Doanh nghiệp vay thực đa phần... “lãnh đạn”
Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ 1/5/2017. Đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua với bao nhiêu phiên họp nhằm kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp trong nước, nhằm tránh nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản nhưng từ đó đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái gì mới dù Chính phủ cũng đã "năm lần bảy lượt" đốc thúc.
Qua thống kê, đa phần các doanh nghiệp nội đều cho rằng vướng mắc phát sinh trong quá trình khai quyết toán thuế năm, trong đó có yếu tố loại trừ chi phí lãi vay theo mức trần khống chế làm tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Trước vấn đề bất cập nhức nhối này, bà Nguyễn Thị Cúc Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, hiện nay đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì không vấn đề gì, vì các doanh nghiệp này đã biết và chủ động có biện pháp để xử lý. Nhưng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có vướng mắc phát sinh trong quá trình khai quyết toán thuế năm, trong đó có yếu tố loại trừ chi phí lãi vay theo mức trần khống chế làm tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, rõ nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở xã hội - lĩnh vực đang được hưởng ưu đãi về chính sách thuế.
Thực tế các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có thể có nhiều chi nhánh, hoặc hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Khi công ty mẹ điều hành công ty con trong cùng hệ thống, sẽ có giao dịch liên kết. Mà khi đã có giao dịch liên kết thì bất cứ khoản vay nào, kể cả vay của cổ đông, vay dưới hình thức phát hành trái phiếu, vay tín dụng… đều bị khống chế 20%. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội, hiện nay có chính sách ưu đãi thuế (nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10%), được vay nguồn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua ngân hàng.
Vấn đề hiện nay là khi doanh nghiệp được vay ưu đãi rồi, nhưng bởi vì hầu hết các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội có vốn mỏng, nên họ vay từ các nguồn vay ưu đãi để triển khai dự án, để bán giá thấp cho người dân. Khi vay, thì tỷ lệ lãi vay sẽ vượt trần 20%. Số vượt trần này, theo quy định Nghị định 20, cơ quan thuế phải loại trừ khỏi chi phí tính thuế. Điều này có nghĩa doanh nghiệp vay thực, chi phí thực, nhưng không được tính chi phí đầu vào để xác định giá trị tính thuế, mà phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trên chi phí lãi vay vượt quá trần 20% bị loại ra khỏi chi phí đó.
Theo bà Cúc, việc sửa Nghị định này một cách toàn diện sẽ mất rất nhiều thời gian, vì thế chúng ta có thể sửa riêng Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 theo hướng mở rộng đối tượng không bị điều chỉnh bởi quy định này đối với các đối tượng không có hoạt động giao dịch xuyên biên giới và áp dụng cùng một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì đối tượng này không xảy ra rủi ro chuyển giá để chuyển dịch lợi nhuận nhằm mục đích tránh thuế.
Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 nên sửa là “Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm; các đối tượng không có hoạt động giao dịch xuyên biên giới và áp dụng cùng một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp".
Vô hình chung cản trở doanh nghiệp nội
Trước những tồn tại bất cập ít nhiều gây "oan nghiệt" về thuế cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Nam, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.
Quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng, khiến các doanh nghiệp e ngại.
"Quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp", ông Nam nói.
Đặc biệt, ông Nam cho rằng quy định này sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ – con hiện nay, bởi trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.
Điều này dẫn đến quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản trong cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Làn sóng kiến nghị bất cập trong Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 vẫn tiếp tục, khi tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán VN (VASB) tiếp tục có công văn gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về quy định chưa hợp lý của Nghị định 20.
Theo VASB, các công ty chứng khoán là doanh nghiệp đặc thù được cấp phép hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ. Để có nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ, doanh nghiệp cần vay từ các tổ chức tín dụng. Do chưa có hướng dẫn, nên các cục thuế địa phương cho rằng “tổng chi phí lãi vay” bị khống chế là toàn bộ chi phí lãi vay của doanh nghiệp với tất cả các đối tượng liên kết và độc lập. Cách hiểu như vậy không công bằng, gây nhiều khó khăn cũng không khuyến khích doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, khiến doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận. Những quy định không rõ ràng, không nắm bắt được bản chất của chi phí lãi vay, đánh đồng các giao dịch kinh doanh... vô hình chung cản trở doanh nghiệp. Thậm chí một số doanh nghiệp có thể thua lỗ kéo dài, mất nguồn thu thuế lâu dài cho ngân sách Nhà nước.