Aa

"Ôm" hàng tỷ đồng phí bảo trì không trả, cư dân đâm đơn khởi kiện chủ đầu tư

Chủ Nhật, 09/04/2017 - 06:51

Cuộc chiến phí bảo trì chung cư ở nhiều dự án chung cư Hà Nội chưa bao giờ hết nóng khi các cư dân hết căng răng rôn phản đối lại phải đâm đơn kiện ra tòa án để đòi lại khoản tiền này…

Một trong số hàng loạt vấn đề bức xúc của cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza ở Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) về việc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Hồ Gươm không chịu bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà.

Cư dân Hồ Gươm Plaza căng băng rôn suốt 10 ngày liên tiếp yêu cầu chủ đầu tư trả lại khoản phí bảo trì gần 20 tỷ đồng.

Cư dân Hồ Gươm Plaza căng băng rôn suốt 10 ngày liên tiếp yêu cầu chủ đầu tư trả lại khoản phí bảo trì gần 20 tỷ đồng.

Để phản đối chủ đầu tư, cư dân Hồ Gươm Plaza đã căng băng rôn trong suốt 10 ngày liên tiếp yêu cầu chủ đầu tư trả lại khoản phí bảo trì. Theo quy định, đây là khoản chủ đầu tư chỉ đứng ra thu hộ trong quá trình bán nhà và bắt buộc phải bàn giao lại khi tòa nhà có Ban quản trị (BQT).

Tuy nhiên, BQT chung cư Hồ Gươm Plaza cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, liên tục yêu cầu Công ty Hồ Gươm phải trả lại phí bảo trì và công ty này cũng đã cam kết trả vào tháng 8/2016, nhưng cho đến giờ vẫn chưa trả hết.

Được biết, trong khoảng 20 tỷ đồng thì chủ đầu tư mới chuyển trả 2 tỷ đồng vào tài khoản của cư dân. Và đến nay, cư dân vẫn tiếp tục đấu tranh, gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng để không chỉ đòi khoản phí bảo trì tiền tỷ này mà còn muốn giải quyết nhiều sai phạm khác của chủ đầu tư tại dự án.

Khác với cách đấu tranh của cư dân Hồ Gươm Plaza, BQT đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng khi cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.

Chung cư CT3 gồm 3 đơn nguyên, trong đó, đơn nguyên 1 và 3 cao 19 tầng, được đưa vào sử dụng từ năm 2012.  BQT đơn nguyên 1 và 3 đã được thành lập đúng theo quy định của pháp luật và được UBND quận Nam Từ Liêm công nhận ngày 24/11/2015. Tuy nhiên, tới nay, phía chủ đầu tư vẫn không thực hiện việc bàn giao phí bảo trì cho BQT.

BQT đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.

BQT đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.

Trước sự chây ì của chủ đầu tư, các cư dân đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội cũng như chính quyền địa phương các cấp để có biện pháp, chế tài đối với Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng.

Theo bà Phạm Thị Xuân, Trưởng BQT trị đơn nguyên 1, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Cụ thể, ngày 29/7/2016, UBND TP. Hà Nội đã có công văn gửi Sở Xây dựng xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 30/9/2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn số 8654 yêu cầu Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng bàn giao kinh phí bảo trì 2%, phần diện tích chung tại toà nhà cho BQT. 

Tiếp đó, ngày 14/10/2016, UBND quận Nam Từ Liêm cũng có Công văn số 1773 tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các nội dung mà Sở Xây dựng chỉ đạo.

Thế nhưng, sự việc vẫn dừng lại ở các phản hồi văn bản, chưa có chế tài và xử lý nên chủ đầu tư vẫn cố tình “phớt lờ” không bàn giao phí bảo trì. Điều này khiến cư dân cũng như BQT vô cùng bức xúc khi tòa nhà đã có nhiều hạng mục xuống cấp như: nứt lún tường, máy bơm hỏng, hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động… đe dọa đến cuộc sống cư dân, nhưng không có kinh phí sửa chữa.

Chính vì thế, cư dân đơn nguyên 1 và 3 đã thống nhất khởi kiện chủ đầu tư ra toà đòi để đòi lại quyền lợi chính đáng. 

Trước đó, cư dân chung cư cao cấp Keangnam trên đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có thời gian dài đấu tranh để đòi lại số tiền hơn 120 tỷ đồng phí bảo trì. Thậm chí, cư dân tòa nhà này đã phải gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng cũng như nhiều cơ quan chức năng ở Hà Nội.

Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng BQT chung cư Keangnam cho biết, đến thời điểm hiện tại, BQT đã nhận được số tiền 120 tỷ đồng trên tổng giá hơn 123 tỷ đồng phí bảo trì từ chủ đầu tư.

Hiện nay, ở Hà Nội còn hàng chục dự án chung cư đã đi vào hoạt động nhưng chủ đầu tư vẫn không bàn giao khoản tiền phí bảo trì cho BQT chung cư. Điều này rõ ràng có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn từ phía các chủ đầu tư, cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Khoản 1 Điều 20 Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD quy định: Chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho Ban quản trị khi Ban quản trị được bầu ra.

Điều 109 Luật Nhà ở quy định: Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Nhà ở này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top