Nghị quyết 18 - Những đột phá hướng tới hài hòa lợi ích và công bằng xã hội

Nghị quyết 18 - Những đột phá hướng tới hài hòa lợi ích và công bằng xã hội

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Tư, 13/07/2022 - 06:15

Sự gia tăng giá trị kinh tế của đất đai trong một nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh nhưng lại chưa đảm bảo sự hài hòa trong phân phối lợi ích là nguồn cơn chính tạo ra những căng thẳng xã hội. Nghị quyết 18, với những điểm đột phá, được kỳ vọng sẽ từng bước giải quyết tình trạng này.

********

Đất đai được đánh giá là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 19 (Hội nghị Trung ương 6 năm 2012) về việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Trong 10 năm ấy, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Những bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản lần lượt được ban hành… nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 19, đem lại sự phát triển vượt bậc của thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, hiện thực kinh tế xã hội đa dạng, phát triển nhanh chóng đặt ra thêm nhiều vấn đề mới, dẫn đến còn không ít ý kiến khác nhau xoay quanh lĩnh vực đất đai. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII diễn ra vào đầu tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu khai mạc đã chỉ ra thực tế: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phát triển, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Nghị quyết 18 được đánh giá là cột mốc quan trọng, chứa đựng những điểm đột phá mới, làm nền tảng cho việc hoàn thiện và phát triển thị trường đất đai, bất động sản, tăng cường lợi ích cho người dân.

Để hiểu thêm về những điểm mới đáng chú ý tại Nghị quyết 18, hướng đến tìm ra những giải pháp giúp tạo sức bật mới từ nguồn lực đất đai, trên tinh thần nghiên cứu, Reatimes triển khai tuyến bài nhìn từ Nghị quyết 18: Gia tăng động lực thị trường và phân phối lợi ích từ đất đai.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Để hiểu rõ hơn về những điểm mới và quan trọng của Nghị quyết 18, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, hiện đang công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PV: Nghị quyết 18 mới đây nhiều lần đề cập đến các cụm từ “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” liên quan đến đất đai. Ông có thể phân tích và lý giải tại sao Trung ương Đảng lại nhấn mạnh vấn đề này?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Đúng vậy. So với Nghị quyết 19, Hội nghị Trung ương 6, khóa XI năm 2012 thì Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII mới đây đã nhấn mạnh hơn nhu cầu bảo đảm “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” liên quan đến đất đai. Điểm mới này thể hiện ở chỗ cụm từ “hài hòa lợi ích” đã được nhắc đến 3 lần và “công bằng xã hội” được sử dụng 5 lần trong Nghị quyết 18 năm 2022, trong khi cả hai cụm từ này chỉ được nhắc đến 1 lần trong Nghị quyết 19 năm 2012.

Cho đến hiện nay, lĩnh vực đất đai vẫn là nơi xuất hiện nhiều vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặt ra nhu cầu cấp bách về điều chỉnh chính sách. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Sự gia tăng những vấn đề xã hội liên quan đến đất đai, đặc biệt là những vụ việc căng thẳng, mâu thuẫn xã hội có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như giá trị, ý nghĩa tinh thần đặc biệt của mỗi mảnh đất; sự chưa hoàn thiện của thể chế đất đai; những bất cập về cơ hội tiếp cận và sử dụng đất. Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất là sự gia tăng giá trị kinh tế của đất đai trong một nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh. Những bất cập về cơ hội tiếp cận đất đai, sử dụng và phân phối lợi ích từ đất đai đã khiến các “điểm nóng đất đai” trong cộng đồng gia tăng.

Bên cạnh những nguyên tắc nền tảng về đất đai như chế độ sở hữu toàn dân, vai trò đại diện sở hữu toàn dân và quản lý của Nhà nước, Nghị quyết 18 có một số chủ trương mới, đáng chú ý như: Bỏ khung giá đất, xây dựng cơ chế và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; áp dụng mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất. Có thể thấy những điểm mới nêu trên hướng đến hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước, gia tăng sử dụng các động lực thị trường trong việc điều chỉnh các hành vi và quan hệ liên quan đến đất đai.

PV: Như ông đã chỉ ra, chúng ta nên hiểu như thế nào về “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” liên quan đến đất đai?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Nghị quyết 18 khẳng định “quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân”. Quan điểm này đặt ra yêu cầu về hài hòa lợi ích và công bằng xã hội liên quan đến đất đai. Có nghĩa là, chính sách đất đai phải quan tâm đến sự cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể liên quan, cụ thể là Nhà nước, nhà đầu tư và người dân với các quyền sử dụng đất. 

Nói cách khác, hài hòa lợi ích có nghĩa là sự phát triển của một địa phương hay sự giàu lên của một nhóm xã hội này không thể phải đánh đổi bằng những thiệt thòi hay nghèo đi của một nhóm xã hội khác. Việc quản lý, sử dụng và phân phối lợi ích từ đất đai cũng phải hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền và giữa các thế hệ.

Trong khi đó, công bằng xã hội là một giá trị nền tảng, luôn được quan tâm khi hoạch định và thực thi chính sách công. Quan điểm công bằng nhấn mạnh đến việc chia sẻ trách nhiệm và thụ hưởng lợi ích từ đất đai. Để thực hiện công bằng xã hội, nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước là phải có sự can thiệp nhằm bảo đảm lợi ích cho các nhóm yếu thế nhất trong xã hội.

Nói cách khác, thực hiện “công bằng xã hội” chính là việc không để xảy ra tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Các chính sách đất đai không thể trở thành tác nhân tạo ra khoảng cách giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng xã hội thái quá về thu nhập và mức sống giữa các nhóm xã hội.

PV: Trên cơ sở lý luận như vậy, ông nhận xét thế nào về sự hài hòa lợi ích và công bằng xã hội trong lĩnh vực đất đai ở nước ta những năm vừa qua?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Mấy chục năm qua, tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở nước ta đã khiến nhu cầu về đất và giá trị của đất đai gia tăng nhanh chóng. Cũng từ đó, trong xã hội xuất hiện những căng thẳng, mâu thuẫn, thậm chí là xung đột xã hội liên quan đến đất đai. Thực tế này cho thấy việc quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều bất cập.

Đơn cử như việc thu hồi đất, chúng ta dễ thấy nhiều nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn, còn một bộ phận người dân bị thu hồi đất lại chịu thiệt thòi. Luật Đất đai quy định người có đất bị thu hồi phải được bảo đảm quyền lợi ít nhất bằng với khi chưa bị thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa đạt được điều này khi vẫn còn xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài do lợi ích chính đáng của một bộ phận người bị thu hồi đất chưa được đáp ứng.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích và công bằng xã hội thì tiếng nói, nguyện vọng của các nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt là các nhóm yếu thế phải được truyền tải đến các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách. Tuy nhiên, mô hình chính sách của chúng ta đến nay vẫn là từ trên xuống, vốn nhấn mạnh ý chí của chính quyền. Bởi thế, quan điểm, tiếng nói, nguyện vọng của các nhóm xã hội - vốn đi từ dưới lên - chưa thực sự tạo ra tác động hiệu quả.

PV: Các nhà lý luận, hoạch định chính sách đều nhìn ra vấn đề, nhưng tại sao lại để vấn đề đó diễn ra trong thời gian dài?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Tình trạng đó gần như là điều khó tránh khỏi đối với một quốc gia phải vươn lên từ nghèo khó. Từ giữa những năm 1980, chúng ta tiến hành Đổi mới trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo. Để có thể thoát nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì chúng ta phải mời gọi nhà đầu tư. Mà để gọi mời đầu tư, chúng ta có gì hơn ngoài lợi thế “rẻ” như nhân công nhiều và rẻ, thuế phí rẻ, tiếp cận đất đai dễ dàng và chi phí thấp.

Song, đến thời điểm này, quy mô nền kinh tế nước ta đã khác cho nên chúng ta có thể lựa chọn nhà đầu tư. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng coi nhẹ các vấn đề xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế thì sẽ nảy sinh nhiều căng thẳng, bất ổn xã hội.

Bởi thế, Đảng ta không chỉ tiếp tục coi trọng giải quyết các vấn đề chính sách xã hội gắn với nhu cầu cá nhân, mà còn đề ra chủ trương mới về phát triển xã hội. Tức là Đảng đã coi trọng giải quyết các vấn đề ở cấp độ cấu trúc xã hội, chẳng hạn như giảm bất bình đẳng xã hội, để hướng đến xây dựng một cộng đồng xã hội hài hòa và phát triển bền vững.

PV: Ông có nói chủ trương bỏ khung giá đất là một “đột phá khẩu”. Ông có thể phân tích rõ hơn?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Từ trước đến nay, giá đất chính thức ở nước ta do Nhà nước quyết định. Cụ thể, Chính phủ ban hành khung giá đất, có giá trị áp dụng trong 5 năm. Dựa vào đó, các chính quyền địa phương sẽ ban hành bảng giá đất (điều chỉnh hằng năm cho phù hợp với biến động thị trường). Khung giá đất sẽ chỉ được điều chỉnh khi giá đất trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa và giảm 20% trở xuống so với giá tối thiểu.

Như vậy, có thể thấy khung giá đất đã tạo ra một giới hạn tương đối chật hẹp cho việc định giá đất đai - thứ luôn dao động với biên độ lớn trên thị trường. Chính điều này đã tạo ra tình trạng chưa đảm bảo hài hòa lợi ích cho người bị thu hồi đất, bởi giá đất theo khung Nhà nước ban hành thường chỉ bằng khoảng 30% - 40% giá thị trường. Bởi vậy, người bị thu hồi đất dù có được áp dụng mức giá cao nhất thì số tiền được đền bù vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc mua bán trên thị trường.

Bỏ khung giá đất và xây dựng các phương án định giá tiệm cận giá đất trên thị trường được kỳ vọng sẽ bảo đảm lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là nhóm xã hội yếu thế. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong hành trình xoá bỏ tình trạng chênh lệch giữa hai giá đất, giảm thiểu cơ hội trục lợi từ đất đai, giảm tình trạng thu hồi đất đai tuỳ tiện.

Song, việc bỏ khung giá đất cũng có mặt trái nhất định như: Khiến việc thu hồi đất trở nên tốn chi phí nhiều hơn, có thể tác động nhất thời tới các kế hoạch xây dựng các dự án đầu tư công cũng như làm giảm sức cạnh tranh của nước ta trong mời gọi đầu tư. Mặt khác, nó đặt ra câu hỏi rằng việc xác định bảng giá đất ở các địa phương sẽ căn cứ vào đâu, theo phương pháp nào, áp dụng ra sao để phù hợp với bốn chữ “nguyên tắc thị trường”.

PV: Đó cũng chính là băn khoăn, chúng ta phải hiểu như thế nào về “nguyên tắc thị trường”?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Thị trường luôn biến động, lên xuống với biên độ rất lớn, nhất là trong thời kỳ xảy ra “sốt đất” như các năm 2020 - 2021, giá nhà đất có lúc đã vượt cả sự tưởng tượng của chúng ta. Cho nên “nguyên tắc thị trường” không nên hiểu là việc điều chỉnh giá đất bám sát theo diễn biến thị trường hay tham chiếu cả các hiện tượng dị biệt (ví dụ mức đấu giá đất tại Thủ Thiêm, TP.HCM) mà là tôn trọng các quy luật khách quan của thị trường, như quy luật cung - cầu, quy luật giá trị.

Chúng ta không nên áp đặt ý chí chính trị hay mệnh lệnh hành chính đối với các giao dịch quyền sử dụng đất. Tôi cho rằng vấn đề xác định giá đất tại các địa phương như thế nào sẽ là câu chuyện lớn nhất sau khi Nghị quyết 18 được ban hành.

PV: Việc xây dựng phương pháp tính giá đất sẽ không thể nhanh, điều này sẽ đưa tới hệ quả không mong muốn là làm đình trệ một số nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Đúng vậy. Nghị quyết 18 ban hành giữa năm 2022, thường thì 1 năm sau chúng ta mới có Luật Đất đai mới. Đưa Luật Đất đai sửa đổi vào thực tế với các nghị định, thông tư hướng dẫn lại cần thêm một độ trễ nhất định nữa. Như vậy, trong 1 - 2 năm tới, có thể một số lĩnh vực sẽ xảy ra tình trạng chờ đợi.

Ví dụ việc đấu giá đất, chúng ta thấy mức giá đấu ở Thủ Thiêm cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, một phần là do mức giá khởi điểm được xác định quá thấp. Vậy khi bỏ khung giá đất, việc xác định giá đất để làm giá khởi điểm đấu giá đất có thể sẽ phải ngưng lại.

Hay việc xác định giá trị đất đai để tính giá trị doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa có thể cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh cán bộ Nhà nước hiện nay có tâm lý e dè, thận trọng hơn khi thực hiện các công việc liên quan đến nhà đất.

PV: Một “đột phá khẩu” khác trong Nghị quyết 18 là chủ trương áp dụng mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất. Thực tế, việc này đã được nói đến khá nhiều song chưa khi nào thành hiện thực, ấy là vì sao?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Việc đánh thuế tài sản/thuế bất động sản đã nói hơn chục năm nay song chưa hiện thực hóa, chủ yếu vì một số lý do. Thứ nhất, chúng ta áp dụng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Vậy sẽ áp thuế thế nào đây với một loại tài sản sở hữu tập thể? Thứ hai, Việt Nam tôn trọng quyền tài sản, coi là bí mật cá nhân nên thông tin về tài sản, nhà đất gần như luôn được giữ kín. Thứ ba, nếu áp thuế nhà đất thì có thể khiến giá bất động sản tăng theo, dù đây mới chỉ là giả định.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng đã đến lúc chúng ta phải xem chuyện công khai, minh bạch về đất đai là bình thường và người có nhiều tài sản (đồng nghĩa với thu nhập cao) nên có trách nhiệm đóng nhiều thuế hơn. Chúng ta kỳ vọng việc áp thuế nhà đất sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ, thổi giá ảo rồi mua đi bán lại không dựa trên nhu cầu thực sự, đồng thời Nhà nước cũng có thêm nguồn thu cho ngân sách, cơ hội sở hữu nhà, đất cũng mở ra với nhiều người hơn trong xã hội.

PV: Áp thuế với người có nhiều nhà đất có tạo ra công bằng, hài hòa lợi ích cho các chủ thể, hay mới chỉ tạo ra công bằng một bên (tức tăng thu ngân sách cho Nhà nước)?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Việc đánh thuế cao hơn trước hết sẽ có thể hạn chế đầu cơ và lãng phí đất đai, vì khi phải chịu chi phí lớn thì các hành vi (đầu cơ, để hoang) sẽ phải tự khắc điều chỉnh để tránh thiệt hại. Chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận một hệ quả nhất thời là các giao dịch trên thị trường bất động sản có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều được lợi cũng rất nhiều: Nhà nước có thể từng bước ổn định giá, khuyến khích sử dụng hiệu quả đất đai, tăng thu ngân sách.

Rất khó để nói rằng việc áp thuế với những người có nhiều bất động sản thì có thúc đẩy công bằng xã hội hay không bởi điều này còn phụ thuộc vào cách thức sử dụng ngân sách của Nhà nước. Thực tế, các nguồn thu từ bất động sản có thể trở thành nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các nhóm xã hội yếu thế (như công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị…) thông qua các chương trình như y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, an sinh và phúc lợi xã hội… Và đây chính là một số chiều cạnh của công bằng xã hội trên thực tế.

PV: Kinh nghiệm quốc tế có giúp ông đưa ra gợi ý về sắc thuế này tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế bất động sản dựa trên các chỉ tiêu như số lượng, diện tích, giá trị, thời gian sở hữu bất động sản... Mức thuế đánh thường là lũy tiến theo các chỉ tiêu đó. Kinh nghiệm quốc tế, tin rằng đã được Bộ Tài chính - cơ quan nhiều lần đề xuất sắc thuế này, nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi chỉ khuyến nghị về mặt phương pháp là cần lưu ý tới sự chênh lệch giá và khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội cũng như thu nhập của người dân ở các địa phương.

Chẳng hạn như người ở tỉnh Lai Châu có 4 bất động sản nhưng tổng giá trị của 4 bất động sản đó có thể không bằng 1 bất động sản tại Hà Nội. Gia đình có 10 thành viên thì khác với gia đình 2 thành viên dù cùng sở hữu 3 bất động sản… Có nghĩa rằng bộ tiêu chí để xác định ngưỡng chịu thuế, mức thuế cần đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm trong xã hội chứ không nên đổ đồng. Có như vậy thì mới tạo ra sự hài hòa, tránh nảy sinh các xung đột và cũng tránh tình trạng một quy phạm pháp luật vừa ra đời ít lâu lại phải sửa chữa, bổ sung hoặc nặng hơn là bãi bỏ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top