Theo đó, ranh giới 4 phía tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau: Phía Đông giáp TP. Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp các quận 1, 4, 12 và quận Bình Thạnh; phía Nam giáp các quận 7, quận 4 TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; phía Bắc giáp TP. Thuận An và TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Đồ án quy hoạch này có mục tiêu định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian và vùng TP.HCM; đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số.
TP. Thủ Đức cũng được giao nhiệm vụ trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.
Theo Quyết định, Thủ Đức sẽ là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía Đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
Là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của Thành phố và vùng TP.HCM.
Là đầu mối kết nối trung tâm hiện hữu TP.HCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng TP.HCM. Đồng thời là đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu./.