Aa

“Găm” hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì, Sông Hồng 1 vẫn “kêu” khó khăn

Thứ Hai, 17/04/2017 - 07:10

Liên quan tới việc “chây ì" bàn giao phí bảo trì tại chung cư CT3 Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), theo ông Phùng Bá Sế, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng, nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Doanh nghiệp kêu khó khăn

Như Reatimes đã thông tin, BQT tòa nhà đơn nguyên 1&3 chung cư CT3 (KĐT mới Trung Văn, Nam Từ Liêm) đã được thành lập từ tháng 12/2015. Theo quy định của pháp luật, Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng (chủ đầu tư) phải bàn giao phí bảo trì cho BQT. 

Chung cư CT3 Trung Văn đang trong quá trình xuống cấp.

Chung cư CT3 Trung Văn đang trong quá trình xuống cấp nhưng chủ đầu tư vẫn chập chạm trả phí bảo trì. 

Thế nhưng, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng theo quy định của Luật Nhà ở, thậm chí “phớt lờ” các yêu cầu của cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, UBND quận Nam Từ Liêm, “chây ỳ” không bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần diện tích chung tại Toà nhà cho BQT.

Theo uớc tính của đại diện BQT 2 đơn nguyên 1&3, phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao đến tháng 3/2017 là hơn 6 tỷ đồng. Trước việc “chây ì” này, cư dân đã đồng nhất khởi kiện chủ đầu tư ra toà đòi công lý.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phùng Bá Sế, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng cho biết, công ty rất muốn trả sớm quỹ bảo trì cho người dân, nhưng do gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính. 

Nhiều hạng mục của tòa nhà xuống cấp, cư dân phải tự bỏ tiền ra tu sửa tạm.

Nhiều hạng mục của tòa nhà xuống cấp, cư dân phải tự bỏ tiền ra tu sửa tạm.  

Theo ông Sế, hiện nay nhiều khách hàng đang nợ công ty, có đơn vị nợ đến hàng chục tỷ đồng. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống công nhân viên, công ty chưa có dư thừa được nhiều để trả tiền phí bảo trì 2% cho cư dân ở CT3 Trung Văn. Trong thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với BQT thu xếp để trả phí.

Theo kế hoạch thanh toán chuyển trả tiền phí bảo trì cho đơn nguyên 1&3 chung cư CT3 Trung Văn, số tiền sẽ được xé nhỏ làm 8 đợt và trả hết trong vòng 2 năm. Theo đó, mỗi quý công ty sẽ thanh toán 1 lần.   

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Xuân, Trưởng BQT đơn nguyên 1, cư dân tại đây không đồng ý với kế hoạch bàn giao phí bảo trì của chủ đầu tư. Đúng theo quy định của pháp luật, từ cuối năm 2015, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT. 

Cũng theo bà Xuân, BQT cư dân tại đây mong muốn công ty chấp thuận phương án trả phí bảo trì trong 2 đợt: Đợt 1 trả 50% và đến hết năm phải bàn giao hết. Tuy nhiên, phía công ty Sông Hồng chưa có ý kiến gì về phương án này.

“Trên tinh thần cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, không làm khó chủ đầu tư. Chúng tôi đã đưa ra phương án thanh toán phí bảo trì trên. Trong trường hợp chủ đầu tư không làm được, chúng tôi buộc phải nhờ đến cơ quan tòa án giải quyết”, bà Xuân nói.

Chủ đầu tư làm ăn thua lỗ, cư dân chịu?

Theo quy định của pháp luật, người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng 2% phí bảo trì cho chủ đầu tư tạm quản lý. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền bảo trì sau khi BQT được thành lập.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, một số chủ đầu tư phá sản hoặc “bỏ trốn” khiến cư dân có nguy cơ mất trắng tiền bảo trì. Có chủ đầu tư làm ăn thua lỗ, khó khăn nên tìm cách chậm bàn giao phí bảo trì.

Phí bảo trì chưa được chủ đầu tư bàn giao khiến cho việc tu sửa các hạng mục xuống cấp gặp nhiều khó khăn.

Phí bảo trì chưa được chủ đầu tư bàn giao khiến cho việc tu sửa các hạng mục xuống cấp gặp nhiều khó khăn.  

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà Việt Nam, người mua nhà chung cư thường phải đóng ngay 2% phí bảo trì mới được nhận nhà ở, nhưng sau đó lại lâm vào thế đuổi chủ đầu tư đòi khoản tiền của chính mình đã bỏ ra. Trong khi đó, vai trò của cơ quan chức năng can thiệp vào vẫn quá mờ nhạt để tình trạng các chủ đầu tư một mình một sân, vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Tình trạng này hiện diễn ra khá phổ biến ở nhiều nhà chung cư. Lâu dần, tòa nhà không có nguồn kinh phí duy trì sẽ nhanh chóng xuống cấp, ảnh hưởng đến vận hành, an toàn của cư dân. Về lâu dài, những tranh chấp này sẽ khiến người dân ngán ngẩm nhà chung cư, trong khi đây là xu thế đô thị hiện đại.

Bên cạnh các hạng mục tòa nhà xuống cấp, vấn đề PCCC không còn đảm bảo khiến cư dân bất an.

Bên cạnh các hạng mục tòa nhà xuống cấp, vấn đề PCCC không còn đảm bảo khiến cư dân bất an. 

Liên quan tới sự việc tại CT3 Trung Văn, theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Tuấn Hưng – Văn phòng Luật sư BQH, công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng “găm” hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì là vi phạm pháp luật. Việc chủ đầu tư không trả phí bảo trì, rõ ràng có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn, cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Không chỉ “nợ” phí bảo trì, mới đây trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng cũng được nêu tên với số tiền nợ tính đến hết ngày 31/1/2017 lên tới 14,575 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp đang còn nợ khoảng 10 tháng bảo hiểm.

Mặc dù nằm trong “sổ đen” về đối tượng nợ thuế nhưng, Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng vẫn tiếp tục được đấu thầu thực hiện nhiều dự án khác. Khi doanh nghiệp dùng tiền phí bảo trì để đầu tư thua lỗ, cư dân là người chịu trận. Ai sẽ đảm bảo quyền lợi cư dân?

Reatimes tiếp tục thông tin sự việc./.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top