Aa

Gần 2.000 tỷ đồng đầu tư phát triển Khu công nghiệp Hưng Phú, Thái Bình

Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Bảy, 14/09/2024 - 14:21

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 13/9/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình. Công ty cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú được chấp thuận là nhà đầu tư của dự án này.

Dự án được triển khai tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, với diện tích quy hoạch 349,83ha. Trong đó, 236,74ha dành cho khu công nghiệp, phần còn lại là khu cảng và hành lang bảo vệ đê, nằm dọc theo sông Hồng và đường tỉnh ĐT 462. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.939,641 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 300 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu nhà ở cho chuyên gia và người lao động sẽ chiếm từ 2,5- 3ha, phục vụ khoảng 7.800 người. Khu nhà ở này sẽ được bố trí tại các khu dân cư quy hoạch mới ở xã Nam Hưng và Nam Phú, huyện Tiền Hải. Khu công nghiệp Hưng Phú được định hướng là khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ hiện đại. Dự án có hệ thống cảng sông nằm trên tuyến đường thủy nội địa cấp I thuộc sông Hồng, giúp tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa.

Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định và quản lý dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Các bộ ngành khác có liên quan cũng sẽ đảm bảo các nội dung thẩm định thuộc chức năng và nhiệm vụ của mình.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình được giao nhiệm vụ đảm bảo chính xác các thông tin và số liệu liên quan, đồng thời giám sát việc sử dụng quỹ đất theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tỉnh cũng chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Hưng Phú còn lại (5,92ha) theo quy định của pháp luật; đánh giá nhu cầu sử dụng phần diện tích này để có phương án điều chỉnh giảm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quản lý khu công nghiệp, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và giám sát việc phân bổ, sử dụng đất.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình còn có trách nhiệm đảm bảo các thủ tục về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật, cũng như chỉ đạo các bên liên quan tuân thủ quy định về thủy lợi, đê điều, tài nguyên nước và phòng chống thiên tai. Trong đó, việc kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Đối với việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý (nếu có) phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Công ty cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú, với tư cách là nhà đầu tư, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp và chính xác của hồ sơ dự án, tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện dự án và chịu mọi rủi ro liên quan theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về đất đai. Công ty cũng phải sử dụng vốn góp chủ sở hữu đúng cam kết, đáp ứng các điều kiện kinh doanh bất động sản và chỉ được triển khai dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nhà đầu tư còn phải tuân thủ quy định tại Điều 57 Luật Trồng trọt và Điều 14 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP; thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan; ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo quy hoạch đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, Thái Bình sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp chính của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp, bao gồm 4 khu thuộc khu kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp trải rộng trên 8 huyện và thành phố, với tổng diện tích gần 3.000ha.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top