Aa

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,9% trong năm 2022

Chủ Nhật, 17/07/2022 - 06:06

Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2022. Đáng nói, theo kịch bản 2, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,9% nếu tín dụng tăng 15%, cao hơn 1 điểm % so với mục tiêu.

Những con số ấn tượng nửa đầu năm 2022

CIEM hôm 15/7 đã công bố báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững". Báo cáo đã cho thấy những kết quả ấn tượng về kinh tế vĩ mô nửa đầu năm.

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022, và 7,72% trong quý II/2022, là tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhờ các giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, và hỗ trợ người lao động, tình hình lao động - việc làm đã sớm có những chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng nhanh hơn trong 6 tháng đầu năm 2022 - chủ yếu do giá nhiên liệu thế giới và tổng cầu tăng mạnh - song lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức tương đối thấp. Điều này phần nào cho thấy hiệu lực và hiệu quả của công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Tất nhiên, áp lực đối với điều hành lạm phát dự báo sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn phức tạp, xu hướng đồng USD lên giá và gián đoạn chuỗi cung ứng còn hiện hữu cũng như tác động tăng giá xăng dầu có thể được phản ánh rõ nét hơn vào giá các hàng hóa khác.

Về lãi suất, lãi suất cho vay 6 tháng đầu năm tương đối ổn định do các ngân hàng thương mại cân nhắc về việc tăng lãi suất, thận trọng hơn trong việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán…) và chênh lệch giữa lãi suất cho vay - lãi suất huy động còn đủ lớn. Tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt gần 6% và 3,2% tương ứng trong các quý I/2022 và quý II/2022 so với quý trước đó, thậm chí còn vượt trội so với cùng kỳ năm 2021 và năm 2018 - 2019.

Hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi khá tích cực. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước ghi đạt 739,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá hiện hành).

Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm đã phục hồi vượt mức cùng kỳ năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì sức hút đối với dòng vốn FDI nhờ một số nguyên nhân như kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, một loạt FTA quan trọng, và duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá nhanh. Tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 186 tỷ USD, tăng 17,3%. Tổng giá trị nhập khẩu đạt hơn 185,3 tỷ USD, tăng 15,5%. Việt Nam xuất siêu gần 743 triệu USD. Việc khai thác các FTA tiếp tục giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đồng thời giảm được rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,9% 

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022, CIEM cho rằng tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố chủ chốt.

Thứ nhất là, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới.

Thứ hai là, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba là, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát.

Thứ tư là, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD.

Thứ năm là, khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2022. Kịch bản 1, GDP tăng 6,7%. Kịch bản 2, GDP tăng 6,9%.

Cụ thể trong kịch bản 1, tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%.

Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Dân số tăng 1,07%, và số lao động có việc làm tăng 6,1% so với năm 2021.

Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết tăng 10,7% so với năm 2021. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1,5%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%. Giải ngân đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh một số chỉ tiêu như: GDP của thế giới tăng 3,6%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; tín dụng tăng 15%; giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2%; tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 0,8%; giải ngân đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng; và đẩy mạnh tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1 và 6,9% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong kịch bản 1 và tăng 16,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top