Nhiều ngành tăng trưởng “dựa hơi” ngành Du lịch
Lĩnh vực dịch vụ, chiếm 43.7% GDP đạt tăng trưởng 6.7%, cũng là quý I có mức tăng cao nhất 10 năm. Nguyên nhân là nhờ mảng Lưu trú & ăn uống có cải thiện rõ rệt trong khi Bán buôn bán lẻ, Kinh doanh bất động sản và Tài chính ngân hàng bảo hiểm duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, Lưu trú & ăn uống hưởng lợi từ sự phát triển nhanh của ngành Du lịch. Trong quý I, doanh thu xuất khẩu du lịch đạt 2.8 tỷ USD, tăng 23.3% so với cùng kỳ.
Lượng khách quốc tế đến Việt nam trong quý I đạt 4.2 triệu lượt khách, tăng 30.9% (cùng kỳ tăng 29%). Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc tăng 69.2%, là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tốc độ tăng đã gấp đôi cùng kỳ 2017. Trung Quốc tiếp tục là thị trường du lịch lớn nhất với 1.35 triệu lượt khách, tăng 42.9%.
Vận tải kho bãi mặc dù cũng có sự cải thiện giống Lưu trú & ăn uống nhưng các số liệu chi tiết khá đan xen, không hoàn toàn ủng hộ cho mức tăng trưởng này. Vận tải hành khách quý I/2018 đạt 46,8 tỷ lượt khách/km, tăng 10% theo năm, nhỉnh hơn so với cùng kỳ 2017 là 9.4%, tuy vậy vận tải hàng hóa đạt 72,7 tỷ tấn/km, tăng 5.8%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ là 6.7%.
Bán buôn bán lẻ, ngành có tỷ trọng lớn nhất (chiếm tới 26% trong lĩnh vực Dịch vụ) đạt tăng trưởng 7.45% và đây là năm thứ 4 liên tiếp tăng trưởng ngành Bán buôn bán lẻ cao hơn 7%.
Sự cải thiện của sức cầu tiêu dùng đi cùng với tăng trưởng việc làm là yếu tố đã đến nhiều lần trong giai đoạn vừa qua. Dấu hiệu cần lưu ý trong quý I năm nay đó là chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp đang tăng chậm lại, chỉ đạt +3.8% dù dựa trên nền thấp của cùng kỳ 2017.
GDP Kinh doanh bất động sản có dấu hiệu giảm tốc
Ngành Kinh doanh bất động sản cũng có dấu hiệu giảm tốc. GDP kinh doanh bất động sản tăng 3.56% trong quý I, mức thấp nhất 5 quý. Mặc dù chậm lại nhưng nếu so sánh với giai đoạn trước 2017 là 3.56%, đây vẫn là con số rất đáng khích lệ.
Sự cải thiện của Bất động sản hay Tài chính ngân hàng bảo hiểm đều có liên quan mật thiết đến sự phục hồi kinh tế. Cũng trùng hợp khi tăng trưởng của ngành Tài chính ngân hàng bảo hiểm cũng thấp nhất 5 quý nhưng lại cao hơn khá nhiều trung bình 5 năm, lần lượt là 7.72% và 6.75%.
Sản xuất Kim loại, ngành kéo tăng trưởng công nghiệp thứ 2 sau Điện tử cũng đang tăng chậm lại. Chỉ số công nghiệp sản xuất Kim loại tháng 3 chỉ còn tăng 14%, thấp nhất 14 tháng. Tăng trưởng sản lượng thép cán đã chậm lại rõ rệt, từ mức 32.7% của quý I/2017 xuống chỉ còn 6.7% trong quý I/2018. Trong khi đó, sắt thép thô, sản phẩm có sản lượng gần gấp 2 lần thép cán (2.5 triệu tấn vs 1.3 triệu tấn) vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao,7.2%.
Ngoài ra, một số ngành khác cũng có sự biến đổi về tốc độ tăng trưởng. Đơn cử như, ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3.76% nhờ sản xuất lúa gặp thuận lợi cả về thời tiết lẫn giá cả.
Cao su, mặt hàng tạo ra tăng trưởng cho ngành nông nghiệp năm 2017 lại giảm sút do bất lợi về giá. Xuất khẩu cao su quý I tăng 10.5% về lượng nhưng lại giảm 19.8% về giá trị. Giá cao su tự nhiên trung bình quý I/2018 đã giảm -32% so với quý I/2017 bất chấp giá dầu trung bình tăng +13%.
Chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn do giá thấp. Tổng đàn lợn tháng 3 giảm 6.2% theo năm và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I giảm 1.2% theo năm. Bù lại, chăn nuôi gia cầm lại phát triển tốt nhờ ít dịch bệnh và giá bán ổn định.
Ngành Thủy sản duy trì tăng trưởng cao nhờ thủy sản nuôi trồng, bao gồm cả cá và tôm đều có thuận lợi về thời tiết và giá bán
Tóm lại kết quả của quý I/2018 là rất tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý đến 2 vấn đề: Thứ nhất là mức tăng trưởng cao của quý I/2018 đến từ nền thấp của quý I/2017, ví dụ điển hình là ngành Khai khoáng và sản xuất điện tử.
Thứ 2, một số tín hiệu cho thấy tăng trưởng có thể chậm lại trong quý 2, bao gồm tín hiệu về tăng trưởng việc làm gắn với sức cầu tiêu dùng và tăng trưởng sản lượng điện thoại sản xuất cũng như sản lượng thép cán đang chậm lại.
Khối FDI, động lực chính cho kinh tế Việt nam, đang thiếu vắng các dự án mới quy mô lớn. Khối trong nước đang trỗi dậy nhưng sẽ cần nhiều thời gian để khối trong nước thu hẹp khoảng cách với FDI. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt là ưu đãi FDI quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu sản phẩm là rất cần thiết.
Cùng với đó, cơ chế hỗ trợ “Đàn sếu lớn” cần sớm được triển khai. Những doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao cần được tạo điều kiện để gia tăng nhanh quy mô sản xuất, tạo ra các sản phẩm “made in Vietnam” đúng nghĩa. Những sản phẩm có giá trị nội địa hóa cao trước mắt sẽ giúp giảm nhập khẩu, tiếp theo đó là mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong cách nhìn của chúng tôi, thị trường toàn cầu mới thực sự là sân chơi lớn để tạo ra tăng trưởng cao và bền vững cho kinh tế Việt Nam.