Theo đó, tại họp báo, một vấn đề được báo chí đặt ra là việc kiểm soát sai lệch của các báo cáo thị trường BĐS.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, hệ thống thông tin thị trường BĐS rất quan trọng. Cơ quan Nhà nước dựa vào hệ thống thông tin để đánh giá, còn doanh nghiệp cần để giao dịch, mua bán. Bộ Xây dựng hàng tháng đều có báo cáo cho Bộ trưởng từ nguồn địa phương gửi về.
Ông Ninh cho biết, hiện pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin, vấn đề là người sử dụng thông tin phải biết chọn lọc vì có những báo cáo không giống nhau và chưa chuẩn xác.
Cũng theo ông Ninh, để xác định vai trò thông tin, Chính phủ ban hành Nghị định 117 (2015) về hệ thống quản lý thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Theo đó, thông tin phải chính thống từ xã phường, quận, huyện phải liên thông với nhau, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu.
“Hiện, Bộ Xây dựng đang giao cho Trung tâm thông tin triển khai xây dựng và mất gần 10 tỷ tiền ngân sách xây dựng cơ sở dữ liệu”, ông Ninh cho hay.
Giảm 51% thủ tục hành chính về xây dựng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng 6 tháng đầu năm, hiện nay số lượng thủ tục hành chính đã giảm đi đáng kể. Từ 93 thủ tục trước đây xuống còn 46 thủ tục, giảm 51% (trong đó có 03 thủ tục hành chính được thực hiện ở ba cấp, 21 thủ tục hành chính được thực hiện ở hai cấp và 22 thủ tục hành chính được thực hiện ở một cấp).
Thời gian giải quyết về thủ tục hành chính cũng giảm 25% so với trước đây. Thành phần hồ sơ cũng đơn giản hơn trước, các doanh nghiệp tiếp cận thủ tục dễ dàng, nhanh chóng hơn. Hầu hết tất cả các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính từ cấp Trung ương đến địa phương đều thông qua cơ chế 1 cửa.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, chính quyền địa phương...
Đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Xây dựng, Luật Xây dựng 2014 và các Nghị định hướng dẫn được ban hành đã giảm, lồng ghép được 6 thủ tục so với quy định tại Luật Xây dựng năm 2003. Cụ thể: Thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án giảm từ 30 ngày xuống 25 ngày làm việc (giảm 5 ngày); thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc.