Aa

Gắn chip lên chó, nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”

Thứ Ba, 25/12/2018 - 06:35

Đề xuất quản lý chó bằng phần mềm và gắn chip định vị lên mình con vật nuôi đang gây tranh cãi dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này không khả thi và tốn kém.

  Đề xuất quản lý chó bằng phần mềm ở khu vực Hà Nội đang gây tranh cãi dư luận. Ảnh: B.Loan

Đề xuất quản lý chó bằng phần mềm ở khu vực Hà Nội đang gây tranh cãi dư luận. Ảnh: B.Loan

Gắn định vị để quản lý là điều nên làm

Chi cục Thú y Hà Nội đang phối hợp với 2 tổ chức về bảo vệ chó của nước ngoài xây dựng đề án quản lý cho nuôi bằng phần mềm. Cụ thể, mỗi con chó sẽ được gắn chip định vị vào tai, vòng cổ. Qua đó, lưu giữ thông tin về đặc điểm nhận dạng, năm sinh và thông tin tiêm phòng, mũi tiêm của chó sẽ được cập nhật, lưu trữ bằng phần mềm để tạo thuận lợi cho việc quản lý, theo dõi. Cách quản lý này không những xây dựng một quy cách quản lý vật nuôi thông minh, hiện đại, thân thiện mà còn góp phần làm giảm tình trạng trộm chó, gây mất an ninh trật tự.

Song song với thực hiện việc gắn chip trên chó, Hà Nội sẽ tiếp tục truyền thông để hạn chế việc ăn thịt chó. Có thể nói, hiện luật không quy định kiểm soát dịch với thịt chó nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, chó là vật nuôi rất gần gũi với con người. Việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó sẽ tạo ra phản cảm đối với khách du lịch quốc tế, ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn ninh, hiện đại.

Bởi theo Chi cục Thú y, hiện Hà Nội có nhiều chó nuôi nhất cả nước, với khoảng 493.000 con. Năm 2018, thành phố có 3 người chết vì bệnh dại, gần 10.000 người phải đi tiêm phòng dại, chủ yếu do chó cắn. Chi cục Thú y Hà Nội nhận định, số lượng người nuôi chó cảnh, nuôi chó kinh doanh tăng lên nhanh chóng là thách thức lớn cho việc quản lý, phòng trừ dịch bệnh. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, việc quản lý chó bằng phần mềm và gắn chip lên mình con chó cũng giống như xe máy lắp biển số. Dự kiến kinh phí xây dựng phần mềm từ nguồn xã hội hóa và trình UBND TP Hà Nội vào giữa năm 2019.

Đề xuất được nhiều người dân đánh giá cao bởi tính hiện đại, thông tin và thân thiện. Không những vậy, việc gắn chip cho vật nuôi cũng xích mối quan hệ giữa vật nuôi với con người gần lại nhau hơn. Anh Nguyễn Đăng Bình (32 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Đây thực sự là ý kiến hay. Nói thực, tôi ra đường nhìn thấy mấy con chó Pitbul lúc nào cũng trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” mà tôi lạnh sống lưng. Chó thả rông rất nguy hiểm. Nhiều người đã bị tàn phế, thậm chí tử vong khi tránh chó hoặc bị chó tấn công. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên. Song song với đó, Hà Nội cũng cần tăng cường mô hình đội săn bắt chó thả rông”.

Tốn kém, không khả thi?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ với đề xuất trên, không ít người lại cho rằng, đề xuất trên là tốn kém, không khả thi vì đây không phải là giải pháp toàn diện để giảm tải con số gần 10.000 người Thủ đô phải đi tiêm phòng dại vì chó cắn, hay số lượng các ca nhập viện cấp cứu vì chó tấn công.

Anh Lại Xuân Huy (29 tuổi, ở Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) thẳng thắn: “Tôi cho rằng đề xuất sẽ rất tốn kém, việc sử dụng nguồn vốn xã hội hoá cũng khó khả thi, chắc chắn sẽ vấp phải ý kiến của dư luận. Chi cục Thú y Hà Nội thống kê có 493.000 con chó trên cả nước. Thực tế, có thể số lượng vật nuôi còn nhiều hơn, như vậy số tiền đầu tư không phải nhỏ, trong khi còn nhiều vấn đề cấp thiết cần được xử lý hơn cho người dân, như: Cải thiện môi trường, khắp nơi đang cần trường học, bệnh viện, mở đường, chống ngập cho dân…”.

Anh Huy cũng cho biết thêm, việc đầu tư tiêm phòng dại cho vật nuôi và tiêm phòng dại cho người sau khi bị vật nuôi tấn công đang rất tốn kém. Thực tế hiện nay, con số người nhập viện, tàn phế hay tử vong vì bị chó tấn công không phải ít. Hơn nữa là hiện nay đang thiếu vaccine phòng dại. Vì vậy, nhà nước cần xem xét lại tính hiệu quả và việc sử dụng kinh phí cho đề xuất trên. Trong trường hợp khác về việc sử dụng chi ngân sách thì nên huy động kinh phí cho đề xuất.

Mặt khác, chị Nguyễn Thị Thuỷ (32 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Tôi ở gần gia chủ nuôi con chó Pitbul tấn công người ở hồ Định Công cách đây không lâu. Thực tế, con chó này cũng đã từng nhiều lần tấn công người dân xung quanh. Nên tôi cho rằng, đề xuất này không phải là giải pháp tối ưu. Với những trường hợp chó dữ như trên thì cần chính quyền vào cuộc mạnh tay, xử lý, tiêu huỷ luôn nếu có thể. Để tránh hàng xóm khu vực lo sợ, đặc biệt là trẻ em. Việc này (gắn chip) chỉ hiệu quả với những vật nuôi không bị câu trộm. Còn những vật nuôi bị câu có chủ ý thì sẽ mất chó và mất luôn cả định vị”.

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang xây dựng Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 và thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại, cũng như tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật liên quan phòng, chống bệnh động vật để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Cục Thú y luôn ủng hộ các địa phương xây dựng các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý động vật nói chung và bệnh dại nói riêng để phù hơp với đặc điểm văn hóa, truyền thông của mỗi vùng miền và đảm bảo thực thi đúng theo các quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Thú y cũng sẽ chỉ đạo hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên cả nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt các chương trình phòng chống dịch bệnh nói chung, cũng như Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 của Chính phủ”.

 

Bảo Loan

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top