn là mức biến động thấp nhất so với mức biến động của các đồng tiền mạnh trên thế giới và khu vực so với USD. Chúng tôi nhận thấy, cơ quan quản lý đã và đang đặt sự ổn định vĩ mô và ưu tiên quản lý các cân đối lớn một cách nhất quán. Do vậy, chúng tôi tiếp tục dự báo tỷ giá sẽ có biến động trong mức kiểm soát mục tiêu.
Từ các dữ liệu vĩ mô và diễn biến thị trường, chúng tôi tin tưởng, thị trường hoàn toàn có đủ điều kiện cân đối các nhu cầu mua bán ngoại tệ trong những tháng cuối năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam có được mức xuất siêu lớn, tiến độ thu hút giải ngân đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài ổn định cùng các nguồn thu ngoại tệ khác từ du lịch, kiều hối là cơ sở cho khả năng cân đối này.
Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua bán ngoại tệ hợp pháp nên nghiên cứu, phân tích và sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý, để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, đầu tư.
PV: Chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế hiện nay có tác động lên tỷ giá và dòng vốn đầu tư gián tiếp không, thưa ông?
Ông Đinh Đức Quang: Chênh lệnh lãi suất giữa USD và VND là một trong những yếu tố có thể gây tác động lên việc thay đổi tỷ giá ngoại tệ, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Tỷ giá sẽ biến động ít hay nhiều còn tùy thuộc vào một loạt thông số vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, từ cán cân thương mại và thu hút đầu tư, cũng như các hoạt động vãng lai khác. Tiềm năng tăng trưởng trong ngắn hạn và dài hạn từ những thị trường tài chính khác (chứng khoán, vốn, mua bán - sáp nhập…) mang yếu tố quyết định lên dòng vốn gián tiếp, hơn là những biến động tỷ giá trong mức vài phần trăm một năm.
Hiện tại, lãi suất USD cao hơn lãi suất VND cho các kỳ hạn rất ngắn trên thị trường liên ngân hàng và điều này có tác động đến xu hướng quản lý nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng cho mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên, trên tổng thể chung về mặt bằng lãi suất tiết kiệm, VND vẫn vượt trội với lợi tức trên 6%/năm so với 0% khi cá nhân, doanh nghiệp nắm giữ USD ở trong nước.
Báo cáo vĩ mô từ bộ phận nghiên cứu của chúng tôi dự báo, cơ quan quản lý có thể cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm 2023 trên cơ sở lạm phát đang tăng chậm và thấp hơn mức mục tiêu. Mặt bằng lãi suất thấp hơn cũng có thể hỗ trợ việc cắt giảm chi phí vay của cá nhân, doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nắm bắt các cơ hội phục hồi nhu cầu từ bên ngoài.
PV: Liệu lộ trình tăng lãi suất của Fed đã có điểm dừng và điều này có khiến USD trên thị trường quốc tế giảm, thưa ông?
Ông Đinh Đức Quang: Chúng tôi giữ quan điểm, Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong phần còn lại của năm 2023 dù có các ý kiến khác nhau giữa các nhà hoạch định chính sách của Fed. Bộ phận nghiên cứu của chúng tôi cho rằng, Fed sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm 2023, đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo có thể chỉ xuất hiện từ quý I/2024./.